Thứ năm 23/01/2025 06:25
15 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội:

Bài 1: Đất trăm nghề sau 15 năm sáp nhập về Hà Nội

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hà Tây (cũ) - mảnh đất trăm nghề của cả nước sau 15 năm sáp nhập về Hà Nội - kinh tế, xã hội phát triển toàn diện. Với hạ tầng khang trang, những con đường đất nay đã được trải nhựa, bê tông..., hàng ngày đón các đoàn khách du lịch trong và ngoài nước sang tham quan, trải nghiệm văn hóa đặc trưng đồng bằng sông Hồng. Sự phát triển mang tính bứt phá của ngoại thành Hà Nội đã xóa dần ranh giới của những vùng nông thôn, miền núi với trung tâm Hà Nội và đóng góp cho nền kinh tế Thủ đô phát triển...
Bài 1: Đất trăm nghề sau 15 năm sáp nhập về Hà Nội

15 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội: Đất trăm nghề sau 15 năm sáp nhập về Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Vũ

Làng nghề là một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế Thủ đô

Những năm qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng, phát huy giá trị làng nghề truyền thống; đặc biệt, khi TP Hà Nội mở rộng địa giới hành chính (sáp nhập tỉnh Hà Tây (cũ) vào), thì các làng nghề ở đây có thể nói là đã thực sự hồi sinh. Với sự đầu tư bài bản, đúng định hướng phát triển, hiện nay, nhiều làng nghề, đang là bộ mặt văn hóa, du lịch, đồng thời kết nối, thúc đẩy phát triển kinh tế tại các địa phương, đẩy mạnh hội nhập hội nhập kinh tế quốc tế.

Các sản phẩm của làng nghề đa dạng nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt và có thể mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Mỗi làng nghề đều mang một bản sắc riêng với sự kết tinh sáng tạo của những bàn tay người thợ và tình yêu nghề, tạo ra những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc…

Bằng bàn tay tài hoa của người thợ, nghệ nhân hơn 400 năm qua, những nan tre, sợi mây đã nuôi dưỡng biết bao người con của làng Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Sản phẩm của làng nghề rất đa dạng, từ những món đồ trang trí, thời trang như túi xách, đèn… cho tới những đồ nội thất như bàn ghế, tủ… Sản phẩm mây, tre, giang đan của Phú Vinh đã đi tới tận những thị trường xa xôi và chinh phục những người tiêu dùng “kỹ tính” như: Nhật Bản, Mỹ, Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha… Bình quân, mỗi năm làng nghề Phú Vinh sản xuất đạt lợi nhuận từ 100 đến 200 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Mạnh Hồng - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất chia sẻ: Khi chưa sáp nhập về Thủ đô, thu nhập bình quân đầu người của huyện Thạch Thất chỉ đạt 11,6 triệu đồng/năm, sau 15 năm sáp nhập, hiện nay đã tăng lên 8 lần, đạt 91 triệu đồng/người/năm. Con số này cho thấy huyện đã có sự đột phá toàn diện về kinh tế, xã hội. Huyện Thạch Thất phấn đấu thu nhập bình quân đầu người năm 2023 tăng lên 100 triệu đồng (mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu 120 triệu đồng).

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội, hiện trên địa bàn TP, tập trung hơn 1.350 làng nghề. Tổng doanh thu hàng năm từ các làng nghề Hà Nội ước đạt bình quân hơn 20.000 tỷ đồng. Kinh tế làng nghề có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị xuất khẩu.

Trong đó, có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10 - 20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20 - 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương và tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho lao động tại các địa phương.

Theo bà Hà Thị Vinh - Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Hà Nội chia sẻ: Từ khi tỉnh Hà Tây sáp nhập về Hà Nội, các làng nghề được TP quan tâm nuôi dưỡng tới nghề và người thợ làng nghề. UBND TP Hà Nội luôn tạo một cơ chế, chính sách để phát triển làng nghề như: đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư công nghệ số đến tận làng nghề và làng có nghề, đầu tư xúc tiến thương mại, chương trình thúc đẩy sáng tạo cho làng nghề. Nhất là TP cũng xác định làng nghề là một trong năm trụ cột kinh tế Thủ đô. Đến nay, các làng nghề đã đi vào hoạt động phát triển bền vững.

Những sản phẩm làng nghề ngoài việc thu hút về lợi ích kinh tế, các sản phẩm văn hóa còn góp phần khuếch trương, quảng bá văn hóa Hà Nội, thúc đẩy du lịch phát triển.

PGS. TS Phạm Thu Hương - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội góp ý trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này sẽ có những quy định về cơ chế, chính sách mang tính đặc thù, “vượt trước” về văn hóa. Điều này nhằm mục tiêu “kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa giữ gìn bản sắc văn hóa với phát triển kinh tế, giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa. Từ đó, giúp Hà Nội phát triển, đi đầu về công nghiệp văn hóa. Trong đó, văn hóa, con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực để phát triển Thủ đô có thể trở thành hiện thực".

Hà Nội triển khai đồng bộ cách giữ làng nghề phát triển

Những năm gần đây, các làng nghề truyền thống có sức hấp dẫn du khách trong và ngoài nước bởi những giá trị văn hóa lâu đời và sự sáng tạo của những người thợ lành nghề qua từng sản phẩm thủ công đặc trưng, như: làng đúc đồng Ngũ Xã, làng nghề mây tre đan Phú Vinh, làng chuồn chuồn tre Thạch Xá, làng nón Chuông, làng sơn mài Hạ Thái, làng quạt Chàng Sơn, làng thêu Quất Động... Việc phát triển du lịch làng ghề, gắn kết sản phẩm thủ công mỹ nghệ với thị trường du lịch được coi là định hướng chung của TP Hà Nội hiện nay.

Tuy nhiên, đứng trước sự đổi thay của cuộc sống, nhiều làng nghề trên địa bàn Hà Nội cũng khó tránh được sự mai một hoặc gặp nhiều khó khăn trong duy trì, phát triển.

Để khắc phục những khó khăn này, đồng thời, tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện để các làng nghề vừa gìn giữ vừa phát triển, TP Hà Nội đã và đang nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp, từ đào tạo nghề, phát triển thị trường cho tới đổi mới mẫu mã sản phẩm, công nghệ sản xuất. Theo Sở Công Thương Hà Nội, trong hơn 10 năm qua, TP Hà Nội đã tổ chức gần 1.000 lớp truyền nghề, nhân cấy nghề cho hơn 38.000 lao động nông thôn với các nghề như may mặc, cơ khí, mộc dân dụng, thủ công mỹ nghệ... Kết thúc các khóa truyền nghề, cấy nghề này, hơn 80% số lao động đã có việc làm.

Bên cạnh đó, hàng trăm lượt doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn được hỗ trợ đầu tư đổi mới thiết bị, ứng dụng máy móc tiên tiến, hiện đại vào sản xuất bằng nguồn kinh phí khuyến công. Chương trình góp phần nâng cao năng suất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Nghệ nhân Lê Văn Hưng, làng nghề thêu Quất Động chia sẻ: Những năm gần đây Sở Công Thương Hà Nội và UBND xã cũng rất quan tâm đến đầu ra cho sản phẩm làng nghề. Nhất là việc phát triển thương mại điện tử, Sở cho cán bộ kỹ thuật về tận làng hướng dẫn người dân làng nghề cánh làm maketing, bán hàng trên các trang tin điện tử. Từ đó giúp người dân làng nghề phát triển, bán hàng qua nhiều kênh và nhiều nơi biết đến làng nghề. Mặc dù, hiện nay do kinh tế thị trường đang trầm lắng nên việc hàng hóa trong làng chưa sôi động.

Các làng nghề của Hà Nội đã và đang phát huy những giá trị truyền thống to lớn, tạo dựng bản sắc văn hóa riêng. Do đó, cần có sự bắt tay, phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa Nhà nước, chính quyền địa phương với những người làm nghề để tiếp tục phát triển, gìn giữ làng nghề, thúc đẩy gia tăng tỷ trọng trong giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xuất khẩu, giải quyết việc làm cho lao động ngoại thành, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Các nghệ nhân, người thợ làng nghề cũng mong TP Hà Nội, Nhà nước có thêm sự đãi ngộ, hỗ trợ để người làm nghề thêm gắn bó, gìn giữ, phát triển nghề. Bởi thực tế, nghề thủ công rất dễ bị mai một mà có những nghề nếu mất đi sẽ rất khó khôi phục lại...

(Còn nữa)

Sự phát triển vượt bậc của giao thông Hà Nội
Bài 1: Tạo đột phá xây dựng mạng lưới y tế cơ sở, công tác chăm sóc sức khỏe người dân
Thủ đô có bước thay đổi lớn về diện mạo đô thị, nông thôn
Nguyễn Vũ - Hải Anh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động