Bảo vệ người tiêu dùng giữa ma trận hàng giả, hàng nhái
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Ảnh minh họa. |
Thị trường đầy tiềm năng nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro
Với hơn 100 triệu dân, chiếm khoảng 1,23% dân số thế giới, Việt Nam sở hữu một thị trường đầy tiềm năng, đặc biệt khi nằm gần các cường quốc như Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia ASEAN. Theo khảo sát, trung bình mỗi người tiêu dùng Việt Nam thực hiện mua sắm trực tuyến khoảng 4 lần mỗi tháng. Điều này đã cho thấy sự phổ biến của hình thức mua sắm mới, đồng thời mở ra nhiều cơ hội kinh doanh cho các DN trong nước.
Tuy nhiên, đi kèm với những lợi ích đó là không ít rủi ro. Trên các sàn TMĐT như: Shopee, Lazada, Tiki hay TikTok Shop, người tiêu dùng dễ dàng bắt gặp những sản phẩm được quảng cáo hấp dẫn, giá rẻ bất ngờ. Nhưng phía sau mức giá rẻ là nguy cơ tiềm ẩn khi nhiều sản phẩm trong số đó là hàng giả, hàng nhái, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Công Thương cũng đã thực hiện các chương trình, kế hoạch cụ thể. Trong đó nổi bật là chỉ đạo các đơn vị tiếp tục triển khai hiệu quả Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT đến năm 2025. “Từ khi triển khai Đề án đến nay, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý 4.000 vụ liên quan đến thương mại điện tử, xử phạt vi phạm hành chính gần 63 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm gần 40 tỷ, chuyển cơ quan điều tra 3 vụ”- Thứ trưởng thông tin.
Tuy nhiên, việc giám sát, truy xuất giao dịch trực tuyến trên không gian mạng vẫn gặp nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân đó là ý thức người tiêu dùng vẫn còn hạn chế, trong khi nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng tăng. Nhiều cá nhân, DN vẫn chưa chủ động trong việc nhận biết, phòng tránh hàng giả. Các chế tài xử lý chưa đủ mạnh…
Tăng cường phối hợp, truy vết và xử lý
Theo các chuyên gia, để thị trường TMĐT phát triển đúng hướng, lành mạnh, cần có sự phối hợp đồng bộ và chặt chẽ giữa các ngành chức năng. Việc trao đổi thông tin, kiểm tra, kiểm soát hàng hóa có dấu hiệu vi phạm cần được tăng cường, đặc biệt đối với các hình thức kinh doanh như bán hàng trực tuyến qua việc phát trực tiếp trên Facebook, TikTok, YouTube…
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận và hàng giả trên môi trường số, cần tiếp tục thúc đẩy phát triển hạ tầng công nghệ số phục vụ quản lý. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu liên thông giữa các cơ quan chức năng sẽ hỗ trợ phối hợp hiệu quả, giúp phát hiện sớm vi phạm trong TMĐT. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của các sàn TMĐT theo đúng quy định pháp luật.
Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả Nguyễn Văn Dũng cũng cho rằng, bên cạnh công tác xử lý vi phạm, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cộng đồng. Theo ông Nguyễn Văn Dũng, một khi người tiêu dùng hiểu rõ quyền lợi của mình và biết cách tự bảo vệ bản thân trước những cám dỗ giá rẻ, những thủ đoạn bán hàng tinh vi, thì hành vi gian lẫn thương mại sẽ không còn “đất sống”. Việc tạo ra một môi trường mua sắm trực tuyến, minh bạch là nền tảng để phát triển vững chắc TMĐT.
Ở góc độ DN, nhiều ý kiến cho rằng, cần tăng cường hợp tác giữa các đại diện thương hiệu, cơ quan chức năng và nền tảng TMĐT. Việc thiết lập kênh tiếp nhận thông tin phản hồi từ người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm sẽ giúp phát hiện, xử lý hàng hóa nhanh chóng và hiệu quả hơn. Đồng thời, cần thúc đẩy thông tin giúp các tiểu thương, người bán hàng nhỏ lẻ nhận biết rõ ràng hơn về hậu quả của việc buôn bán hàng giả.
TMĐT là xu thế không thể đảo ngược, nhưng để phát triển bền vững, môi trường số cần được “làm sạch” bằng các giải pháp mạnh tay từ quản lý Nhà nước, trách nhiệm của DN và người tiêu dùng. Chỉ khi các bên cùng vào cuộc quyết liệt, mới có thể ngăn chặn được hàng giả, hàng nhái đang lẩn khuất trong từng cú click mua hàng mỗi ngày.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2025, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý hơn 34.000 vụ vi phạm. Trong đó, có hơn 8.200 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; hơn 25.100 vụ gian lận thương mại, thuế; trên 1.100 vụ hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ. Tổng số tiền thu nộp ngân sách đạt hơn 4.897 tỷ đồng; khởi tố gần 1.400 vụ, hơn 2.100 đối tượng bị điều tra, xử lý. |
![]() | Ứng dụng chuyển đổi số trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả |
![]() | Temu bị phạt gần 1 triệu USD vì vi phạm bảo mật dữ liệu người dùng |

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại