Thứ năm 23/01/2025 20:15
"Hack" tài khoản ngân hàng:

Bài 2: 1001 chiêu lừa đảo mạo danh ngân hàng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Thực tế, không chỉ các chiêu trò cũ như giả danh người của cơ quan chức năng như cán bộ công an, Viện Kiểm sát, giả danh nhân viên truyền thông hoặc nhân viên sàn thương mại điện tử để tặng quà, các chiêu thức lừa đảo mạo danh ngân hàng tiếp tục khiến khá nhiều nạn nhân sa bẫy...
Bài 2: 1001 chiêu lừa đảo mạo danh ngân hàng
Đối tượng mạo danh ngân hàng để mời chào nâng hạn mức thẻ tín dụng. Ảnh: L.A

Mạo dang ngân hàng giả mời nâng hạn mức thẻ tín dụng

Nếu như vụ mất hơn 58 tỷ ở ngân hàng MSB thời gian vừa qua đã ban đầu xác định được đối tượng liên quan, thì tội phạm trộm cắp thông tin thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ hoặc tài khoản ngân hàng lại là các đối tượng khó xác định và nắm bắt.

Mới đây, MC Lê Anh có chia sẻ một câu chuyện mà anh đã gặp phải. Theo đó, một lần anh nhận được cuộc điện thoại của một người tự xưng là nhân viên ngân hàng mời mở thẻ tín dụng. Sau một hồi giới thiệu quy củ và bài bản, thì đối tượng “gạ” anh qua zalo để hỗ trợ mở thẻ tín dụng ngay.

Sau khi đồng ý kết bạn zalo, đối tượng tự giới thiệu mình là Trần Minh Hải, nhân viên của ngân hàng. Để tăng thêm phần hấp dẫn cho “chủ thẻ”, đối tượng đưa ra các mức ưu đãi, cụ thể: Được miễn phí thường niên trong vòng 3 năm; được rút tiền mặt tối đa 90% hạn mức thẻ còn 10% thì sẽ để lại ở trong thẻ để mua sắm tiêu dùng; số tiền đã sử dụng trước 45 ngày sẽ hoàn toàn không tính lãi suất, bắt đầu từ ngày 46 trở đi sẽ tự động cập nhật lãi suất cho thẻ là 1%/tháng/số tiền đã chi tiêu; khách hàng có thể rút hạn mức về thăng tài khoản giao dịch của mình để sử dụng…

Sau khi hỏi về nghề nghiệp về mức thu nhập, đối tượng tiếp tục “tư vấn”. Theo đó, đối tượng cho biết, có thể mở thẻ với hạn mức… 300 triệu đồng. “Anh hay đi máy bay thì em sẽ cộng thêm ưu đãi phòng chờ hạn thương gia cho anh tại các sân bay trên toàn thế giới” – “Hải” thuyết phục.

Sau khi cảm thấy “con mồi” đã siêu lòng, “Hải” bắt đầu hướng dẫn: “Anh đăng nhập vào ứng dụng vietinbank, chọn phần Dịch vụ thẻ rồi chụp màn hình gửi qua em hướng dẫn anh liên kết tạo thẻ tín dụng ạ.”

Sau khi thực hiện như “Hải” yêu cầu, “Hải” tiếp tục hướng dẫn: “Anh cần mở thẻ ghi nợ VPAY để thanh toán cho thẻ tín dụng anh nhé.”

Lúc này, khi thấy “con mồi” có vẻ chột dạ, “Hải” không ngần ngại show ngay căn cước công dân và thẻ ngân hàng có ảnh và tên Trần Minh Hải cho “con mồi” xem, đồng thời hướng dẫn “con mồi” nạp 60 triệu đồng vào tài khoản.

Sau khi “con mồi” hoàn tất các quy trình như hướng dẫn, “Hải” nhắn: “Hiện tại hồ sơ của anh đã đầy đủ rồi, bây giờ em gửi hồ sơ của anh lên hệ thống giúp anh vui lòng để ý điện thoại giúp em 10 – 15 phút sẽ có nhân viên của bộ phận thẩm định điện cho anh xét duyệt.”

Sau đó, có một cuộc điện thoại với một giọng nữ, “giọng rất tin cậy” – theo MC Lê Anh, hướng dẫn “con mồi” xác thực. “Để xác thực, anh cần tắt wifi 4G và không ngắt máy, để loa to ra để cuộc “duyệt” không bị đứt đoạn” – MC Lê Anh cho biết, anh đã làm theo.

Nó” hướng dẫn mình thao tác, mình thao tác thi thấy đúng có tin nhắn của VietinBank vào điện thoại. Có nội dung đã kích hoạt “Thẻ ghi nợ”. Sau đó, MC Lê Anh tiếp tục nhận được một tin nhắn nữa. “Khi nhìn thấy chữ OTP là mình bừng tỉnh, kèm dòng "tuyệt đối KHÔNG cung cấp OTP cho người khác" thì mình chột dạ”.

Lúc này giọng nữ trong điện thoại tiếp tục thúc giục “con mồi” đọc 6 số tiếp theo. Và khi được hỏi sao lại phải cung cấp mã OTP thì đối tượng giải thích là để hỗ trợ mở thẻ. Đồng thời khẳng định: “Em ở Vietin, em biết rõ anh nhận được tin nhắn, em còn đọc 4 số trong tin nhắn trước khi anh xác nhận mà!!! Nên em cũng biết 6 số OTP rồi, nhưng nguyên tắc là em phải yêu cầu anh đọc lên đúng thì em mới mở thẻ cho anh!” – “nhân viên” này nói.

Bài 2: 1001 chiêu lừa đảo mạo danh ngân hàng
Tin nhắn "giả" từ ngân hàng vietinbank như... thật. Ảnh: L.A

Mời chào dịch vụ rút tiền mặt từ thẻ tín dụng

“Mình mà không có tổ tiên phù hộ bảo "hãy chột dạ đi" thì thuận mồm, đang đà nó hỏi đọc cho nó 6 cái số tiếp theo (tức OTP) là đọc xong rồi đấy, và thế là đi teo 60 triệu đồng chắc trong 1 giây!” – MC Lê Anh hài hước.

Anh cũng chia sẻ thêm: “Nghĩ thấy may chỉ vì hôm nay mình tỉnh táo hơn một chút, chứ bao nhiêu người khác đang thiếu tập trung, chủ quan, tin người, bao ông già, bà trẻ, phụ nữ, thanh niên sống hồn nhiên... và bị lừa!” – anh nói.

Ngoài chiêu thức mạo danh ngân hàng mở hoặc nâng mức thẻ tín dụng, các cơ quan chức năng cũng cho biết, đối tượng sẽ dùng chiêu thức gọi điện/nhắn tin mời chào dịch vụ với nội dung rút tiền mặt từ thẻ tín dụng, dễ dàng đáo hạn hàng tháng hoặc chuyển trả góp với phí, lãi suất thấp để lôi kéo, dụ dỗ; sau khi người dân đồng ý, đối tượng yêu cầu người dân cung cấp ảnh chụp 2 mặt thẻ tín dụng, ảnh chụp 2 mặt thẻ CMND/CCCD, số tài khoản ngân hàng nhận giải ngân, mã hợp đồng gửi đến số điện thoại (thực chất là mã OTP của giao dịch trừ tiền từ thẻ tín dụng) và số tiền cần rút. Nếu người dân cung cấp các thông tin trên, đối tượng sẽ chiếm đoạt tiền trong thẻ tin dụng thông qua các giao dịch thanh toán mua sắm online, ví điện tử...

Cũng trước đó, CATP Hà Nội cũng nêu một trong các phương thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người qua việc hack thẻ tín dụng. Theo đó, bằng các thủ đoạn như Skimming (dùng máy cà thẻ ghi trộm dãy số trên thẻ); sử dụng phần mềm gián điệp để lấy thông tin gõ từ bàn phím; truy cập bất hợp pháp vào website, cơ sở dữ liệu để lấy cắp thông tin cá nhân, thông tin thẻ tín dụng; tạo ra một trang web bán hàng giả; thu thập, mua bán thông tin thẻ tín dụng trên một số diễn đàn của hacker…

Về chiêu thức lừa đảo mạo danh ngân hàng, mới đây, một số ngân hàng cũng gửi thông báo đến các khách hàng. Theo đó, tình trạng lừa đảo mạo danh ngân hàng, tổ chức tín dụng đang diễn biến phức tạp trên diện rộng trở lại với nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, thủ đoạn gần đây nhất để lừa đảo chiếm đoạt tiền là hỗ trợ đổi lại thẻ tín dụng.

Thông qua hình thức này, đối tượng lừa đảo sẽ xin đến trực tiếp gặp và yêu cầu đưa thẻ vật lý, điện thoại cùng mật khẩu app của khách hàng để lấy thông tin (số thẻ, số CVV), mã OTP và thực hiện giao dịch rút tiền từ thẻ tín dụng của khách hàng.

Ngoài ra, các ngân hàng cũng khuyến cáo, tội phạm công nghệ cao còn tạo ra hàng loạt website giả mạo, email giả mạo gần giống với website, email ngân hàng. Cụ thể, thông qua email giả mạo, đối tượng lừa đảo tiếp cận và chào mời khách hàng dịch vụ nâng hạn mức, dịch vụ hủy thẻ, miễn hủy phí thường niên… kèm đường link dẫn đến website ngân hàng giả mạo.

Nếu khách hàng nhập vào đường link, tội phạm mạng sẽ tiến hành thu thập thông tin, hình ảnh của khách hàng bao gồm: Hình ảnh căn cước công dân, ảnh chụp nhân dạng, ảnh chụp mặt trước, mặt sau thẻ tín dụng và mã OTP; sau đó khi thu thập thông tin, tội phạm mạng sẽ chiếm đoạt tiền qua giao dịch từ thẻ tín dụng hoặc chiếm đoạt tiền thông qua dịch vụ nâng điểm tín dụng bằng thông báo cáo tín dụng giả “CICB - Creditinfo” và yêu cầu khách hàng chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của đối tượng lừa đảo.

Theo đó, các ngân hàng yêu cầu khách hàng nâng cao cảnh giác và không cung cấp các dịch vụ mời chào nâng hạn mức qua điện thoại và các dịch vụ trái phép thông qua các cuộc gọi từ các số điện thoại giả mạo, email giả mạo…

(Còn nữa)

Bài 1: Thẻ trong ví, không giao dịch mua bán nhưng… bỗng dưng mất tiền Bài 1: Thẻ trong ví, không giao dịch mua bán nhưng… bỗng dưng mất tiền
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động