Thứ năm 23/01/2025 20:30

Văn hóa giao thông cao tốc

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngoài việc am hiểu luật giao thông thì người tham gia giao thông cũng cần phải có văn hóa giao thông, nhất là trên các tuyến cao tốc. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều lái xe khi tham gia giao thông trên cao tốc lại không như vậy. Chính điều này cũng đang tiềm ẩn không ít nguy hiểm.

Điển hình như ngày 11/7, trên đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng qua địa phận huyện Gia Lộc (Hải Dương) xảy ra vụ tai nạn liên hoàn giữa 3 xe ô tô làm 2 người chết, 12 người bị thương. Điều đáng nói là nguyên nhân xảy ra tai nạn là do 2 lái xe sau va chạm nhẹ trước đó đã dừng xe ngay ở giữa làn tốc độ 120km/h để tranh luận, một xe ô tô chạy tới đã đâm vào hai xe này. Chính vì sự vô ý thức, không chấp hành quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn giao thông của họ đã dẫn đến tai nạn nghiêm trọng này.

Liên quan đến vấn đề này, TS. Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông chia sẻ, dễ thấy một trong những thói quen không tốt của người tham gia giao thông sau khi tai nạn giao thông xảy ra là đầu tiên các bên thường tranh luận về việc ai đúng, ai sai mà không quan tâm ngay tới việc bảo đảm an toàn cho các phương tiện giao thông khác. Đây là một trong các biểu hiện của việc thiếu văn hóa giao thông. Việc tranh luận ai đúng ai sai sau khi xảy ra tai nạn giao thông là hành vi thiếu trách nhiệm và nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ gây ra thêm những hậu quả đáng tiếc.

“Tranh cãi ngay tại hiện trường tai nạn có thể gây cản trở giao thông, khiến các phương tiện khác khó di chuyển và tăng nguy cơ xảy ra va chạm tiếp theo. Thay vì dành thời gian để tranh luận, mọi người nên phối hợp với nhau để giải quyết hậu quả tai nạn nhanh chóng và hiệu quả nhất. Tranh cãi có thể khiến mâu thuẫn giữa các bên tham gia giao thông thêm leo thang, dẫn đến những hành vi thiếu văn hóa và vi phạm pháp luật” – TS. Nguyễn Hữu Đức chia sẻ thêm.

Theo Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt thuộc Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an), các tài xế ở nước ta vẫn mắc nhiều lỗi chủ quan ngay cả khi lái xe trên đường cao tốc như là dừng xe, đỗ xe không đúng nơi quy định; không có dụng cụ báo hiệu để người lái xe khác biết khi buộc phải dừng, đỗ phương tiện giao thông trên đường không đúng nơi quy định; quay đầu xe; đi ngược chiều, lùi xe, bám làn có tốc độ cao nhất mặc dù chạy chậm, không chuyển làn đúng quy định khi chuẩn bị rẽ, không giữ khoảng cách an toàn đối với xe chạy trước...

Để ngăn ngừa tai nạn khi tham gia giao thông, ngoài việc nâng cao ý thức, hiểu biết pháp luật cũng như xây dựng văn hóa tham gia giao thông trên đường cao tốc. Các cơ quan chức năng cũng cần phải có những biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với những trường hợp bất chấp pháp luật, coi thường tính mạng người khác khi tham gia giao thông. Đồng thời, đẩy mạnh việc tuyên truyền trật tự an toàn giao thông, vận động các cơ quan, đơn vị tạo dư luận lên án đấu tranh với những biểu hiện thiếu ý thức, thiếu văn hoá giao thông.

Nguyễn Đăng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động