Năm 2025, Hà Nội đặt mục tiêu giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng từ 6,95% trở lên
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHệ thống dây chuyền công nghệ cao của Công ty Hanwha (Khu công nghệ cao Hòa Lạc). Ảnh: ACIT |
Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2024 ước tăng 5,9%
Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp năm 2024 ước tăng 6,2%, đóng góp 0,82 điểm phần trăm vào mức tăng 6,52% của GRDP (chiếm 12,6%). Trong đó, quý I tăng 5,09%; quý II tăng 5,63%; quý III tăng 6,56%; quý IV tăng 7,08%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2024 ước tăng 5,9% so với năm 2023. Cụ thể, quý I tăng 4,6%; quý II tăng 5,7%; quý III tăng 6,0%; quý IV tăng 7,1%. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 9,3%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 10,6%; khai khoáng tăng 0,5%...
Chỉ số tiêu thụ sản phẩm năm 2024 tăng 8,2%; chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 11,5%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2024 ước đạt 853,3 nghìn tỷ đồng, tăng 10,8% so với năm 2023.
Hạ tầng công nghiệp, thương mại được quan tâm phát triển, nhiều dự án hạ tầng cụm công nghiệp trên địa bàn TP được khởi công, hoàn thành trong năm qua…
Để đạt được kết quả đáng trên, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Nguyễn Kiều Oanh cho biết, đơn vị đã thực hiện tốt công tác tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu, điện.
Đồng thời, tạo điều kiện cho các DN thụ hưởng chính sách hỗ trợ của trung ương và TP Hà Nội trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Đảm bảo được cân đối cung cầu hàng hóa; triển khai có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, kích cầu nội địa, liên kết vùng… Hạ tầng công nghiệp, thương mại được quan tâm phát triển, nhất là việc tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ khởi công, đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp trên địa bàn TP.
Tuy nhiên, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Nguyễn Kiều Oanh cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thủ đô vẫn còn những khó khăn như: Việc tiếp cận đất đai của DN nhỏ và vừa rất khó, trong khi hạ tầng các cụm công nghiệp đang hoạt động chưa đồng bộ, xuống cấp; các chính sách hỗ trợ của TP đối với các DN có sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực chưa thực sự rõ nét.
Quy mô chủ yếu của các DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam là nhỏ và siêu nhỏ nên đa số có trình độ công nghệ, quản lý thấp, nguồn nhân lực hạn chế, dẫn tới khó có thể đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao của đối tác về tiêu chuẩn, chất lượng, giá thành; sự thiếu liên kết giữa các DN cũng đang kìm hãm sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ…
Tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình
Năm 2025, Sở Công Thương Hà Nội đặt mục tiêu giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng từ 6,95% trở lên. Để đạt được mục tiêu đặt ra, ngành Công Thương Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn TP nhằm hoàn thành mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Hà Nội cơ bản trở thành TP công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đến năm 2030, Hà Nội trở thành TP công nghiệp hiện đại.
Tầm nhìn đến năm 2045, Hà Nội trở thành TP công nghiệp phát triển hiện đại của khu vực và quốc tế, là trung tâm công nghệ thông tin của cả nước; tăng hàm lượng khoa học, công nghệ và tỷ trọng giá trị nội địa của sản phẩm công nghiệp…
Để hỗ trợ DN, ngành Công Thương Hà Nội sẽ phấn đấu 100% DN sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ. Đồng thời, tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn vướng mắc nhằm tạo đà phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, TP tiếp tục hỗ trợ DN đổi mới, nâng cao năng lực sản xuất, tăng tỷ lệ nội địa hóa; theo sát diễn biến của kinh tế thế giới, làm tốt thông tin thị trường; hướng dẫn, hỗ trợ các hiệp hội và DN khai thác, phát huy các thị trường truyền thống và khai mở thị trường mới, giàu tiềm năng…
Để đạt được mục tiêu trên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị ngành Công Thương Hà Nội cần có giải pháp cụ thể để thúc đẩy phát triển công nghiệp, trong đó ưu tiên phát triển công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ DN khôi phục sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư để có những dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng đi vào vận hành nhằm gia tăng năng lực sản xuất.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương tập trung thu hút đầu tư vào 07 cụm công nghiệp đã hoàn thành công tác đầu tư hạ tầng kỹ thuật; tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành đầu tư hạ tầng kỹ thuật 27 cụm công nghiệp đã động thổ, khởi công và khởi công nốt 09 cụm công nghiệp đã được thành lập giai đoạn 2018 - 2020. Tiếp tục kiểm tra, phối hợp với các huyện có cụm công nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động của 70 cụm công nghiệp đang hoạt động.
Hà Nội tiếp sức cho ngành công nghiệp hỗ trợ | |
Hà Nội: thúc đẩy phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực | |
Hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại