Bao giờ chấm dứt tình trạng bị phạt xong vẫn “lén lút” hoạt động?!
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCA huyện Thường Tín lấy lời khai của đối tượng Nguyễn Thị Lành |
Phạt thì phạt, vẫn tự ý nhận trông trẻ
Cơ quan CSĐT - CA huyện Thường Tín, Hà Nội đã ra quyết định tạm giữ hình sự hai cô giáo liên quan vụ cháu bé 17 tháng tuổi tử vong khi đi học tại nhóm trẻ tự phát ở xã Vạn Điểm. Cháu P.T.Đ, SN 2021, trú tại thôn Đặng Xá, xã Vạn Điểm tử vong khi đi học tại nhóm trẻ tự phát của hai cô giáo này. Cha mẹ của bé P.T.Đ là lao động tự do, gia cảnh khó khăn, công việc vất vả nên hàng ngày, từ 5h sáng bố bé đã phải ra khỏi nhà đi làm. Dù con còn nhỏ nhưng để mưu sinh, anh chị buộc lòng phải gửi cháu Đ. đến nhóm trẻ của Nguyễn Thị An và Nguyễn Thị Lành. Bé mới đi học chưa đến 2 tuần thì sự việc đau lòng xảy ra.
Theo tìm hiểu, cơ sở trông giữ do An và Lành “đứng lớp” có 6 trẻ được gửi, đều là các gia đình trong xã Vạn Điểm. Qua đấu tranh, 2 “bảo mẫu” đã khai nhận hành vi đánh đập, bạo hành bé trai khiến nạn nhân bị chấn thương sọ não, dẫn tới tử vong. Liên quan tới vụ việc trên, ông Nguyễn Như Ý, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thường Tín cho biết, cơ sở mầm non tại xã Vạn Điểm hoạt động tự phát. Cơ sở này từng bị UBND xã Vạn Điểm yêu cầu đóng cửa, xử phạt 2 lần do không đảm bảo điều kiện hoạt động. Lần xử phạt gần đây nhất vào đầu tháng 11/2022.
Ngay sau khi vụ việc đau lòng này xảy ra, Phòng GD&ĐT huyện Thường tín cũng đã có báo cáo gửi Sở GD&ĐT Hà Nội. Theo báo cáo, cơ sở này do 2 người có trình độ chuyên môn là trung cấp mầm non phụ trách và được thuê tại một gia đình ở thôn Vạn Điểm, xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín để làm địa điểm trông giữ trẻ. Tổng số trẻ học tại nhóm là 6 cháu.
Từ đầu năm học đến nay, trong các hội nghị giao ban với hiệu trưởng, Phòng GD&ĐT Thường Tín đã chỉ đạo các trường mầm non công lập thường xuyên nắm bắt thông tin các nhóm lớp được cấp phép và nhóm trẻ tự phát trên địa bàn để kịp thời báo cáo, tham mưu UBND xã tiến hành rà soát, kiểm tra các điều kiện hoạt động.
Khi phát hiện ra nhóm trẻ tự phát ở xã Vạn Điểm, Hiệu trưởng Trường Mầm non Vạn Điểm đã báo cáo lãnh đạo xã Vạn Điểm. Tháng 11/2022, UBND xã đã tiến hành kiểm tra nhóm trẻ gia đình này. Do không đủ điều kiện hoạt động theo quy định, UBND xã Vạn Điểm đã có văn bản yêu cầu nhóm trẻ này tháo dỡ biển và dừng hoạt động, tuy nhiên, cơ sở này hằng ngày đóng cửa nhưng vẫn tự ý đón trẻ.
Một người dân ở đây cho biết, nhóm lớp này đã hoạt động khoảng 4 năm nay, do một cô giáo có kinh nghiệm mở. Sau đó, nhóm lớp có thêm hai cô giáo Nguyễn Thị An và Nguyễn Thị Lành. Thời gian gần đây, cô giáo mở lớp ban đầu đã nghỉ và bàn giao lại cho hai cô An - Lành quản lý. Theo lời khai, An cho biết đã tốt nghiệp trung cấp sư phạm, được huấn luyện kỹ năng chăm sóc trẻ. Lớp của An và Lành đang trông coi khoảng 6 cháu. Trông các bé em cũng rất áp lực. Hàng ngày, công việc của An là đi chợ, cho các cháu ăn uống và vệ sinh, trả trẻ. Còn Lành cho biết đã cùng An trông trẻ tại cơ sở trên khoảng 1 năm nay.
Nhóm trẻ tự phát ở xã Vạn Điểm, Thường Tín, Hà Nội - nơi xảy ra sự việc đau lòng. |
Hồi chuông cảnh tỉnh phụ huynh và cả cơ quan chức năng
Theo TS. Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp), Ủy viên ban chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em, qua điều tra, nghiên cứu về tình hình tội phạm bạo hành, xâm hại trẻ em có thể thấy rằng phần lớn các vụ việc giáo viên xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của trẻ em đều là những người không được đào tạo bài bản hoặc vụ việc xảy ra ở các cơ sở giáo dục tư thục, thiếu sự quản lý của nhà nước. Các bảo mẫu thường là những người chuyển ngành, trái ngành hoặc không có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, không được đào tạo bài bản.
Đây là hạn chế của công tác quản lý giáo dục trong thời gian qua ở một số địa phương. Ngoài việc xử lý nghiêm khắc với các đối tượng giết trẻ em thì cơ quan chức năng cũng cần tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động giáo dục để kịp thời phát hiện ra các cơ sở giáo dục chui, hoạt động giáo dục không đúng pháp luật, các giáo viên, cán bộ, nhân viên không có bằng cấp chứng chỉ phù hợp để đảm bảo an toàn cho các em học sinh, tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra.
Việc nhóm trẻ hoạt động trong điều kiện không đảm bảo an toàn, các điều kiện còn thiếu thốn, ẩm thấp mất vệ sinh có nguy cơ gây bệnh cho trẻ. Phòng GD&ĐT đã phát hiện và lập biên bản 2 lần. Tuy nhiên cần có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương hơn nữa. Đặc biệt, bảo mẫu ở nhóm trẻ này không được đào tạo cơ bản, thiếu kiến thức, thiếu hiểu biết, liều lĩnh trong việc trông giữ trẻ.
Còn đối với các cô giáo, bảo mẫu khi đã xác định là giáo viên mầm non cần phải yêu thương trẻ, yêu nghề, gắn bó với nghề. Nếu trông trẻ vì mưu sinh thì không nên trở thành giáo viên mầm non. Có người cho rằng giáo viên bạo hành trẻ là do áp lực. Đây là thuộc vào vấn đề đạo đức chứ không phải do áp lực. Khi xảy ra sự việc đáng tiếc, không thể đỗ lỗi cho áp lực để gây ra bạo hành trẻ em, như thế là vi phạm nghiêm trọng đến quyền trẻ em.
Đối với các gia đình khi chọn trường cho con cần tìm hiểu các cơ sở giáo dục mầm non có đủ điều kiện trông giữ trẻ hay không, đội ngũ giáo viên có đảm bảo chất lượng hay không... Bố mẹ không nên gửi trẻ ở những nhóm trẻ không được cấp phép. Dù xuất phát từ nhu cầu của hai bên phụ huynh và người trông trẻ nhưng việc tự tổ chức những nhóm chăm sóc trẻ tự phát tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho trẻ. Vụ việc là hồi chuông cảnh tỉnh phụ huynh trong việc lựa chọn gửi con ở những cơ sở mầm non tư thục, nhóm trẻ tự phát mà còn với cả cơ quan chức năng trong công tác quản lý.
TS Đặng Văn Cường cho biết: “Hành vi của hai nữ giáo viên trong vụ bé trai 17 tháng tử vong ở Thường Tín, Hà Nội là vô cùng tàn nhẫn, mất tính người. Với kết quả điều tra ban đầu, hai đối tượng này sẽ bị xử lý về tội Giết người với nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như giết người dưới 16 tuổi, hành vi có tính chất côn đồ nên sẽ phải đối mặt phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình”. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại