Thứ hai 27/01/2025 11:28

Vụ án tiến sĩ dạy làm giàu Phạm Thanh Hải: Khi bị hại kêu oan cho bị cáo

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tại phiên tòa xét xử vụ án tiến sĩ dạy làm giàu Phạm Thanh Hải cuối tháng 4 vừa qua, bị cáo này đã bị HĐXX tuyên án chung thân. Tuy nhiên trong số những người được xác định là bị hại, có tới 31 người kêu oan cho Phạm Thanh Hải.
Vụ án tiến sĩ dạy làm giàu Phạm Thanh Hải: Khi bị hại kêu oan cho bị cáo
Tiến sĩ dạy làm giàu Phạm Thanh Hải tại tòa. Ảnh: H.V.

Tiến sĩ dạy làm giàu Phạm Thanh Hải bị tuyên án chung thân

Ngày 25/4, TAND TP Hà Nội tiến hành tuyên án bị cáo Phạm Thanh Hải (SN 1966, cựu Chủ tịch công ty IDT) với tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị cáo Hải được nhiều người biết đến trên mạng internet là "Tiến sĩ dạy làm giàu". Tổng số bị hại được xác định trong vụ án là 574 người, với số tiền chiếm đoạt 572 tỷ đồng.

Theo HĐXX, có đủ cơ sở để xác định cáo trạng có căn cứ, đúng pháp luật, không oan. Đại diện VKSND TP Hà Nội đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo Phạm Thanh Hải mức án tù chung thân.

Quá trình xét xử, bị cáo Hải cho rằng cáo trạng không chứng minh được ý thức gian dối của bị cáo. Các thông tin mà bị cáo phát ngôn đều đúng sự thật. Bị cáo không nêu lãi suất cao mà chỉ nêu các dự án "có tiềm năng phát triển". Các dự án này đều có thật và có tiềm năng phát triển.

Theo lời khai của bị cáo Hải, tiền huy động được không sử dụng cho cá nhân mà sử dụng để đầu tư. Đến thời điểm bị bắt, các hợp đồng vẫn chưa đến hạn thanh toán.

HĐXX nhận định hành vi của bị cáo Hải đã đẩy nhiều người vào hoàn cảnh khó khăn, kiệt quệ về kinh tế, gây bất bình dư luận. Vì tin tưởng thông tin Hải đưa ra, các bị hại đã đưa cho bị cáo tổng cộng hơn 2.700 tỷ đồng. Trong số đó, Hải chỉ dùng một phần nhỏ để đầu tư và đến nay phần đầu tư này vẫn chưa sinh lời.

HĐXX TAND TP Hà Nội quyết định tuyên phạt bị cáo Phạm Thanh Hải mức án tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, bị cáo Hải còn có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại cho các bị hại với tổng số tiền 572 tỷ đồng.

Hy hữu chuyện bị hại kêu oan cho bị cáo

Đây là vụ án kéo dài nhiều năm, nhiều lần bị trả hồ sơ và đặc biệt có người bị xác định là bị hại, nhưng không thừa nhận chuyện mình bị lừa.

Thời điểm tháng 5/2018, với cáo buộc lừa 508 bị hại số tiền hơn 400 tỷ đồng, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Phạm Thanh Hải án tù chung thân.

Tại phiên tòa đó, nhiều người được triệu tập đến tòa với tư cách người bị hại đã không nhận họ là bị hại và cho rằng bị cáo Hải không lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Và trong suốt những ngày diễn ra phiên tòa, nhiều người ngồi ở ngoài cổng tòa, ôm những tấm biển ghi dòng chữ: "Doanh nhân Phạm Thanh Hải không lừa đảo, chiếm đoạt tiền của chúng tôi"; "Không hình sự hóa quan hệ kinh tế dân sự"; "Chúng tôi yêu cầu trả tự do cho doanh nhân Phạm Thanh Hải"...

Tháng 4/2023 tại phiên xét xử tiến sĩ này, những hình ảnh trên tiếp tục được lặp lại.

Tại phiên toà, một số người bị hại trình bày tiền góp vốn vào IDT chứ không phải cá nhân bị cáo, nên đề nghị được trả lại tiền. Một số khác thì cho rằng, góp vốn dưới tư cách cá nhân với cá nhân nên muốn được đưa ra khỏi danh sách bị hại, trả tự do cho bị cáo.

Có 31 người không yêu cầu bồi thường nên toà không buộc bị cáo phải bồi thường cho họ. 3 lý lẽ mà những bị hại đưa ra để kêu oan thay là: "Dự án chắc chắn có lãi", "Tiền của tôi, đầu tư vào đâu là quyền tôi", "Tiến sĩ Hải là nhân tài".

Lý giải nguyên nhân

Lý giải vấn đề này, anh T.H (Hà Nội) cho rằng, sở dĩ có chuyện oái oăm như vậy bởi có những người sau khi phạm sai lầm lại ngoan cố không chịu thừa nhận bản thân phạm sai lầm mà thường tìm mọi cách đổ vấy cho người khác với những lời bao biện mà ngay cả bản thân họ cũng không thể tin nổi.

Còn theo anh V.Q, anh cho rằng những người tham gia các lớp học đó đa phần là chưa bao giờ kinh doanh bất kỳ một sản phẩm nào. Họ là những công chức, giáo viên đã nghỉ hưu, vì vậy họ nghĩ, muốn giàu có cần phải đi học làm giàu.

Và khi đã lộ ra chuyện tất cả chỉ là chiêu trò “bán vịt trời” thì họ lại bị chi phối bởi tâm lý phóng lao phải theo lao. Nếu như công nhận ông Hải sai, có nghĩa là họ cũng đã sai. Họ muốn níu giữ lại cái tôi của mình, và có lẽ cũng hy vọng ông Hải được tha bổng để tiếp tục “làm giàu” để trả lại số tiền họ đã đầu tư cho ông Hải.

Còn theo các chuyên gia tội phạm học, một nguyên nhân khá “đặc biệt” khiến nạn nhân bao che cho người phạm tội trong trường hợp này là vì nhiều người nhận thức rằng, nếu để chủ doanh nghiệp bị “đi tù”, đồng nghĩa với việc khoản tiền đã đóng vào công ty của họ sẽ mất trắng. Chi bằng, để “ông chủ” bên ngoài xã hội thì còn có cơ hội đòi lại số tiền đã đầu tư…

Vụ Vụ "tiến sĩ dạy làm giàu" lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Viện kiểm sát đề nghị án chung thân
"Tiến sĩ dạy làm giàu" lĩnh mức án chung thân, phải bồi thường 572 tỷ
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động