Thứ sáu 25/07/2025 09:01

Vấn đề pháp lý vụ tàu Vịnh Xanh 58 bị lật ở Hạ Long

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Chiều 19/7, địa bàn tỉnh Quảng Ninh diễn ra tình trạng thời tiết giông lốc dẫn đến sự cố tai nạn rủi ro nghiêm trọng trên vịnh Hạ Long, làm tàu Vịnh Xanh 58 BKS QN-7105 đang trong quá trình chở khách tham quan vịnh Hạ Long bị lật úp, dẫn đến thiệt hại nặng nề về người. Nhiều bạn đọc quan tâm đến trách nhiệm pháp lý xung quanh vụ việc này.
Phương tiện mở rộng phạm vi tìm kiếm các nạn nhân
Phương tiện mở rộng phạm vi tìm kiếm các nạn nhân.

Nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân

Chiều 19/7, tàu du lịch Vịnh Xanh 58 (QN-7105) rời cảng Tuần Châu (Quảng Ninh), chở theo 49 người (46 hành khách, 3 thuyền viên), thực hiện hành trình tham quan tuyến số 2 trên vịnh Hạ Long. Thời tiết lúc xuất bến được cho là bình thường. Tuy nhiên, khi đến gần khu vực hang Đầu Gỗ, một cơn giông mạnh bất ngờ ập đến khiến con tàu bị lật. Chủ tàu Vịnh Xanh 58, BKS QN-7105 là ông Đoàn Văn Trinh, trú tại phường Hà An, thị xã Quảng Yên (cũ), tỉnh Quảng Ninh. Tàu có đăng ký, đăng kiểm còn hạn đến 2/2026 và được bảo hiểm trách nhiệm dân sự và bảo hiểm tai nạn thuyền viên.

Theo đại tá Hoàng Văn Thuyết, Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ninh, ngay sau khi nhận tin báo xảy ra vụ tai nạn, tàu cứu hộ của lực lượng Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh chỉ mất khoảng hơn 10 phút để đến nơi tàu lật và kịp thời cứu những người còn sống. Tuy nhiên, tại hiện trường, thời tiết cực đoan mịt mù, mưa lốc diễn ra nên cũng gây khó khăn cho việc tìm kiếm nạn nhân.

Đến đêm 19/7, đơn vị huy động gần 1.000 người và 100 phương tiện tìm kiếm các nạn nhân. Bên cạnh đó, có gần 500 ngư dân thông thạo luồng lạch phục vụ công tác tìm kiếm. Đến 4h ngày 20/7, các lực lượng tiếp tục được huy động tối đa và sử dụng flycam để tìm kiếm, tranh thủ giờ vàng tìm kiếm nạn nhân mất tích.

Lãnh đạo Công an tỉnh đã trực tiếp đến hiện trường, huy động 14 tàu, xuồng cao tốc cùng 200 cán bộ, chiến sĩ tham gia phối hợp triển khai các phương án cứu nạn, cứu hộ liên tiếp và làm việc xuyên đêm để tìm kiếm các nạn nhân mất tích. Công an tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo Cơ quan cảnh sát điều tra khẩn trương tập trung điều tra làm rõ nguyên nhân vụ lật tàu để xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Ông Bùi Hồng Minh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ninh khẳng định, các tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long đều đảm bảo an toàn cao hơn vi phạm của đăng kiểm. Theo quy định có 15 tiêu chí an toàn đối với tàu du lịch, tỉnh Quảng Ninh khuyến khích các tàu hoạt động tiêu chí an toàn phải cao hơn quy chuẩn quốc gia. Hiện nay 100% tàu du lịch trên vịnh Hạ Long có quy chuẩn cao hơn tiêu chuẩn Quốc gia. Tàu Vịnh Xanh 58 gặp nạn có hệ số an toàn là 2,3 trong khi hệ số an toàn theo quy định chỉ là hơn 1,15.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ninh cho biết, theo quy định, hành khách đi trên phương tiện tàu khách ngang sông mới bắt buộc mặc áo phao cả hành trình; còn trường hợp tàu du lịch Vịnh Xanh 58 QN-7105 thì không bắt buộc phải mặc áo phao, trừ trường hợp khẩn cấp, nguy cơ mất an toàn và thuyền trưởng sẽ có hướng dẫn cụ thể. Khi tìm thấy thi thể nạn nhân, có từ 80-90% nạn nhân mặc áo phao.

Tối 19/7, ngành Y tế huy động thêm 31 xe cấp cứu để hỗ trợ các gia đình đưa thi thể người bị nạn về nhà. Đồng thời hỗ trợ toàn bộ viện phí, phương tiện vận chuyển. Hiện tại, toàn bộ 10 người được cứu sống sức khỏe đã ổn định, một số bệnh nhân được chuyển về bệnh viện gần nhà cho gia đình tiện chăm sóc.

Trách nhiệm pháp lý?

Ông Nguyễn Ngọc Lân, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Bảo Long, kiêm Giám đốc Công ty Bảo hiểm Bảo Long Quảng Ninh, cho biết hợp đồng bảo hiểm của tàu Vịnh Xanh 58 được ký kết ngày 8/4/2025, có hiệu lực từ ngày 14/4/2025 đến ngày 14/4/2026. Mức trách nhiệm tối đa của đơn vị bảo hiểm trong mỗi vụ tai nạn là 250 triệu đồng, trong đó chi trả tối đa 30 triệu đồng/người/vụ cho hành khách và bên thứ ba bị thiệt hại về tính mạng.

Với số lượng người tử vong trong vụ tai nạn vừa qua, công ty ước tính tổng mức chi trả bảo hiểm khoảng 1,2 tỷ đồng. Ngoài ra, các trường hợp bị thương sẽ được xem xét bồi thường theo tỉ lệ tổn thương thực tế dựa trên hồ sơ y tế cụ thể. Đại diện Công ty Bảo hiểm Bảo Long khẳng định sẽ xử lý hồ sơ chi trả nhanh nhất, kể cả ngoài giờ hành chính và ngày nghỉ nhằm kịp thời hỗ trợ thân nhân người bị nạn, thể hiện trách nhiệm đồng hành, chia sẻ với gia đình các nạn nhân.

Tính đến ngày 21/7, còn 3 người/49 chưa được tìm thấy. Luật sư Nguyễn Minh Long, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, như theo thông tin báo chí, vụ tai nạn có một số dấu hiệu vi phạm: thuyền trưởng phớt lờ cảnh báo thời tiết. Một số hành khách sống sót cho biết, họ đã đề nghị quay đầu do thời tiết xấu, nhưng thuyền trưởng vẫn tiếp tục hành trình. Một số khách không mặc áo phao là thiếu biện pháp đảm bảo an toàn khi tàu không triển khai đầy đủ áo phao hoặc hướng dẫn an toàn cho hành khách. Tàu có 3 thuyền viên, đúng với định biên tối thiểu (1 thuyền trưởng, 1 máy trưởng, 1 thủy thủ) cho tàu chở dưới 50 hành khách theo quy định. Tuy nhiên, cần xác minh năng lực chuyên môn của các thuyền viên này...".

Đối chiếu với Điều 272 Bộ luật Hình sự quy định trách nhiệm hình sự đối với “người điều khiển phương tiện” (thuyền trưởng) khi vi phạm quy định an toàn giao thông đường thuỷ. Thuyền trưởng đã thiệt mạng trong vụ tai nạn, căn cứ khoản 7 Điều 157 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, việc người thực hiện hành vi nguy hiểm đã chết là cơ sở để không khởi tố vụ án. Do đó, không thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 272, trừ khi điều tra phát hiện thuyền trưởng giao tàu cho người khác điều khiển và người này còn sống.

Trong trường hợp chủ tàu/thuyền trưởng đã thiệt mạng, nạn nhân và gia đình vẫn có thể yêu cầu bồi thường từ bảo hiểm trách nhiệm bắt buộc đối với bên thứ ba. Được biết, hợp đồng bảo hiểm của tàu Vịnh Xanh có hiệu lực từ 14/4/2025 đến 14/4/2026, với mức chi trả tối đa 250 triệu đồng/vụ tai nạn, trong đó tối đa 30 triệu đồng/người cho thiệt hại về tính mạng. Gia đình nạn nhân có thể liên hệ công ty bảo hiểm để yêu cầu bồi thường".

Luật sư cho rằng, vụ chìm tàu Vịnh Xanh 58 không chỉ là hậu quả của thiên tai mà có thể liên quan đến các vi phạm nghiêm trọng trong tổ chức, vận hành và giám sát an toàn. Cơ quan chức năng cần điều tra toàn diện, xác minh điều kiện kỹ thuật của tàu, năng lực thuyền viên, và trách nhiệm của cơ quan quản lý cảng vụ...

Luật sư nêu, qua vụ việc cho thấy, cần liên thông dữ liệu thời tiết - cảng vụ - đơn vị điều hành tàu; bắt buộc thuyền viên phải hướng dẫn hành khách mặc áo phao khi lên tàu; tăng cường kiểm tra đột xuất tàu du lịch, nhất là trong mùa mưa bão và chuẩn hóa quy trình ứng cứu, thoát hiểm, huấn luyện bắt buộc cho toàn bộ nhân viên.

Bước đầu tỉnh Quảng Ninh đã hỗ trợ cho gia đình các nạn nhân tử vong là 25 triệu đồng/người, nạn nhân bị thương 8 triệu đồng/người. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh cũng hỗ trợ cho gia đình các nạn nhân tử vong 5 triệu đồng/người, nạn nhân bị thương 3 triệu đồng/người. Một số DN trên địa bàn tỉnh cũng hỗ trợ các gia đình nạn nhân tử vong 40 triệu đồng/người, nạn nhân bị thương 25 triệu đồng/người.
Huy động tối đa lực lượng tìm kiếm cứu nạn vụ lật tàu tại Quảng Ninh
Xử lý người phụ nữ đăng thông tin sai sự thật liên quan vụ lật tàu trên Vịnh Hạ Long
Vụ việc lật tàu Vịnh Xanh 58: góc nhìn pháp lý và trách nhiệm xã hội
Bảo Lâm
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động