Thứ năm 23/01/2025 13:48

Vĩnh Phúc: “Siết chặt” biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Người đứng đầu sẽ phải chịu trách nhiệm toàn diện, tuyệt đối về công tác phòng chống dịch thuộc lĩnh vực, địa phương quản lý. Đó là quan điểm thể hiện trong công văn hỏa tốc của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về phòng chống dịch bệnh Covid-19 trước diễn biến mới.

“Siết chặt” quy định phòng chống Covid-19

Chiều 18-7, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Quyết định số 1948/QĐ-UBND về việc thực hiện một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh trong tình hình dịch bệnh đang có những diễn biến khó lường.

Theo đó, kể từ 00g 00 ngày 19-7, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc người dân không được tập trung quá 10 người tại khu vực công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi tiếp xúc. Bắt buộc thực hiện nghiêm theo quy định “Ý thức + 5K”.

Các cơ sở kinh doanh, dịch vụ được phép hoạt động nhưng phải thực hiện nghiêm công tác phòng, chống Covid 19 theo quy định, và phải thực hiện một số điều kiện, trong đó:

Yêu cầu, tất cả các Trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, cơ sở kinh doanh phải kiểm soát, đo thân nhiệt 100% lượng khách vào; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, kiểm soát người ra vào và thực hiện sử dụng các ứng dụng khai báo y tế, phát hiện tiếp xúc gần theo hướng dẫn tại Văn bản số 4429/UBND VX3 ngày 08-6-2021 của UBND tỉnh.

Vĩnh Phúc: “Siết chặt” biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới
UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các cơ quan chức năng, các đơn vị, địa phương tăng cường kiểm soát người ra vào và thực hiện sử dụng các ứng dụng khai báo y tế nhằm ngăn ngừa lây lan dịch bệnh Covid-19. Ảnh minh họa.

Xe buýt, Taxi hoạt động trong nội tỉnh chỉ được phép sử dụng 50% số ghế ngồi và phải có số ghi chép lịch trình của hành khách. Các phương tiện đưa, đón người lao động từ các tỉnh, thành phố không có dịch phải đảm bảo các điều kiện về phòng, chống dịch theo quy định.

Các Trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, cơ sở kinh doanh phải xây dựng phương án phòng, chống dịch Covid 19 chi tiết, hiệu quả; phải ký cam kết với chính quyền về việc đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19; thực hiện việc đánh giá nguy cơ lây nhiêm Covid-19 theo đúng quy định.

Các khu, điểm du lịch, di tích, danh thắng không đón, không phục vụ khách ngoại tỉnh. Đối với các sân golf, sân tập golf chỉ được phép phục vụ không quá 1⁄2 công suất, không cung cấp dịch vụ ăn uống tập trung, xông hơi, massage, tắm công cộng.

Phải tổ chức xét nghiệm sàng lọc đối với cán bộ, nhân viên (tối thiểu 20% cán bộ, nhân viên của đơn vị) hàng tuần theo quy định. Đối với khách chơi golf đến từ ngoài địa bàn tỉnh phải có Giấy chứng nhận đã tiêm vắc xin hoặc xác nhận âm tính SARS-COV-2 trong thời hạn 03 ngày gần nhất. Khách đến chơi golf phải được lập danh sách, khai báo y tế hàng ngày.

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú được đón khách và tổ chức các dịch vụ kèm theo phục vụ khách lưu trú (trừ hoạt động bể bơi, dịch vụ xông hơi, massage, karaoke), nhưng phải đảm bảo đầy đủ các quy định về phòng chống dịch.

UBND tỉnh yêu cầu các hoạt động, cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như Karraoke, massage, quán Internet, trò chơi điện tử; các vũ trường; bể bơi; quán bar; dịch vụ spa chăm sóc sắc đẹp, gội đầu, chăm sóc sức khỏe; hoạt động biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim, giải đấu thể thao; các hoạt động sự kiện tập trung đông người… tạm dừng hoạt động cho đến khi có thông báo mới.

Đối với hoạt động vận tải hành khách công cộng liên tỉnh không đón trả khách khi đi qua địa bàn tỉnh, trừ trường hợp khách là người Vĩnh Phúc từ địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ, đã đăng ký trước với chính quyền địa phương nơi trở về.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu dừng triệt để các hoạt động lễ hội, nghi lễ, sinh hoạt tôn giáo tại tất cả các cơ sở thờ tự, tín ngưỡng, điểm đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung và treo biển cảnh báo tại các cơ sở, điểm nhóm nhằm thực hiện công tác phòng chồng dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Truy trách nhiệm toàn diện người đứng đầu…

Việc tổ chức thực hiện, Quyết định cũng yêu cầu các sở, ban, ngành (bao gồm cả Công an, Quân sự), Đoàn thể tỉnh: theo chức năng nhiệm vụ và địa bàn phụ trách, căn cứ theo các quy định điều chỉnh danh mục các cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ tạm dừng hoạt động trên địa bàn tỉnh để tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định. Trường hợp tổ chức, cá nhân không thực hiện theo đúng quy định thì tạm dừng hoạt động và xử phạt theo đúng quy định.

UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm, tổ chức đánh giá và dự báo nguy cơ theo 4 mức “Nguy cơ rất cao”, “Nguy cơ cao”, “Nguy cơ”, “Bình thường mới” cho từng địa bàn, từ cấp xã đến cấp huyện, có tính tới các yếu tố khu vực liên xã, liên huyện, liên tỉnh theo hướng dẫn tại Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 về Quy định đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng, chống dịch Covid-19. Chịu trách nhiệm toàn diện việc kiểm tra, giám sát thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn quản lý. Dừng ngay hoạt động của các tổ chức, cá nhân nếu không tuân thủ các yêu cầu, quy định về phòng chống dịch bệnh.

Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Đoàn thể tỉnh; UBND cấp huyện thực hiện nghiêm các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch ở cơ quan, địa phương, đơn vị mình phụ trách; Bất kỳ sự lơ là nào cũng phải trả giá rất đắt về sự bùng nổ của dịch, sự an toàn của nhân dân. Người đứng đầu chịu trách nhiệm toàn diện, tuyệt đối về công tác phòng chống dịch thuộc lĩnh vực, địa phương quản lý.

Sỹ Hào
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động