Vụ thẩm mỹ viện Cát Tường: Nếu đổi tội danh, sẽ có thêm bị cáo hầu tòa?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
“Việc CQĐT khởi tố bác sĩ Tường tội danh Vi phạm các quy định về khám chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác và tội danh Xâm phạm thi thể, mồ mả là không chính xác” là nội dung của bản kiến nghị gửi CQĐT, Viện KSND, TAND TP Hà Nội của hai LS Vũ Gia Trưởng và Phạm Hương Giang, bảo vệ quyền và lợi ích cho gia đình nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền trong vụ án xảy ra tại thẩm mỹ viện (TMV) Cát Tường.
Chưa có chứng chỉ hành nghề thì có thể là chủ thể của tội 242 BLHS?
Bản kiến nghị cho biết, CQĐT đã ra Kết luận điều tra bổ sung vụ án sau khi HĐXX trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, nhưng các vấn đề liên quan đến hành vi phạm tội và tội danh của các bị cáo tại Kết luận điều tra bổ sung này không có gì khác so với nội dung tại Kết luận điều tra cũ. Do đó, hai LS đã làm bản kiến nghị dài 30 trang, với những lập luận cụ thể về việc định tội danh với bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường.
Theo kiến nghị của hai LS, việc xác định Nguyễn Mạnh Tường là chủ thể của tội Vi phạm qui định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác là chưa xác định đúng mối quan hệ giữa bác sĩ này và nạn nhân khi xảy ra hành vi phạm tội. Theo Điều 242 BLHS thì chủ thể của tội phạm này phải là những chủ thể đặc biệt, đó là những người hành nghề khám chữa bệnh, nhưng quan hệ giữa bác sĩ Tường và chị Huyền khi thực hiện dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) không phải là quan hệ giữa người khám chữa bệnh và bệnh nhân, vì khi đó Tường chưa được cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh về chuyên khoa PTTM. Đồng thời, TMV Cát Tường cũng không được cấp phép hoạt động và cung cấp dịch vụ về PTTM.
Bản kiến nghị cũng nêu, hành vi của Tường là hành vi được thực hiện do lỗi cố ý, vì Tường biết mình không có chuyên môn về PTTM những vẫn cố tình thực hiện phẫu thuật trái pháp luật, trong khi là bác sĩ, hơn ai hết, Tường biết và buộc phải biết về sự nguy hiểm đến tính mạng của người khác khi không có chuyên môn mà tiến hành phẫu thuật.
Bác sĩ Tường cũng nhận thức rõ TMV Cát Tường không phải là cơ sở khám chữa bệnh được phép hoạt động PTTM, không đủ điều kiện về cơ sở vật chất, về chuyên môn… nhưng vẫn cố tình đưa cơ sở này vào hoạt động để phẫu thuật cho chị Huyền. Do đó, hành vi cố ý của bác sĩ Tường là hành vi coi thường tính mạng người khác khi cố tình thực hiện các thủ thuật phẫu thuật trong tình trạng chị Huyền đang co giật, biến chứng. Như vậy, bác sĩ Tường đã trực tiếp đẩy nạn nhân vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng…
Từ những lập luận này, LS Trưởng và LS Giang đề nghị thay đổi tội danh với bác sĩ Tường sang tội Giết người.
Đồng thời, hai LS bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho gia đình nạn nhân cũng cho rằng, Tường đã có mục đích phi tang xác chị Huyền từ trước khi Đào Quang Khánh đưa ra câu gợi mở: “Hay là ném xác chị Huyền xuống sông”. Các LS này cho rằng, câu nói của Khánh đối với Tường chỉ là hành vi giúp sức cho Tường về việc thay đổi cách thức phi tang xác chị Huyền, chứ không thể khẳng định Khánh là chủ mưu vứt xác chị Huyền xuống sông. Chưa kể, sau khi nạn nhân tử vong, bác sĩ Tường đã họp bàn, phân công, tổ chức, chỉ đạo các nhân viên tiêu hủy, phi tang tài liệu, tang vật của vụ án… nhằm che giấu hành vi phạm tội.
Bản kiến nghị cũng đề nghị thu thập thêm chứng cứ xác định nguyên nhân chị Huyền tử vong, bởi hồ sơ vụ án chưa có chứng cứ nào thể hiện đâu là nguyên nhân có thể dẫn đến cái chết của chị Huyền: Do phản ứng của thuốc gây tê, do việc sử dụng thuốc quá liều, do không tuân thủ các thủ thuật của quá trình phẫu thuật, hay do không cấp cứu…
Bác sĩ Tường và bảo vệ Khánh tại phiên sơ thẩm. Ảnh: TL
Phương Thảo

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại