Thứ sáu 24/01/2025 10:30

Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành Halal

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Về việc triển khai đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu có cuộc trao đổi với các cơ quan báo chí…
Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành Halal

- Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030. Thứ trưởng đánh giá thế nào về ý nghĩa, tầm quan trọng của Quyết định này?

- Ngày 14/2, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”. Đề án này đã được Bộ Ngoại giao lần đầu tiên chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành và tham vấn nhiều lần các chuyên gia trong nước, quốc tế, các Cơ quan đại diện ta tại nước ngoài, các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp và hiệp hội để xây dựng trong hơn 2 năm qua và nhận được sự quan tâm lớn của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.

Thứ nhất, đây là Đề án đầu tiên đưa ra các định hướng lớn mang tầm quốc gia về huy động các nguồn lực quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam bài bản, chuyên nghiệp, toàn diện, giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu, hiệu quả vào các chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm Halal toàn cầu.

Thứ hai, Đề án tạo hướng đi mới trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, giúp khai mở thị trường Halal giàu tiềm năng có quy mô lên tới 10.000 tỷ Đô la Mỹ trên phạm vi toàn thế giới vào năm 2028 và tạo thêm động lực mới cho phát triển kinh tế bền vững của nước ta, nhất là khi các thị trường truyền thống đang gặp không ít khó khăn do lạm phát, suy thoái kinh tế…

Trong bối cảnh đó, đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, khai mở các thị trường mới, còn nhiều dư địa được coi là chìa khóa vàng để đẩy mạnh xuất khẩu Việt Nam và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Thị trường Halal toàn cầu có tiềm năng rất lớn xét về quy mô và mức tăng dân số, mức chi tiêu và sự đa dạng về lĩnh vực cũng như triển vọng tăng trưởng ngày càng tăng của thị trường này trong tương lai.

Thứ ba, việc triển khai Đề án góp phần củng cố, làm sâu sắc hơn quan hệ của Việt Nam với các quốc gia tiêu dùng sản phẩm Halal quan trọng như Indonesia, Malaysia, Ả-rập Xê-út…, qua đó góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam trên bản đồ Halal toàn cầu.

- Nhiều nhận định cho rằng tiềm năng thị trường Halal toàn cầu còn rất lớn. Xin Thứ trưởng đánh giá về các cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia thị trường Halal toàn cầu thời gian tới?

- Cần khẳng định rằng đối với Việt Nam tiềm năng, cơ hội của thị trường Halal toàn cầu còn rất lớn, thể hiện ở các mặt sau:

Thứ nhất, thị trường Halal toàn cầu có quy mô rất lớn với khoảng 1,94 tỷ người vào năm 2022, chiếm gần 1/4 dân số thế giới và còn có xu hướng gia tăng.

Quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu đạt tới 7.000 tỷ USD năm 2022 và dự kiến tăng lên mức khoảng 10.000 tỷ USD trước năm 2028. Thị trường tiêu thụ sản phẩm Halal phân bổ rộng khắp trên thế giới, từ các nước Hồi giáo đến phi Hồi giáo. Mức chi tiêu và sử dụng các sản phẩm Halal có xu hướng ngày càng tăng, mở rộng sang cả thị trường phi Hồi giáo do sản phẩm Halal đáp ứng nhiều tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng và bảo vệ môi trường. Hơn nữa, các quốc gia sản xuất Halal lớn nhất trên thế giới phần lớn không phải là các quốc gia Hồi giáo.

Thứ hai, nhiều quốc gia là các thị trường tiêu dùng Hồi giáo hoặc xuất khẩu sản phẩm Halal lớn trên thế giới (như Hàn Quốc, Ả-rập Xê-út, Indonesia, Malaysia…) tỏ quan tâm, mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong đầu tư, phát triển ngành Halal tại Việt Nam để phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Thứ ba, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành Halal như vị trí địa lý thuận lợi, thế mạnh về nông nghiệp, thực phẩm, du lịch, dịch vụ; hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, toàn diện khi tham gia nhiều liên kết kinh tế hàng đầu khu vực, trong đó có các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Hơn nữa, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm tới việc khai mở và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu…

Có thể khẳng định cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào thị trường Halal toàn cầu là rất lớn, không chỉ đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, phát triển du lịch, mà còn mở ra việc xuất khẩu các sản phẩm Việt Nam có thế mạnh về dược phẩm, mỹ phẩm… và thu hút đầu tư vốn, tài chính của các tập đoàn quốc tế, khu vực vào Việt Nam, góp phần giúp doanh nghiệp, địa phương Việt Nam nâng cao năng lực, khả năng cạnh tranh, chất lượng nguồn nhân lực và thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nhất là công nghệ sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển… đạt tiêu chuẩn Halal.

- Xin Thứ trưởng cho biết Bộ Ngoại giao, với vai trò là cơ quan đầu mối trong triển khai Đề án, có kế hoạch triển khai Đề án như thế nào trong năm 2023 nhằm huy động các nguồn lực quốc tế để phát triển ngành Halal ở Việt Nam?

- Từ khi xây dựng đến khi được phê duyệt, Đề án đã được Chính phủ, các bộ, ban, ngành, địa phương và doanh nghiệp dành sự quan tâm và kỳ vọng cao. Theo Quyết định phê duyệt Đề án được Thủ tướng Chính phủ ban hành, Bộ Ngoại giao được giao là cơ quan đầu mối, chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong quá trình triển khai.

Nhận thức rõ Đề án bao trùm nhiều lĩnh vực về kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, du lịch, thông tin tuyên truyền… và để phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ cho phát triển, Đề án đã được Bộ Ngoại giao chủ động triển khai tích cực, đồng bộ ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Với phương châm triển khai từng bước vững chắc, tạo hiệu ứng lan tỏa lớn để giúp xây dựng, phát triển ngành Halal Việt Nam thích ứng, theo kịp xu thế phát triển của thị trường Halal toàn cầu, Bộ Ngoại giao đã và đang triển khai một số nhiệm vụ chính sau:

Một là, xây dựng Kế hoạch hành động triển khai Đề án trong năm 2023 trình Bộ trưởng Ngoại giao ban hành, trong đó tập trung thúc đẩy triển khai Đề án theo các nhóm giải pháp lớn như lồng ghép nội dung phát triển ngành Halal Việt Nam trong hợp tác song phương với các đối tác; thúc đẩy ký kết các thỏa thuận nhằm tạo khuôn khổ pháp lý để tăng cường hợp tác quốc tế về Halal; đẩy mạnh nghiên cứu, cung cấp thông tin liên quan tới Halal, nhất là về chính sách thương mại, văn hóa Hồi giáo, chứng nhận Halal…; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đầu tư về sản phẩm, dịch vụ Halal; hỗ trợ, kết nối các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam với các thị trường Halal toàn cầu...

Hai là, chủ động, tích cực đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp, địa phương về các thông tin cơ bản về Halal như khái niệm, tiêu chuẩn, chứng nhận, xu thế phát triển của thị trường Halal và văn hóa, kinh doanh với người Hồi giáo…

Bộ Ngoại giao đang tích cực phối hợp với các bộ, ban, ngành và tỉnh, thành liên quan thúc đẩy mạnh mẽ thông tin tuyên truyền hai chiều nhằm nâng cao nhận thức, hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, địa phương sản xuất sản phẩm, dịch vụ đạt tiêu chuẩn Halal, gắn với quy hoạch phát triển ngành, địa phương để tham gia sâu và hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu, đồng thời quảng bá hình ảnh, thương hiệu các sản phẩm, dịch vụ đạt tiêu chuẩn Halal của Việt Nam trên bản đồ Halal toàn cầu.

Ba là, Bộ Ngoại giao đồng hành, phối hợp, hướng dẫn các tỉnh, thành trong xây dựng Kế hoạch hành động, triển khai Đề án trong năm 2023, trước mắt tập trung công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ngành Halal, văn hóa Hồi giáo cho người dân, doanh nghiệp và địa phương; đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, thương hiệu của các sản phẩm, dịch vụ Halal Việt Nam với thị trường toàn cầu; xây dựng, hoàn thiện cơ chế quản lý phù hợp, hướng tới từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý trong chứng nhận, quản lý, phát triển tiêu chuẩn Halal...

Với tinh thần ngoại giao phục vụ kinh tế và phát triển, Bộ Ngoại giao với vai trò “mở đường, đồng hành” sẽ phối hợp với các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học Công nghệ, Công Thương, Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan sát cánh, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp trong tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển ngành Halal Việt Nam toàn diện, chuyên nghiệp, nhằm khai mở một thị trường lớn, tiềm năng và tạo thêm sinh lực mới cho sự phát triển kinh tế bền vững của đất nước.

Tôi tin tưởng rằng với đà hợp tác tốt đẹp hiện nay giữa Việt Nam với các nước, nhất là cộng đồng các nước Hồi giáo, ngành Halal sẽ trở thành lĩnh vực hợp tác quan trọng góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác thực chất, hiệu quả của Việt Nam và các đối tác, góp phần vào sự phát triển và thịnh vượng chung của Việt Nam và các nước.

- Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Việt Nam bày tỏ quan điểm về lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc
Nga đưa ra động thái “trả đũa” mới nhất với Đức
Liên hợp quốc đánh giá cao những cam kết, nỗ lực tích cực của Việt Nam với tiến trình UPR

Nhật Nam
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»
Ngày làm việc thứ nhất của Hội nghị Trung ương khóa XIII

Ngày làm việc thứ nhất của Hội nghị Trung ương khóa XIII

Trung ương thống nhất để đồng chí Trần Cẩm Tú tập trung thực hiện nhiệm vụ Thường trực Ban Bí thư; bầu đồng chí Nguyễn Duy Ngọc giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, bầu bổ sung vào Bộ Chính trị.
Phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị BCH Trung ương Đảng khóa XIII

Phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị BCH Trung ương Đảng khóa XIII

Tổng Bí Thư Tô Lâm đã phát biểu khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, tập trung thảo luận 5 nội dung quan trọng, bao gồm tổng kết Nghị quyết 18, đề án tăng trưởng GDP năm 2025 và giai đoạn 2026-2030, công tác cán bộ và các vấn đề khác
Lãnh đạo Thành phố Hà Nội tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các Anh hùng liệt sĩ dịp Tết Ất Tỵ 2025

Lãnh đạo Thành phố Hà Nội tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các Anh hùng liệt sĩ dịp Tết Ất Tỵ 2025

Sáng 23/1, nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Đoàn đại biểu Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và đặt vòng hoa tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ.
Trình Chính phủ dự thảo Nghị định về cơ cấu tổ chức các bộ trước ngày 5/2/2025

Trình Chính phủ dự thảo Nghị định về cơ cấu tổ chức các bộ trước ngày 5/2/2025

Theo thông tin từ Bộ Nội vụ, ngày 23/1, Ban chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Chính phủ (gọi tắt là Ban chỉ đạo) ban hành Công văn số 35/CV-BCĐTKNQ18 về việc hoàn thiện phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài trao Huy hiệu Đảng tại quận Ba Đình

Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài trao Huy hiệu Đảng tại quận Ba Đình

Sáng 22/1, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đã trao Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng tặng đồng chí Lương Tam Kỳ, đảng viên Đảng bộ phường Thành Công, quận Ba Đình.
Hà Nội tăng tốc, bứt phá, phấn đấu đưa Thủ đô vững bước trong kỷ nguyên vươn mình

Hà Nội tăng tốc, bứt phá, phấn đấu đưa Thủ đô vững bước trong kỷ nguyên vươn mình

Ngày 21/1, tại Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản đã trình bày Dự thảo lần 2 Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025-2030.
Bài cuối: Chống lãng phí nên trở thành văn hóa ứng xử của mỗi công dân trong thời đại mới

Bài cuối: Chống lãng phí nên trở thành văn hóa ứng xử của mỗi công dân trong thời đại mới

Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói “Chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Một trong những yêu cầu quan trọng để biến cơ hội đó thành hiện thực là phải kiên quyết và triệt để phòng chống lãng phí.
Bài 3: Chống lãng phí phải quyết liệt như chống tham nhũng

Bài 3: Chống lãng phí phải quyết liệt như chống tham nhũng

Bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư Tô Lâm đã truyền tải thông điệp rất rõ ràng về chống lãng phí, tạo bầu không khí để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tham gia vào mặt trận chống lãng phí thực sự có hiệu quả.
Bài 4: “Không gì là không giải quyết được khi chúng ta quyết tâm”

Bài 4: “Không gì là không giải quyết được khi chúng ta quyết tâm”

Đó là lời khẳng định của Tổng Bí thư Tô Lâm tại sự kiện gặp mặt các đại biểu văn nghệ sĩ nhân dịp cuối năm 2024 diễn ra ngày 30/12/2024.

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động