Thứ bảy 10/05/2025 13:46

Xử phạt cơ sở kinh doanh dược không thực hiện niêm yết giá thuốc

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hỏi: Trong một lần đi công tác ở một tỉnh miền núi phía bắc, tôi quên mang loại thuốc hay dùng nên vào hiệu thuốc để mua. Gía bán thuốc ở đây có cao hơn giá tôi vẫn thường mua ở nhà. Tôi có thắc mắc thì được chủ cửa hàng trả lời rằng giá mới tăng. Tuy nhiên, tôi tìm giá niêm yết trên bao bì sản phẩm thì không có, tôi quan sát trong cửa hàng cũng không có thông báo công khai trên bảng, trên giấy hoặc bằng các hình thức khác. Xin hỏi hành vi không niêm yết giá thuốc của cửa hàng trên có vi phạm quy định pháp luật không? Nếu có thì sẽ bị xử lý như thế nào?  

(Trần Ngọc Hà, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội)

xu phat co so kinh doanh duoc khong thuc hien niem yet gia thuoc
Ảnh minh họa

Trả lời:

Tại Điều 42 Luật Dược quy định về Quyền và trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dược như sau:

“…

2. Cơ sở kinh doanh dược có các trách nhiệm sau đây:

a) Phải có Giấy chứng nhận đủ Điều kiện kinh doanh dược và chỉ được kinh doanh đúng loại hình cơ sở kinh doanh, phạm vi và địa Điểm kinh doanh ghi trong Giấy chứng nhận đủ Điều kiện kinh doanh dược;

b) Bảo đảm duy trì các Điều kiện kinh doanh dược trong quá trình hoạt động kinh doanh theo quy định của Luật này;

c) Thu hồi thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo quy định tại Điều 62 của Luật này;

d) Bồi thường thiệt hại cho tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do lỗi của cơ sở theo quy định của pháp luật;

đ) Chấp hành quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp bảo đảm cung ứng thuốc, nguyên liệu làm thuốc khi xảy ra dịch bệnh nguy hiểm, thiên tai, thảm họa;

e) Báo cáo Bộ Y tế hoặc Sở Y tế và thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật trong trường hợp tạm dừng hoạt động từ 06 tháng trở lên hoặc chấm dứt hoạt động;

g) Thông báo, cập nhật danh sách người có Chứng chỉ hành nghề dược đang hành nghề tại cơ sở đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;

h) Niêm yết công khai Chứng chỉ hành nghề dược và Giấy chứng nhận đủ Điều kiện kinh doanh dược tại cơ sở kinh doanh;

i) Báo cáo hằng năm và báo cáo theo yêu cầu của cơ quan quản lý về dược có thẩm quyền;

k) Tuân thủ quy định của Bộ Y tế trong việc mua, bán thuốc thuộc Danh Mục thuốc hạn chế bán lẻ;

l) Niêm yết giá bán buôn, bán lẻ bằng đồng Việt Nam tại nơi giao dịch hoặc nơi bán thuốc của cơ sở kinh doanh dược để thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng, cơ quan quản lý có thẩm quyền và tuân thủ các quy định khác về quản lý giá thuốc; m) Lưu giữ chứng từ, tài liệu có liên quan đến từng lô thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong thời gian ít nhất là 01 năm kể từ ngày thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết hạn dùng;

n) Bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo đúng Điều kiện ghi trên nhãn;

o) Ghi rõ tên thuốc, hàm lượng, hạn dùng cho người sử dụng trong trường hợp bán lẻ thuốc không đựng trong bao bì ngoài của thuốc; trường hợp không có đơn thuốc đi kèm, phải ghi thêm liều dùng, số lần dùng và cách dùng;

p) Chỉ được bán thuốc kê đơn tại cơ sở bán lẻ thuốc khi có đơn thuốc.”

Và tại khoản 4 Điều 107 Luật dược quy định các biện pháp quản lý giá thuốc như sau: “4. Niêm yết giá bán buôn, bán lẻ thuốc bằng đồng Việt Nam tại nơi giao dịch hoặc nơi bán thuốc của cơ sở kinh doanh dược; in, ghi hoặc dán giá bán lẻ trên bao bì chứa đựng thuốc hoặc bao bì ngoài của thuốc; thông báo công khai trên bảng, trên giấy hoặc bằng các hình thức khác.”

Cơ sở kinh doanh thuốc mà bạn nhắc đến ở trên không thực hiện niêm yết giá trên bao bì sản phẩm và cũng không có thông báo công khai giá thuốc trên bảng, trên giấy hoặc bằng các hình thức khác, là không thực hiện trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dược theo quy định tại điểm l khoản 2 Điều 42 Luật Dược. Hành vi vi phạm trên bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 109/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 09 năm 2013 Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn. Cụ thể:

Tại Khoản 1 Điều 12 Nghị định 109/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 09 năm 2013 Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn; được sửa đổi bởi Khoản 5 Điều 1 Nghị định 49/2016/NĐ-CP quy đinh:

“1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa Điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật;

b) Niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng

Như vậy, cơ sở kinh doanh dược có hành vi không niêm yết giá thuốc sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định tại điểm b khoản khoản 1 Điều 12 Nghị định 109/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 5 Điều 1 Nghị định 49/2016/NĐ-CP.

Áp dụng khoản 5 Điều 3 Nghị định 109/2013/NĐ-CP quy định mức phạt tiền tại Điều 12 là mức phạt áp dụng đối với cá nhân, và và Điều 23 Luật xử lý vi phạm hành chính “Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt”, xác định mức tiền phạt đối với cơ sở kinh doanh thuốc là 750.000 đồng (mức trung bình khung tiền phạt).

Việt Anh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động