Xử phạt hoạt động căng tin kinh doanh ăn uống không đảm bảo quy định
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên(Nguyễn Thu Huyền, trú tại Đống Đa, Hà Nội)
Ảnh minh họa |
Trả lời:
Tại Điều 11 Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm quy định:
“Điều 11. Cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm
1. Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi hoạt động, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định này.
2. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật an toàn thực phẩm. Riêng đối với các cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe, phải tuân thủ các yêu cầu quy định tại Điều 28 Nghị định này.”
Và khoản 1 Điều 12 Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định những cơ sở không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm:
“1. Các cơ sở sau đây không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm:
a) Sản xuất ban đầu nhỏ lẻ;
b) Sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định;
c) Sơ chế nhỏ lẻ;
d) Kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ;
đ) Kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn;
e) Sản xuất, kinh doanh dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm;
g) Nhà hàng trong khách sạn;
h) Bếp ăn tập thể không có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm;
i) Kinh doanh thức ăn đường phố;
k) Cơ sở đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận: Thực hành sản xuất tốt (GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực.”
Bạn thực hiện hoạt động căng, tin kinh doanh ăn uống tại một trường đại học, theo quy định tại Điều 11 và Điều 12 Nghị định 15/2018/NĐ-CP nêu trên, cơ sở kinh doanh của bạn thuộc trường hợp phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi hoạt động.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật an toàn thực phẩm quy định thành phần Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm gồm có:
“a) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm;
b) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
c) Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
d) Giấy xác nhận đủ sức khoẻ của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp;
đ) Giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm của chủ cơ sở và của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định của Bộ trưởng Bộ quản lý ngành.”
Như vậy, khi xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, cơ sở của bạn cần có “Giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm của chủ cơ sở và của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm”. Nếu như bạn chỉ cử 05 nhân viên trực tiếp sản xuất kinh doanh thực phẩm tham gia tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, thì chủ cơ sở là bạn sẽ không được cấp giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm; dẫn đến thiếu thành phần hồ sơ theo quy định tại điểm đ khoản khoản 1 Điều 36 Luật an toàn thực phẩm. Căn tin kinh doanh dịch vụ ăn uống của bạn đi vào hoạt động sẽ không được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Việc thực hiện kinh doanh trong trường hợp của bạn đã vi phạm quy định của Luật an toàn thực phẩm và bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, cụ thể:
Hành vi 1: kinh doanh dịch vụ ăn uống mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Hành vi này sẽ bị xử phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị định 115/2018/NĐ-CP: “1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh dịch vụ ăn uống mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, trừ trường hợp không thuộc diện phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật và vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này”. Áp dụng khoản 2 Điều 3 Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định mức phạt tiền tại Điều 18 Nghị định 115/2018/NĐ-CP là mức phạt đối với tổ chức, mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân; và Điều 23 Luật xử lý vi phạm hành chính “Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt” xác định mức tiền phạt đối với bạn là 12.500.000 đồng (mức trung bình khung tiền phạt).
Hành vi 2: Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc loại hình căng tin kinh doanh ăn uống mà chủ cơ sở không đáp ứng kiến thức về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật, xử lý vi phạm theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 15 Nghị định 115/2018/NĐ-CP: “4. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Sử dụng nước không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật hoặc không bảo đảm vệ sinh theo quy định của pháp luật tương ứng để chế biến thức ăn; để vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ phục vụ chế biến, ăn uống;
b) Chủ cơ sở không đáp ứng kiến thức về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật;
c) Không thực hiện thu gom, xử lý chất thải, rác thải trong phạm vi của cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống theo quy định của pháp luật;
d) Vi phạm các quy định khác về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật trong kinh doanh dịch vụ ăn uống, trừ các hành vi quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, các điểm a, b và c khoản 4, khoản 5 Điều này.”
Áp dụng khoản 2 Điều 3 Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định mức phạt tiền tại Điều 15 Nghị định 115/2018/NĐ-CP là mức phạt đối với cá nhân; và Điều 23 Luật xử lý vi phạm hành chính “Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt” xác định mức tiền phạt đối với bạn là 8.500.000 đồng (mức trung bình khung tiền phạt). Ngoài ra, với hành vi này bạn còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: “Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, cung cấp thực phẩm từ 01 tháng đến 03 tháng” theo quy định tại khoản 6 Điều 15 Nghị định 115/2018/NĐ-CP.
Tổng hợp hình phạt của hai hành vi vi phạm, bạn sẽ bị phạt tiền với mức phạt trung bình là 21.000.000 đồng và bị đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, cung cấp thực phẩm từ 01 tháng đến 03 tháng.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại