Thứ sáu 24/01/2025 00:21
Trạm cứu hộ động vật Nông nghiệp Hà Nội:

Việc làm ý nghĩa của các bạn trẻ, góp phần bảo vệ, yêu thương động vật

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Căn nhà cấp 4 được thuê lại, những dụng cụ y tế cơ bản và tình yêu động vật là số “vốn” giá trị nhất mà Trạm cứu hộ động vật Nông nghiệp Hà Nội có được...
Việc làm ý nghĩa của các bạn trẻ, góp phần bảo vệ, yêu thương động vật
Trạm cứu hộ động vật Nông nghiệp Hà Nội.

2 giờ sáng, tiếng chuông điện thoại tại Trạm cứu hộ động vật Nông nghiệp Hà Nội reo. 2 thành viên thuộc Đội vội vã sắp xếp đồ đạc di chuyển đến nơi được thông báo thực hiện cứu hộ cho một chú mèo bị co giật... Đó chỉ là một trong rất nhiều những ca cứu hộ mà Trạm cứu hộ động vật Nông nghiệp Hà Nội đã thực hiện trong suốt 7 năm qua.

Trạm cứu hộ động vật Nông nghiệp Hà Nội được hoạt động từ năm 2015 do thầy Hoàng Minh - Giảng viên cùng nhóm sinh viên Khoa Thú y của Học viện Nông nghiệp Việt Nam lập ra, làm việc phi lợi nhuận. Trong suốt thời gian hoạt động, thế hệ trước truyền lửa cho thế hệ sau, bằng tình yêu thương động vật và tinh thần ham học hỏi, Trạm đã tiếp nhận, chăm sóc và tìm chủ mới rất nhiều những chú chó, mèo bị bỏ rơi, bị thương hoặc có hoàn cảnh đặc biệt.

Từ tình yêu thương động vật

Nằm trong một con ngõ nhỏ gần Học viện Nông nghiệp Việt Nam, “trụ sở” của Trạm cứu hộ động vật Nông nghiệp Hà Nội là một dãy nhà cấp bốn đã xuống cấp, đường vào trạm vẫn còn đất, đá và cỏ dại. Chúng tôi tìm đến trạm với chiếc biển treo trên cổng sắt cao không quá đầu người, đã lệch bản lề: “Trạm cứu hộ động vật Nông nghiệp Hà Nội”.

Anh Nguyễn Quang Tiến - Đội trưởng đội cứu hộ chia sẻ, Trạm có 4 phòng nhỏ chỉ khoảng hơn chục mét vuông là nơi ở, chăm sóc y tế dành cho những chú chó, mèo được cứu hộ đem về. Mỗi phòng vốn đã nhỏ lại thêm đã xuống cấp nên chỉ đủ để những vật dụng thiết yếu nhất, cơ bản nhất để chữa trị, chăm sóc y tế cho những chú chó, mèo tại đây.

Việc làm ý nghĩa của các bạn trẻ, góp phần bảo vệ, yêu thương động vật
Một chú mèo bị thương được Trạm cứu chữa.

Đến với Trạm, mỗi chú chó, chú mèo đều có một hoàn cảnh đặc biệt. Chú thì bị thương, bị bỏ rơi, hoặc đơn giản là khi chủ của chúng không đủ điều kiện để nuôi dưỡng,... Dù ở hoàn cảnh nào, các thành viên của Trạm đều lắng nghe, tiếp nhận và gắng sức để giúp đỡ những “người bạn bốn chân” này.

Ôm một chú mèo bị thương vào lòng, cẩn thận lau vết thương mắt trái, Bùi Quốc Khánh, thành viên đội cứu hộ của Trạm kể: “Em này tên là Mon, mới về trạm được một tuần và mới phẫu thuật được 3 ngày. Em đến với trạm nhờ cuộc gọi cứu hộ từ một chị gái, thấy Mon bị thương nặng ở mắt do bị dính bẫy của bọn trộm nhưng may mắn thoát được và đưa đến đây”.

Ban đầu đến Trạm, chúng tôi không khỏi xót xa vì cơ sở vật chất của Trạm đã quá xuống cấp và xập xệ. Chúng tôi tự hỏi tại sao một nơi vừa ẩm mốc và bé nhỏ thế này lại từng có thể chứa được hàng chục con vật bị thương. Rồi nguồn nhân lực tại Trạm cũng như những vật dụng y tế không nhiều, các bạn lấy đâu ra động lực để tiếp tục công việc cứu sinh động vật?

Nhưng khi được nhìn thấy các tình nguyện viên chăm sóc những con vật bị thương tỉ mỉ, cẩn thận từng li từng tí, từng câu dỗ dành các “em” cứ yên tâm để các bạn chữa trị, chúng tôi hiểu được lý do tại sao cho đến giờ Trạm vẫn cố gắng duy trì. Bởi đó là tình yêu thương động vật cứ nhen nhóm ở mỗi thành viên của Trạm và cứ thế, các bạn chẳng ngại khó khăn, gian khổ, chỉ cần những “người bạn bốn chân” được cứu, mọi chuyện chẳng thành vấn đề.

Việc làm ý nghĩa của các bạn trẻ, góp phần bảo vệ, yêu thương động vật
Một góc cơ sở vật chất của Trạm.

Cứu hộ lúc nửa đêm, kể cả ngày lễ, Tết

Công việc mỗi ngày của một tình nguyện viên Trạm cứu hộ bắt đầu bằng việc dọn dẹp từng phòng như quét sân, dọn lồng, chỗ ở của động vật. Tiếp đó là chăm sóc cho những chú chó, mèo còn đang bị thương, cho chúng ăn và cuối cùng là sẵn sàng nhận điện thoại lên đường đi cứu hộ.

Được biết, các thành viên của Trạm cứu hộ động vật Nông nghiệp Hà Nội đều là các sinh viên làm tình nguyện. Hằng ngày, trung bình có từ 4 - 5 thành viên trực một ca. “Ngoài thời gian học tập, hầu hết chúng tôi đều thay nhau trực, chăm sóc, đi cứu trợ các động vật bất kể là lúc nào, nửa đêm mưa gió, ngày lễ Tết, miễn là có thể làm là bọn mình sẽ lên xe và cứu trợ” - bạn Nguyễn Quang Tiến chia sẻ.

Đối với những ca cứu trợ cần chuyên môn cao trong khi điều kiện của Trạm không cho phép, Trạm sẽ nhờ đến sự giúp đỡ của các phòng khám Thú y. Hầu hết, các phòng khám hỗ trợ đều là của những cựu thành viên trạm - thế hệ xây dựng nền móng cho Trạm từ những ngày đầu.

“Thi thoảng chúng tôi vẫn nghe những lời xì xào bàn tán của những người xung quanh. Ban đầu, chúng tôi khá buồn nhưng sau đó không vì thế mà nhụt chí. Đối với người khác có thể chúng không quan trọng nhưng động vật là cũng là sinh mệnh, là bạn của con người nên chúng tôi cứ thế lên đường cứu hộ” - một thành viên bộc bạch.

Việc làm ý nghĩa của các bạn trẻ, góp phần bảo vệ, yêu thương động vật
Nguyễn Quang Tiến - Đội trưởng đội cứu trợ của Trạm cứu trợ động vật Nông nghiệp Hà Nội và chú mèo bị thương ở mắt.

Chia sẻ với chúng tôi, Nguyễn Quốc Khánh, thành viên Trạm cứu trợ cho biết, công việc của một tình nguyện viên Trạm cứu hộ động vật không chỉ dừng lại ở việc tiếp nhận, cứu hộ và chăm sóc chó, mèo bị bỏ rơi, bị thương như nhiều người vẫn nghĩ. Công việc đó đòi hỏi nhiều hơn ở một tình nguyện viên, một bác sĩ thú y bởi ngoài sự tỉ mỉ, khéo léo và yêu thương động vật, còn phải kiên trì bởi những chú chó, mèo bị thương rồi bị chủ bỏ rơi, hay bị ngược đãi bởi chúng thường sẽ bị chịu ảnh hưởng tâm lý sâu sắc.

“Chó, mèo cũng như con người, tổn thương tâm lý khó chữa trị hơn vết thương cơ thể. Vốn là thú cưng rất gần với con người vậy nên chúng cũng rất nhạy cảm. Chúng có thể trở nên sợ hãi con người, dữ hơn với mọi thứ, không chịu tiếp nhận sự chăm sóc vì bị ám ảnh trong quá khứ. Trong trường hợp đó, các tình nguyện viên phải vừa đảm bảo an toàn cho bản thân vừa phải tìm cách để tạo cho chúng sự tin tưởng đối với con người. Như vậy mới có thể tiếp tục điều trị.

Có những “em” chó, mèo bị ngược đãi hoặc vừa trải qua tai nạn, các “em” ý rất hoảng sợ, trở nên dữ dằn với con người, chúng mình phải mất rất nhiều thời gian để làm quen lấy lại sự tin tưởng của chúng với con người và cũng vì thế việc điều trị khó khăn hơn rất nhiều”, Khánh kể.

Đồng hồ điểm 11h30 trưa, 2 thành viên của Trạm lấy đồ ăn cho những chú chó, mèo ăn. Từng ống xi lanh sữa được Tiến tỉ mỉ, kiên nhẫn từng chút một bơm chó chú mèo yếu ớt sau phẫu thuật. Chú mèo bị thương có vẻ đang bình phục rất tốt, nó ăn nhanh và rất ngoan, chẳng còn sợ hãi run rẩy một góc như ngày mới về Trạm.

Chuông điện thoại bỗng reo lên: “Alo,Trạm cứu hộ động vật Nông nghiệp Hà Nội, xin nghe…”. Và một chiếc balo chứa vài vật dụng sơ cứu cơ bản, 2 chàng trai của Trạm lại tiếp tục hành trình cứu trợ động vật. Đó là những việc làm ý nghĩa của các bạn trẻ, nhằm chung tay góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ, yêu thương động vật.

Hà Nội: Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các loài động vật hoang dã
Hà Nội cứu hộ hơn 770 cá thể động vật hoang dã
Hương Giang
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động