Thứ sáu 24/01/2025 07:49

Vụ “siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành: Cán bộ ngân hàng giúp Thành do chỉ đạo của cấp trên

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Với sự giúp đỡ của các nhân viên ngân hàng, Nguyễn Thị Hà Thành đã lừa đảo, chiếm đoạt của Ngân hàng TMCP Việt Á (VAB) hơn 273 tỷ đồng. Tuy nhiên trước cáo buộc của nhà chức trách, bị cáo là nhân viên của VAB cho rằng, mình chỉ làm theo chỉ đạo của cấp trên.
Vụ “siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành: Cán bộ ngân hàng giúp Thành do chỉ đạo của cấp trên
Phiên tòa xét xử sơ thẩm "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành

Tiếp tục phiên xét xử vụ án Nguyễn Thị Hà Thành cấu kết cùng các nhân viên ngân hàng lừa đảo, chiếm đoạt 433 tỷ, bắt đầu từ chiều 11/3, phiên tòa đã bước sang phần thẩm vấn.

Theo cáo buộc của VKSND Hà Nội, khoảng năm 2016, bị cáo Hà Thành làm ăn thua lỗ, nợ 80 tỷ đồng. Thành vay tiền với lãi suất cao, lấy của người sau trả cho người trước, trả nợ đúng hạn, tạo lòng tin với người cho vay và trở thành khách VIP của nhiều ngân hàng.

Thành sau đó lấy tư cách cá nhân hoặc nhờ người khác đứng tên trên hợp đồng tín dụng để vay các ngân hàng với số tiền lớn. Mất khả năng thanh toán nợ, Thành bắt đầu dàn dựng 26 vụ lừa đảo.

Tại VAB, Thành bị cáo buộc móc nối với bị cáo Nguyễn Thị Thu Hương (Trưởng bộ phận quan hệ khách hàng doanh nghiệp, Phòng giao dịch Đông Đô) và Quản Trọng Đức (Trưởng phòng giao dịch Đông Đô). Thành thống nhất với Hương và Đức sẽ cùng người đồng sở hữu gửi tiết kiệm số lượng tiền lớn vào VAB. Nhưng ngay sau khi gửi tiền, Thành sẽ cầm cố chính sổ tiết kiệm này để vay lại tiền của ngân hàng.

Khi Thành đề nghị gửi tiền, Thu Hương chỉ đạo giao dịch viên in, ký trước các hồ sơ để thủ tục được nhanh gọn hoặc ký khống chứng từ nộp tiền khi mà Thành còn chưa nộp tiền. Cùng với đó, Đức và Thu Hương soạn thảo 2 văn bản Hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn và Giấy đề nghị phong tỏa để đưa cho người đồng sở hữu. Đây là 2 văn bản phát hành trái với quy định của VAB. Đồng thời, Đức phổ biến với các nhân viên VAB rằng Thành "là khách hàng VIP" nên phải hỗ trợ tối đa.

Đối với người đồng sở hữu, Thu Hương và Đức sẽ trấn an người đồng sở hữu sổ tiết kiệm rằng "tiền gửi đã được phong toả, không có mặt cả hai người đồng sở hữu sẽ không thể rút". Thu Hương và Thành cũng giấu khách hàng về việc phát hành sổ tiết kiệm cho khoản tiền gửi này.

Tại tòa, Thu Hương thừa nhận thủ đoạn trên được mình thực hiện nhiều lần. Song giống như tất cả nhân viên VAB hầu tòa, Hương cho rằng mục tiêu duy nhất của họ là làm khách hàng hài lòng, chăm sóc khách hàng hết mức có thể, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu cho chi nhánh.

"Hà Thành là khách VIP do bị cáo chăm sóc, bị cáo có nhiệm vụ trợ giúp. Bản chất việc Thành vay tiền khách hàng khác chỉ diễn ra trong ngày, thậm chí vài giờ", Hương cho hay.

Song theo cáo buộc, các số tiết kiệm của khách sau đó đều bị Hà Thành giả chữ ký để vay tiền VAB. Hương và đồng phạm tại VAB đều biết điều này song vẫn giúp sức.

Tại tòa, Hương nhận thức các hành vi này đều sai, song bị cáo này cho rằng, mình chỉ làm theo sự chỉ đạo của cấp trên, bị cáo Đặng Thị Quỳnh Hương (Trưởng phòng khách hàng cá nhân Phòng giao dịch Đông Đô – VAB).

"Nếu chị Quỳnh Hương không đưa ra yêu cầu, thì bị cáo và các nhân viên khác cũng không làm". – bị cáo Thu Hương nói.

Vụ “siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành: Cán bộ ngân hàng giúp Thành do chỉ đạo của cấp trên
Nhóm bị cáo tại phiên tòa

Tuy nhiên, bị cáo Quỳnh Hương đã phản đối lại lời khai này. Quỳnh Hương khai không biết việc Hà Thành và Thu Hương bàn bạc, lập kế hoạch. Hơn nữa, chính bà cũng tự bỏ tiền vào sổ tiết kiệm, góp với khách để cho Thành vay. "Tôi không dại gì đi lừa đảo tiền của chính mình", bà hai lần khẳng định.

Quỳnh Hương khẳng định, với chức danh trưởng phòng khách hành cá nhân, bà không làm nghiệp vụ, thực hiện bất cứ giao dịch gì với khách, mà chỉ huy động, tìm khách hàng, không biết khách nào có bao nhiêu tiền. thông tin này do Thu Hương nắm. Với cáo buộc ký các tờ trình duỵệt vay tiền cho "siêu lừa", Quỳnh Hương nói đó chỉ là bước thủ tục mang tính chủ trương, việc VietABank giải ngân cho siêu lừa hay không, không phụ thuộc vào mình. Tại tòa, bị cáo Quỳnh Hương tiếp tục kêu oan cả hai tội danh.

Đối chất tại tòa, bị cáo Hà Thành cũng cho hay toàn bộ giao dịch đều thực hiện với Thu Hương. "Sau đó các chị ấy làm việc với nhau thế nào tại ngân hàng, bị cáo không biết. Bị cáo chỉ quan tâm có vay được tiền hay không, không quan tâm các chị ấy làm thế nào" – Thành nói.

Theo cáo buộc, Thu Hương chỉ đạo các giao dịch viên, thủ quỹ lập các chứng từ của bộ hồ sơ vay đưa cho Hương để chuyển lại cho Thành và người đồng sở hữu ký. Trên thực tế, Thành không cho người đồng sở hữu biết việc thế chấp sổ tiết kiệm để vay tiền ngân hàng. Thành và Tùng tự giả chữ ký của người đồng sở hữu sau đó đưa lại bộ hồ sơ có chữ ký giả này cho Hương để hoàn tất thủ tục giải ngân.

Các cán bộ ngân hàng khác bị cáo buộc có hành vi duyệt cấp tín dụng, giải ngân cho các khoản vay của Thành mà bỏ qua nhiều khâu kiểm soát; không gặp gỡ khách hàng, chủ sở hữu tài sản đảm bảo để kiểm tra tính xác thực dẫn đến việc bị giả mạo chữ ký. Bằng những thủ trên, từ tháng 6 đến tháng 10/2018, Thành đã chiếm đoạt của VAB hơn 273 tỷ đồng, chiếm đoạt của bốn cá nhân 63 tỷ đồng.

Vụ “siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành: Vai trò của ông Đặng Nghĩa Toàn trong vụ án Vụ “siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành: Vai trò của ông Đặng Nghĩa Toàn trong vụ án
Vụ “siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành: Khi “tín dụng đen” cũng bị rơi vào tròng lừa đảo Vụ “siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành: Khi “tín dụng đen” cũng bị rơi vào tròng lừa đảo
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động