Thứ năm 23/01/2025 06:04
Hà Nội 15 năm mở rộng địa giới hành chính

Thủ đô có bước thay đổi lớn về diện mạo đô thị, nông thôn

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày 29/5/2008, tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XII đã nhất trí thông qua Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan.
Thủ đô có bước thay đổi lớn về diện mạo đô thị, nông thôn
Hà Nội ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn với nhiều hoạt động sôi nổi (Chương trình Đồng diễn Áo dài “Phụ nữ Thủ đô - hội nhập phát triển” năm 2023 với gần 1.000 người tham gia). Ảnh: Khánh Huy

Ngày 1/8/2008, Hà Nội đã hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của tỉnh Hà Tây; của huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, thành phố Hà Nội có diện tích tự nhiên là hơn 3.300 km2 và dân số là hơn 6,2 triệu người.

15 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, phấn đấu không ngừng, thực hiện và hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị, khẳng định vị trí đầu tàu của cả nước. Vóc dáng, diện mạo Thủ đô ngày càng khang trang, hiện đại và to đẹp hơn.Hà Nội có nhiều bứt phá, phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước...

Quy mô kinh tế Thủ đô đến nay đạt xấp xỉ 1,2 triệu tỷ đồng, tương đương 50 tỷ USD, cao gấp hơn 4 lần năm 2008 và tương đương với 1/8 quy mô kinh tế cả nước (khoảng 409 tỷ USD). Thu ngân sách nhà nước Thành phố tăng bình quân khoảng 8,7%/năm. Năm 2022, tổng thu ngân sách trên địa bàn Hà Nội lần đầu tiên vượt 332 nghìn tỷ đồng, đứng thứ hai cả nước. 6 tháng đầu năm 2023, thu ngân sách thành phố đã đạt 220.000 tỷ đồng, bằng 64,2% dự toán; trong đó, 94% là thu nội địa.

Đời sống Nhân dân ở các khu vực của Hà Nội đã cải thiện đáng kể so với thời điểm hợp nhất. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người toàn thành phố đạt 141,8 triệu đồng/người/năm, tương đương với 5.991 USD (tỷ giá hiện tại), gấp hơn 3,5 lần năm 2008 (1.697 USD). Đầu năm 2009, tỷ lệ hộ nghèo toàn thành phố còn đến 8,43%. Đến đầu năm 2023, Hà Nội chỉ còn có 2.134 hộ nghèo, chiếm 0,095% tổng dân số; đặc biệt, 16 quận, huyện đã không còn hộ nghèo.

Hà Nội đã có bước thay đổi lớn về diện mạo đô thị, nông thôn. Nhiều dự án khu đô thị mới văn minh, hiện đại đã và đang hình thành tạo nên không gian đô thị, diện mạo mới cho Thủ đô sau 15 năm phát triển. Nhiều tuyến đường vành đai, trục hướng tâm, cầu được đầu tư, từng bước hình thành hệ thống giao thông đồng bộ, khép kín.Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực.

Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện từng bước, gắn với niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước được nâng lên. Sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội đã khẳng định được tầm vóc mới. Tuy nhiên, trên bước đường phát triển để trở thành một thành phố văn hiến, văn minh, hiện đại, Hà Nội vẫn còn ngổn ngang những vấn đề cần phải giải quyết.

Hiện, TP đang tập trung chỉ đạo thực hiện 3 nhiệm vụ lớn là lập Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và hoàn thiện hồ sơ sửa đổi Luật Thủ đô. Hà Nội quyết tâm hoàn thành các nội dung này để trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10 tới.

Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, với 132 nhiệm vụ, đề án thực hiện.

Ưu tiên phát triển công nghiệp văn hóa của Hà Nội
Cần tháo gỡ điểm nghẽn về phân cấp, phân quyền trong quản lý văn hóa
Nhật Nam
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động