Thứ sáu 24/01/2025 10:25

Việt Nam tiếp nhận thêm gần 1,2 triệu liều vắc-xin AstraZeneca qua cơ chế COVAX

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Thông tin từ Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cho biết, ngày 2-8, thông qua UNICEF Việt Nam đã tiếp nhận thêm 1.188.000 liều vắc-xin Covid-19 từ Cơ chế COVAX, nâng tổng số vắc-xin Covid-19 mà COVAX hỗ trợ cho Việt Nam lên 8.681.300 liều.

Trong số 8.681.300 liều vắc-xin do Cơ chế COVAX hỗ trợ Việt Nam, có 5.000.100 liều vắc-xin Moderna do Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ và 3.681.200 liều AstraZeneca. Cơ chế COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên minh Đổi mới Sáng tạo Sẵn sàng cho Dịch bệnh (CEPI) và Liên minh Vắc-xin và Gavi đồng khởi xướng, UNICEF là đối tác thực hiện chính.

Lô vắc-xin Vaxzevria® lần này (trước đây được gọi là Vắc-xin Covid-19 AstraZeneca) do AstraZeneca và Đại học Oxford phát triển. Lô hàng này được vận chuyển từ cơ sở sản xuất của Laboratorio Univesal Farma, Tây Ban Nha. Vắc-xin Vaxzevria Covid-19 đã được WHO cấp phép sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp và đã được tiến hành tiêm thành công tại Việt Nam kể từ tháng 3-2021 dưới tên cũ.

Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, vắc-xin Covid-19 là công cụ cứu sống con người nhưng với nguồn cung hạn chế, biện pháp tốt nhất là ưu tiên những người dễ bị tổn thương nhất. Khi số lượng các ca nhiễm tăng cao, chúng ta cần đẩy nhanh tiến độ và tăng cường nỗ lực tiêm vắc-xin cho nhân viên y tế, người già và những người có bệnh nền để bảo vệ họ khỏi bị bệnh nặng và tử vong.

Bà Lesley Miller, Phó Đại diện UNICEF cho rằng, điều quan trọng là các nhóm ưu tiên, bao gồm nhân viên y tế, nhân viên công tác xã hội và giáo viên được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 để đảm bảo rằng trẻ em có thể trở lại trường học an toàn và được sử dụng các dịch vụ y tế dự phòng cần thiết.

Trong nhiều tháng qua, các đối tác COVAX bao gồm CEPI, GAVI, WHO và đối tác cung ứng UNICEF, đã và đang hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực sẵn sàng và triển khai vắc-xin Covid-19 trên toàn quốc. Các đối tác đã hỗ trợ tích cực Việt Nam xây dựng Kế hoạch Tiêm chủng Quốc gia, vì Việt Nam tham gia Cam kết Thị trường Trước (AMC). AMC là một cơ chế tài chính sáng tạo để giúp đảm bảo tiếp cận toàn cầu và công bằng với vắc-xin Covid-19.

Việt Nam tiếp nhận thêm gần 1,2 triệu liều vắc-xin AstraZeneca qua cơ chế COVAX
Việt Nam đã tiếp nhận tổng số 8.681.300 liều vắc-xin Covid-19 từ Cơ chế COVAX (ảnh UNICEF)

Các địa phương phải tăng tốc tiêm vắc-xin phòng Covid-19

Tại Hội nghị trực tuyến và tập huấn về tăng cường công tác điều trị, hồi sức tích cực trong phòng chống Covid-19 ngày 2-8, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long tiếp tục nhắc các địa phương phải tăng tốc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 bởi hiện tốc độ tiêm còn rất chậm. Có địa phương vắc-xin vẫn để tại kho trung ương mà không lấy, không tiêm. Có địa phương lại triển khai rất chậm, quá thận trọng. Bộ Y tế đã tổ chức tập huấn nhiều lần tiêm chủng nhưng các địa phương vẫn quá dè dặt. Bộ Y tế đã yêu cầu triển khai tất cả các điểm tiêm, nhưng nhiều người đi tiêm ở bệnh viện. Điều này không thể đảm bảo tiêm được số lượng lớn.

Bộ trưởng cho biết đã ký văn bản đề nghị các địa phương tăng tốc độ tiêm chủng, không giới hạn điểm tiêm, không giới hạn số lượng tiêm. Thời gian theo dõi sau tiêm bao lâu là tùy địa phương quyết định, không phải cứng nhắc. Các địa phương phải lập kế hoạch tiêm nhanh nhất có thể-Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu.

Theo Bộ trưởng, trong các tháng 7-9, số lượng vắc-xin về ít song đến tháng 10-12, riêng Pfizer đã có 47-50 triệu liều về còn nhiều vắc-xin khác nữa. Vì thế, vấn đề đặt ra là làm sao để triển khai tiêm nhanh khi số lượng vắc-xin về vào cuối năm rất nhiều.

“Các địa phương phải huy động tổng lực, có vắc-xin gì thì tiêm vắc-xin đó để có kinh nghiệm, tiêm ngay trong vùng phong tỏa, càng vùng phong tỏa thì càng phải tiêm nhanh. Chúng tôi đã yêu cầu các địa phương phải sàng lọc sớm, sàng lọc trước để đẩy nhanh tốc độ. Tất cả người trên 18 tuổi đều được tiêm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, mọi người không phải lựa chọn vắc-xin, có vắc-xin nào thì tiêm vắc-xin đó. Tất cả vắc-xin Bộ Y tế cấp phép sử dụng đều đã được WHO cấp phép và các nước đã sử dụng. Các địa phương thực hiện tiêm chủng theo đúng hướng dẫn.

Về vấn đề trộn vắc-xin, Bộ Y tế đã hướng dẫn mũi một tiêm AstraZeneca, mũi 2 có thể tiêm Pfizer, các vắc-xin khác như Moderna, Sinopharm, Sputnik cũng không được tiêm trộn. Các địa phương cũng cần rà lại hệ thống kho lạnh vì chỉ bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C xem quản lý được bao nhiêu, có cần nâng cấp hay không... Bộ Y tế vừa có công văn khẩn về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Cụ thể, theo báo cáo của Tiểu ban tiêm chủng, đến ngày 31-7, cả nước đã triển khai tiêm chủng được hơn 6,2/10,7 triệu liều vắc-xin phân bổ từ đợt 1-13, chiếm tỷ lệ 58%. Tuy nhiên vẫn còn một số địa phương, đơn vị chậm trễ trong việc tổ chức tiếp nhận, phân bổ và triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19.

Để đạt được mục tiêu tiêm chủng vắc xin cho người dân với tỷ lệ bao phủ cao trong năm 2021, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố, dự kiến số lượng vắc-xin được cung ứng có thể tăng nhiều trong thời gian tới, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị đẩy nhanh và tăng tốc độ tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 đã được phân bổ.

Vân Hà
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động