Thứ năm 23/01/2025 11:07

Việc xử lý các hành vi vi phạm quy định bảo vệ quyền lợi người lao động vẫn còn nhiều vướng mắc

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày 21/7 tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Báo Lao Động, Báo Bảo vệ pháp luật tổ chức hội thảo “Hoàn thiện quy định của pháp luật và cơ chế bảo vệ quyền lợi của người lao động bị nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc”.
Việc xử lý các hành vi vi phạm quy định bảo vệ quyền lợi người lao động vẫn còn nhiều vướng mắc
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý, luật sư và người lao động đã cung cấp các thông tin phản ảnh toàn diện thực trạng việc nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Ảnh: Thảo Lan

Quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhiều người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý, luật sư và người lao động đã cung cấp các thông tin phản ảnh toàn diện thực trạng việc nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; đồng thời nâng cao hiểu biết cho người lao động về các quy định của pháp luật về quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng khi tham gia các quan hệ lao động...

Các đại biểu đã đề cập đến thực tế hiện nay là người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thời gian qua xảy ra nhiều ở các doanh nghiệp như doanh nghiệp tư nhân khiến người lao động không được hưởng chế độ như ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động, muốn rút bảo hiểm xã hội một lần cũng không được, về hưu nhưng không lương hưu… Dù vậy, việc xử lý các hành vi vi phạm này vẫn còn vướng mắc.

Chị Nguyễn Thị Huyền, Quản đốc Phân xưởng may Nhà máy Dệt kim Haprosimex (Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex) kể câu chuyện công ty mình: Công ty nợ bảo hiểm xã hội từ tháng 7/2011 của toàn bộ gần 500 công nhân. Tính đến trước tháng 3/2023, số tiền Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex nợ bảo hiểm xã hội của người lao động là hơn 15 tỷ đồng. Trong 6 năm ròng rã, người lao động đi tìm gặp lãnh đạo công ty qua các thời kỳ trước và sau khi cổ phần hóa nhưng câu trả lời mà người lao động nhận được luôn là doanh nghiệp khó khăn, chưa có tiền chi trả cho người lao động. Do bị nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nên quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của hàng trăm người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đáng mừng là người lao động của công ty đã không bỏ cuộc. Sau nhiều lần kiên trì tìm gặp lãnh đạo công ty đòi quyền lợi không kết quả, đã làm đơn kêu cứu, phản ánh sự việc với các cơ quan báo chí. Đến thời điểm hiện tại, Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex đã trả hết số tiền nợ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động hơn 15 tỷ đồng. Cơ quan Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội đã chốt sổ bảo hiểm xã hội cho gần 100 người lao động còn lại của Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex để đảm bảo quyền lợi cho họ.

Theo ông Pham Nghiêm Long - Ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, khi người sử dụng lao động trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội sẽ kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với người lao động như không nhận được trợ cấp thất nghiệp; không được cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả các chế độ như ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất; không thể chốt được sổ bảo hiểm xã hội kể cả khi đã chuyển đến làm việc ở nơi khác... Hệ quả này còn tác động đến gia đình của người lao động và cả xã hội. Dù các quy định của pháp luật cơ bản ngày một hoàn thiện hơn, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, góp phần bảo vệ quyền lợi của chủ thể tham gia nhưng vẫn chưa thể bao quát bảo vệ quyền lợi của các chủ thể, trong đó có người lao động, khiến họ phải chịu hậu quả.

Ông Nguyễn Đức Hạnh - Phó Chánh Văn phòng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, theo số liệu thống kê từ khi Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực đến nay, các cơ quan tố tụng chưa truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bất cứ vụ án hình sự nào theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự. Đây là những hệ lụy gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an sinh xã hội, khiến xã hội không thể phát triển bền vững. Phòng ngừa, truy cứu trách nhiệm và xử lý hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là đòi hỏi khách quan, bức thiết trong việc xây dựng, hình thành một xã hội văn minh, ổn định, vì quyền lợi của người dân.

Nhiều doanh nghiệp giữ bảo hiểm xã hội để lấy tiền đó kinh doanh, thay vào việc đi vay ngân hàng

Việc xử lý các hành vi vi phạm quy định bảo vệ quyền lợi người lao động vẫn còn nhiều vướng mắc
Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu chỉ rõ, doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội về bản chất được lợi nhuận nhiều hơn. Ảnh: Thảo Lan

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu chỉ rõ, doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội về bản chất được lợi nhuận nhiều hơn. Nhiều doanh nghiệp giữ bảo hiểm xã hội để lấy tiền đó kinh doanh, thay vào việc đi vay ngân hàng. Lợi thế này không phải là lợi thế pháp luật cho phép, vi phạm đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Công đoàn được giao quyền khởi kiện bảo vệ quyền lợi về bảo hiểm xã hội của người lao động nhưng việc triển khai lại chưa được như mong đợi, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn phân tích, việc khởi kiện bảo vệ quyền lợi về bảo hiểm xã hội chịu sự chi phối của 4 luật: Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Tố tụng dân sự. Trong quá trình xây dựng luật, thẩm tra luật đã không để ý đến sự thống nhất, nên các đạo luật có sự mâu thuẫn nhau. Có đạo luật yêu cầu công đoàn nói chung có quyền khởi kiện, có đạo luật nêu rõ là công đoàn cơ sở; có đạo luật bắt buộc người lao động phải uỷ quyền, có đạo luật thì yêu cầu chung. Chính vì có sự khác nhau như vậy, nên dù các cấp công đoàn rất nỗ lực đưa các vụ việc ra tòa, nhưng đến nay cơ bản là bế tắc, tòa không thụ lý các vụ việc.

Phó Chủ tịch Ngọ Duy Hiểu kiến nghị xem xét sửa lại quy định để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khởi kiện thì phải do người lao động uỷ quyền. Vì thế, tại dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật bảo hiểm xã hội nên sửa đổi. Tại Điều 10 Hiến pháp, công đoàn là tổ chức đại diện đương nhiên của người lao động vì vậy với công đoàn không nên đặt ra vấn đề uỷ quyền. Trong thực tế có nhiều doanh nghiệp có hàng nghìn, chục nghìn người lao động, nếu rơi vào những trường hợp này thì thủ tục hành chính, thời gian, để tiến hành khởi kiện sẽ rất lâu.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến ngày 31/5/2023, tổng số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN phải tính lãi là 15.848 tỷ đồng, chiếm 3,3% số tiền phải thu. Trong số tiền chậm đóng này, khó khăn nhất là số tiền chậm đóng BHXH tại các đơn vị đã phá sản, giải thể, ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, đơn vị không có người đại diện theo pháp luật làm ảnh hưởng quyền lợi hưởng BHXH của người lao động tại các doanh nghiệp này.

Một số BHXH tỉnh, thành phố có số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN cao nhất như: Hà Nội là 4.081 tỷ đồng, TP Hồ Chí Minh là 4.328 tỷ đồng, Hải Phòng là 650 tỷ đồng, Thanh Hoá là 459 tỷ đồng, Bình Dương là 412 tỷ đồng.

Khi người sử dụng lao động trốn đóng, chậm đóng BHXH sẽ kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với người lao động, đó là: người lao động không nhận được trợ cấp thất nghiệp; không được cơ quan BHXH chi trả các chế độ như ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất; không thể chốt được sổ BHXH kể cả khi đã chuyển đến làm việc ở nơi khác, coi như tất cả các chế độ trước đó mà người lao động đáng được hưởng đều bằng không.

Tại hội thảo, các đại biểu đề xuất một số giải pháp nhằm khắc phục tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, đó là: Nâng cao nhận thức của người tham gia BHXH, tăng cường trách nhiệm giám sát của các tổ chức, cá nhân có liên quan; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt tập trung việc chấp hành nội dung kết luận thanh tra, kiểm tra, kết quả thu hồi sau thanh tra, kiểm tra; Bổ sung quy định của pháp luật đối với cơ quan BHXH có trách nhiệm xác định, khai thác và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH; Bổ sung quy định của Luật BHXH để làm rõ các hành vi trốn đóng BHXH, như: người sử dụng lao động không đăng ký tham gia BHXH bắt buộc hoặc đăng ký tham gia BHXH bắt buộc sau thời gian quy định hoặc đăng ký không đủ số người lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc; người sử dụng lao động đã đăng ký tham gia BHXH bắt buộc cho người lao động nhưng đến thời hạn quy định mà chưa đóng hoặc đóng chưa đủ số tiền BHXH bắt buộc theo quy định; người sử dụng lao động đăng ký và đóng BHXH bắt buộc thấp hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc theo quy định.

Chậm trễ cấp “sổ hồng” cho cư dân: Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội chưa nhận được hồ sơ pháp lý của Chủ đầu tư Chậm trễ cấp “sổ hồng” cho cư dân: Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội chưa nhận được hồ sơ pháp lý của Chủ đầu tư
Dương Quyên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động