Vĩnh Phúc: Thành quả bước đầu trong cuộc chiến đẩy lùi Covid-19
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênKhoanh vùng và đánh chặn…
Chiều 9-5, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn, giải đáp nhiều câu hỏi của báo chí về kế hoạch chiến lược đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 mà Vĩnh Phúc đang tiến hành.
Ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Vĩnh Phúc chủ trì buổi họp báo cho biết: Tính đến thời điểm 15g ngày 9-5 số người nhiễm Covid-19 được xác định trên địa bàn tỉnh là 33 trường hợp (bao gồm, Bình Xuyên 4; Lập Thạch 4; Phúc Yên 13; Yên Lạc 2; Vĩnh Tường 1; Vĩnh Yên 9), và 38 trường hợp nghi nhiễm. Tổng số mẫu xét nghiệm trên địa bàn tỉnh là 20.745 mẫu (33 mẫu dương tính; 38 mẫu nghi ngờ; 20482 mẫu âm tính; 192 mẫu chờ kết quả).
Ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đến thời điểm hiện tại các ca bệnh được phát hiện ở Vĩnh Phúc, đều xác định được nguồn gốc - đây là thành quả bước đầu có ý nghĩa to lớn để người dân Vĩnh Phúc thêm tin tưởng đồng lòng quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh. |
Theo đánh giá của cơ quan chức năng phòng chống dịch tỉnh Vĩnh Phúc, đợt dịch Covid-19 lần này có tốc độ lây lan hơn năm trước, có thể nói nhanh và khủng khiếp hơn nhiều, do ngay từ những ngày đầu bùng phát, chủng Vi rút Ấn Độ cũng xuất hiện trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên nhận định tình hình sẽ rất phức tạp, nên ngay từ đầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cùng các cơ quan chức năng làm nhiệm vụ đã vào cuộc với tinh thần quyết liệt, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân.
“Vĩnh Phúc đã tận dụng bài học từ những đợt chống dịch năm 2020 – đặc biệt là triển khai phương án thần tốc truy vết. Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, khác với năm trước, đợt này không chỉ các cơ quan chuyên môn, mà tất cả các cơ quan ban ngành đều phải có trách nhiệm, lãnh đạo phải trực tiếp xuống địa phương, cùng nhau chống dịch, và chịu trách nhiệm nếu lơ là, tắc trách.” – ông Lê Duy Thành cho biết.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy, kịp thời ra những văn bản chỉ đạo, nâng cao trách nhiệm địa phương – đây cũng là điểm mới so với năm 2020, cụ thể việc triển khai chống dịch quán triệt thực hiện theo nguyên tắc 4 tại chỗ - lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ. Người đứng đầu địa phương, đứng đầu cơ quan phải chịu trách nhiệm cao nhất.
Nếu như năm 2020 chiến lược phòng chống dịch Covid-19 triển khai trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tập trung vào hướng điều tra truy vết – có phần bị động, thì lần này Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã họp bàn quyết định chuyển hướng chiến lược, sang chủ động bao vây khoanh vùng, đón đầu đánh chặn dịch bệnh – thể hiện qua việc thần tốc truy vết, đặc biệt là xét nghiệm toàn bộ các trường hợp nghi ngờ (chứ không chỉ F1, F2), thậm chí triển khai xét nghiệm toàn bộ khu dân cư nơi có F0, thuộc diện nghi ngờ.
“Lần này biến chủng vi rút mới của Ấn Độ xuất hiện, nên phương án xử lý cũng rất thần tốc. Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu, 2 giờ sau khi phát hiện F0 thì phải khoanh vùng được địa bàn, để truy vết. Không chậm trễ cung cấp thông tin cho báo chí. Cách ứng phó cũng phải “đón đầu đánh chặn” ví dụ, đến thời điểm này, có 33 ca dương tính đã được xác định, và 38 ca nghi ngờ, thì Vĩnh Phúc đã áp dụng các biện pháp xử lý coi như 71 trường hợp (cộng cả số đã xác định và số nghi ngờ), chứ không chờ đợi công bố xác định mới đưa ra cách ứng phó. Khi các trường hợp 38 nghi ngờ được công bố xác nhận, thì Vĩnh Phúc đã triển khai sang các bước ứng phó tiếp theo rồi. – Ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Vĩnh Phúc lý giải.
Tín hiệu chiến thắng dịch bệnh
Kỷ luật phòng dịch được siết chặt, “chống dịch như chống giặc” đối với các trường hợp lừng khừng lơ là trách nhiệm, Vĩnh Phúc sẽ kiên quyết xử lý. Mặc dù việc xử lý kỷ luật với các cán bộ là không mong muốn, và cũng không phải là mục tiêu hướng đến trong cuộc chiến đấu với dịch bệnh lần này. Nhưng, trước tình thế dịch bệnh rất nguy hiểm, đòi hỏi sự quyết liệt, khẩn trương để chiến thắng, tỉnh Vĩnh Phúc đã phải xử lý kỷ luật với nhiều trường hợp lơ là, chậm trễ trong ứng phó với dịch bệnh, thậm chí cả Phó Giám đốc Sở Y tế (phụ trách Sở) cũng phải chịu kỷ luật do lơ là chậm trễ.
Về cơ sở vật chất, phương tiện phòng chống dịch bệnh, Vĩnh Phúc cũng tăng cường hơn để sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu. Ngay từ 5-5, cơ quan Y tế tỉnh Vĩnh Phúc đã được yêu cầu phải tăng công suất xét nghiệm lên gấp 5 lần, bảo đảm xét nghiệm xong 100% trường hợp F1 trong ngày 5-5. Nâng quy mô giường tại các khu cách ly tập trung cấp huyện lên gấp 3 lần; chuẩn bị cơ sở vật chất của bệnh viện dã chiến để sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.
Đến thời điểm chiều 9-5, số lượng giường bệnh ở 23 cơ sở cách ly đạt quy mô khoảng 6.000 giường, đồng thời dự phòng số lượng tương tự để khả năng xấu xảy ra có thể chủ động đối phó. Sau thời gian chuẩn bị, đến ngày 8-5, bệnh viện dã chiến cũng đã kích hoạt, đến chiều 9-5 chỉ sau một ngày đưa vào hoạt động, đã đón 50 bệnh nhân dương tính về điều trị. UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng quyết định mua thêm 7 xe cứu thương, nâng cao hiệu quả phục vụ đưa đón bệnh nhân.
Vĩnh Phúc cũng đón nhận sự hỗ trợ từ Trung ương rất kịp thời, nhiều đoàn chuyên gia đã có mặt tại Vĩnh Phúc ngay từ những ngày đầu, hỗ trợ khám chữa bệnh; hướng dẫn phân loại cách ly; hướng dẫn điều trị bệnh nhân... Các đơn vị quốc phòng trên địa bàn cũng chuẩn bị sẵn sàng phương án hỗ trợ Vĩnh Phúc khi cần.
Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tỉnh Vĩnh Phúc cũng thông báo một tín hiệu lạc quan, đến thời điểm hiện tại các ca bệnh được phát hiện ở Vĩnh Phúc, đều xác định được nguồn gốc. Sau bao nỗ lực cố gắng không mệt mỏi, thì đây chính là thành quả bước đầu rất ý nghĩa để tin tưởng rằng nhân dân Vĩnh Phúc sẽ một lần nữa chiến thắng trên tuyến đầu chống dịch bệnh.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại