Việt Nam sẵn sàng cho ngành công nghiệp bán dẫn
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênViệt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Ảnh: N.K |
Ngành bán dẫn là hạt nhân của ngành công nghiệp điện tử
Tại hội nghị “Phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn”, được tổ chức vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, công nghiệp bán dẫn là hạt nhân của ngành công nghiệp điện tử. Đây là ngành công nghiệp lõi, quan trọng cho sự phát triển các ngành công nghiệp khác như: điện tử tiêu dùng, năng lượng tái tạo, thiết bị chiếu sáng, thiết bị y tế, quốc phòng, an ninh…
Trong 20 năm qua, ngành công nghiệp bán dẫn đã có sự tăng trưởng nhanh và tác động lớn ở nhiều quốc gia, nền kinh tế trên thế giới. Từ năm 2001 đến năm 2021, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đã tăng 14% mỗi năm. Ngành bán dẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt đến 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam có một số lợi thế chính để khẳng định mình đã sẵn sàng cho ngành công nghiệp bán dẫn, đó là quyết tâm chính trị cao từ trung ương đến địa phương; môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi thu hút được nhiều DN FDI lớn trong lĩnh vực điện tử; có lực lượng lao động có chất lượng, chi phí hợp lý đã và đang hoạt động trong ngành công nghiệp điện tử dễ dàng chuyển đổi sang...
Việt Nam đã nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với hầu hết các nước có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển. Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện nêu rõ 02 nội dung hợp tác đột phá là đổi mới sáng tạo và công nghệ cao trong đó có ngành công nghiệp bán dẫn.
Đặc biệt, Việt Nam là một trong số ít quốc gia mà Hoa Kỳ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác nhằm phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó nhấn mạnh đến việc hợp tác phát triển nguồn nhân lực cho ngành.Với bối cảnh và lợi thế trên, Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Nhân lực là lợi thế lớn nhất của Việt Nam
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, với nguồn cung lao động dồi dào và lực lượng lao động có chất lượng, có thể khẳng định nguồn nhân lực chính là lợi thế lớn nhất và nổi bật nhất của Việt Nam so với các quốc gia, nền kinh tế khác trên thế giới.
Vì vậy, việc tập trung đầu tư, đào tạo, đào tạo lại cho lực lượng lao động để trong thời gian sớm nhất có thể gia nhập vào thị trường lao động là một hướng đi chiến lược, là yếu tố quyết định để có thể tận dụng cơ hội hợp tác đầu tư, tiếp cận, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế nhanh và bền vững dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Do đó, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho rằng, càng sớm đưa đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” vào triển khai thì sẽ càng tăng cơ hội cho chúng ta phát huy được lợi thế nguồn nhân lực để phát triển. Để triển khai Đề án hiệu quả, cần có sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cơ quan Nhà nước, DN, trường đại học, viện nghiên cứu, hỗ trợ của quốc tế, các chuyên gia trong và ngoài nước.
Về mục tiêu, đề án xác định đến năm 2030, kỹ sư Việt Nam tham gia sâu vào quy trình thiết kế, công đoạn đóng gói và kiểm thử, làm chủ được một phần công nghệ đóng gói và kiểm thử; từng bước nắm bắt được công nghệ trong công đoạn sản xuất.
Về đào tạo, mục tiêu đề ra là đào tạo được 50.000 kỹ sư phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị. Trong đó có 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn và 35.000 kỹ sư trong lĩnh vực khác của ngành công nghiệp bán dẫn; tối thiểu 5.000 kỹ sư trong số đó có chuyên môn sâu về trí tuệ nhân tạo; đào tạo được khoảng 1.300 giảng viên có trình độ quốc tế.
“Căn cứ trên kết quả khảo sát năng lực đào tạo của các trường đại học lớn tham gia đào tạo các ngành gần, ngành phù hợp, ngành đúng để chuyển đổi sang ngành công nghiệp bán dẫn như Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học FPT…, mỗi trường đang có khoảng 3.000-6.000 sinh viên ngành phù hợp tốt nghiệp hằng năm, thì con số 50 nghìn kỹ sư đến năm 2030 hoàn toàn khả thi, thậm chí còn có thể đào tạo được nhiều hơn” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Trên cơ sở đó, Bộ KH&ĐTđề xuất một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Đề án, gồm đào tạo giảng viên, sinh viên hệ chính quy; đào tạo nhân lực trình độ sau đại học; đào tạo hệ ngắn hạn, chuyển tiếp; khuyến khích các tổ chức, DN tham gia đào tạo; đầu tư cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ phục vụ đào tạo; tạo đầu ra cho nguồn nhân lực, hỗ trợ phát triển DN; xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù cho đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn…
Hà Nội: Tạo điều kiện tối đa để ngành công nghiệp bán dẫn phát triển | |
Hà Nội ưu tiên phát triển, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp bán dẫn | |
Phát triển nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại