Thứ sáu 24/01/2025 03:42

AVFTA mở ra "con đường cao tốc" đến Liên minh châu Âu

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
“Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ bấm nút phê chuẩn Hiệp định EVFTA, cũng có nghĩa Quốc hội sẽ bấm nút để chính thức thông xe cho con đường cao tốc tới Liên minh châu Âu”. Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu trong phiên thảo luận tại Hội trường về Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).

Cơ hội tiếp cận thị trường gần 450 triệu dân của những nền kinh tế giàu có

Theo Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Hiệp định EVFTA có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam, xét trên nhiều góc độ: Mở rộng thị trường, thúc đẩy đầu tư cải cách thể chế và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.

“Việc phê chuẩn hiệp định này trong bối cảnh hiện nay khi chúng ta vừa vượt ra khỏi Covid-19 và đang trong quá trình tái khởi động nền kinh tế thì càng có ý nghĩa quan trọng. Vì đây chính là thời điểm mà chúng ta đang cần có thêm nhiều động lực để phát triển và EVFTA có thể là một trong những động lực quan trọng”, Đại biểu nói.

“Tăng cường hợp tác với EU, chúng ta sẽ có điều kiện tiếp cận một thị trường với gần 450 triệu dân của những nền kinh tế thuộc loại giàu có nhất trên thế giới. Do vậy, giúp chúng ta có thể đẩy mạnh xuất khẩu. Chúng ta cũng có điều kiện để khai thông một dòng chảy vốn đầu tư FDI với chất lượng cao từ EU về Việt Nam.

Chúng ta cũng có điều kiện để cải thiện vị thế của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu theo hướng có giá trị gia tăng cao hơn, có công nghệ cao hơn, thân thiện với môi trường hơn và phát triển bền vững hơn. Chúng ta cũng có thêm động lực để cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của các doanh nghiệp để có thể thúc đẩy tăng trưởng, tạo nhiều công ăn việc làm. Đây là đích đến cuối cùng của mọi chiến lược phát triển”, đại biểu Vũ Tiến Lộc phân tích.

avfta mo ra con duong cao toc den lien minh chau au
Đại biểu Vũ Tiến Lộc - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Ví Hiệp định như một “con đường cao tốc hội nhập với Liên minh châu Âu”, Đại biểu Vũ Tiến Lộc nhận định, Hiệp định thương mại Việt Nam - EU sẽ giúp Việt Nam có cơ hội để hiện thực hóa những kỳ vọng bứt phá của thời tái khởi động sau đại dịch. Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI cũng nhấn mạnh, “EVFTA không phải là con đường cao tốc miễn phí”.

“Chúng ta phải trả phí cho quá trình này bằng cách là đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng của nền kinh tế, đầu tư nâng cấp thể chế của nền kinh tế, đầu tư, nâng cấp chất lượng nguồn nhân lực, đối với các doanh nghiệp là những đầu tư về nâng cấp quản trị doanh nghiệp, chiến lược hoạt động kinh doanh để có thể tận dụng tốt được những cơ hội, có thể thành công trên con đường hội nhập EVFTA”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nói.

Thiết kế “đường gom, lối mở”

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, “ký được Hiệp định là quan trọng, nhưng thực hiện Hiệp định có hiệu quả còn khó khăn hơn gấp nhiều lần.

Muốn làm điều này, trước hết chúng ta phải thiết kế được những đường gom, lối mở để doanh nghiệp, nền kinh tế của chúng ta có thể lên đường cao tốc. Đó chính là những luật, những nghị định, những thông tư để nội luật hóa các cam kết hoặc hướng dẫn cách thức để thực hiện các cam kết cho các doanh nghiệp. Sự soạn thảo thật nhanh, ban hành thật sớm các văn bản này có ý nghĩa rất là quan trọng để chúng ta có thể thông xe”.

Cũng theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, không chỉ có đường cao tốc này mà toàn bộ các con đường thể chế trong nền kinh tế nước ta cũng phải được đẩy mạnh, cũng phải thông xe, cũng phải để cho nền kinh tế vận hành với tốc độ cao.

“Trong vấn đề ban hành các văn bản để thực hiện EVFTA thì không chỉ có những vấn đề chúng ta phải tuân thủ thì chúng ta ban hành Luật để tuân thủ. Cùng với đó, chúng ta còn phải ban hành những văn bản để tạo ra động lực để thúc đẩy sự phát triển và cũng ban hành những văn bản để hướng dẫn những ngoại lệ, chúng ta có thể tận dụng để tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp của nước mình.

Việc ban hành những văn bản phải bao gồm cả một hệ thống đồng bộ như vậy, chứ không chỉ có việc cụ thể hóa các cam kết”, đại biểu cho biết thêm.

Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cũng nhận định, 2 Hiệp định (AVFTA và EVIPA) sẽ tạo ra “thời cơ để đất nước ta vươn lên, gia nhập đội ngũ các quốc gia phát triển trong vài thập kỷ tới”. Tuy nhiên, muốn vậy, theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, nền kinh tế Việt Nam phải có đủ năng lực đối phó với các nguy cơ đe dọa an ninh phi truyền thống, ví dụ như là trận đại dịch toàn cầu Covid-19.

“Trận đại dịch hiện nay buộc chúng ta phải thay đổi phương thức hoạt động kinh tế, tổ chức xã hội về mọi mặt và điểm nổi bật là không được phụ thuộc quá nhiều vào bất kỳ một quốc gia nào về bất cứ lĩnh vực nào”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.

Thời cơ đang đến nhưng có tận dụng, phát huy để biến thời cơ thành hiện thực hay không là vấn đề của chúng ta. Khi 2 Hiệp định (AVFTA và EVIPA) bắt đầu có hiệu lực là chúng ta bắt đầu cuộc đua chứ chưa phải là bắt đầu bữa tiệc. Nếu không thành công thì chúng ta vẫn có thể tụt hậu, chúng ta có thể ách tắc trong bẫy thu nhập trung bình và khi đó 2 hiệp định này “tiệc thì người khác ăn mà nợ thì chúng ta sẽ gánh”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.

Thanh Hải
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động