Chủ nhật 06/07/2025 18:13

Trí tuệ nhân tạo AI – công nghệ thay đổi sân khấu nghệ thuật Việt

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần hiện diện rõ nét trong đời sống nghệ thuật Việt Nam. Không chỉ góp mặt ở khâu hậu trường, AI đang mở ra hướng đi mới trong dàn dựng, thiết kế mỹ thuật, quản lý tác phẩm và tương tác với khán giả, tạo nên một diện mạo sân khấu hiện đại, linh hoạt và gần gũi hơn với công chúng.
Mai Hắc Đế - vở diễn đầu tiên của Nhà hát Cải lương Việt Nam đưa màn LED vào hỗ trợ trang trí sân khấu.
"Mai Hắc Đế" là vở diễn đầu tiên của Nhà hát Cải lương Việt Nam đưa màn LED vào hỗ trợ trang trí sân khấu. Ảnh: SK&ĐS

Làn gió mới từ hậu trường

Không thể phủ nhận rằng công nghệ, đặc biệt là AI, đang góp phần làm thay đổi quy trình tổ chức và vận hành sân khấu. Nhiều nhà hát lớn như Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi Trẻ hay Nhà hát Cải lương Việt Nam đã triển khai số hóa dữ liệu, áp dụng phần mềm quản lý kịch mục, thiết kế sân khấu 3D, đồng thời tăng cường tương tác trực tuyến thông qua nền tảng số.

Nhà hát Cải lương Việt Nam lần đầu sử dụng màn hình LED cho các vở như “Mai Hắc Đế”, “Vua Phật” mô phỏng phông nền chất lượng cao, hỗ trợ chuyển cảnh linh hoạt và tăng chiều sâu biểu cảm. Những công nghệ này giúp xóa bỏ hạn chế không gian truyền thống, tạo ra hiệu ứng “đã mắt – đã tai”, đồng thời giảm thời gian chuyển cảnh và chi phí thiết kế.

Theo Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), việc ứng dụng AI vào thiết kế mỹ thuật, ánh sáng và âm thanh đã giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và nhân lực đáng kể. Các công nghệ dựng cảnh ảo, mô phỏng chuyển động, ánh sáng tương tác theo hành vi diễn viên được áp dụng ở một số vở thử nghiệm, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.

Đặc biệt, dữ liệu số do AI xử lý đang giúp đơn vị nghệ thuật dễ dàng truy cập kho tư liệu kịch bản, phục trang, dàn diễn viên... Điều này không chỉ hỗ trợ bảo tồn mà còn mở rộng khả năng tái sử dụng tài nguyên nghệ thuật trong quá trình sáng tạo.

Dù AI đang đóng vai trò ngày càng rõ ràng trong đời sống sân khấu, nhưng giới chuyên môn cho rằng, công nghệ này chỉ nên đóng vai trò hỗ trợ, không thể thay thế cảm xúc, rung động – những giá trị cốt lõi tạo nên bản sắc sân khấu truyền thống.

Trí tuệ nhân tạo AI – công nghệ thay đổi sân khấu nghệ thuật Việt
Vở cải lương "Cánh cửa khép hờ" có đề tài viễn tưởng, lồng ghép việc biến đổi gen, công nghệ AI. Ảnh: BTC

Khi đề tài AI bước lên sân khấu

Một trong những dấu mốc đáng chú ý là việc Nhà hát Cải lương Việt Nam đưa công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo trở thành nội dung chính của vở cải lương “Cánh cửa khép hờ” của tác giả Hoàng Song Việt – Triệu Trung Kiên, do chính NSND Triệu Trung Kiên dàn dựng. Lần đầu tiên trong lịch sử sân khấu cải lương, các khái niệm về “cyborg”, “biến đổi gen” hay “trí tuệ nhân tạo” được lồng ghép vào kịch bản để khai thác các xung đột đạo đức, xã hội và nhân tính trong bối cảnh hiện đại.

Theo đạo diễn Triệu Trung Kiên, vở diễn không chỉ nhằm mục đích đổi mới đề tài, mà còn thể hiện nỗ lực của các nghệ sĩ cải lương trong việc hội nhập với dòng chảy công nghệ của thế giới. Việc kết hợp các yếu tố viễn tưởng với hình thức thể hiện truyền thống cho thấy tính thích ứng mạnh mẽ của sân khấu cải lương Việt trong thời đại mới.

Bên cạnh việc làm mới quy trình và nội dung, AI còn đang tạo nên bước ngoặt trong mối quan hệ giữa sân khấu và công chúng. Những hình thức sân khấu tương tác, nơi khán giả có thể tham gia vào việc định hình diễn biến câu chuyện, bắt đầu được thử nghiệm tại một số sân khấu thử nghiệm ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Thông qua các ứng dụng di động, website hoặc mã QR, người xem có thể lựa chọn kết thúc vở diễn, quyết định hành động của nhân vật hoặc đánh giá cảm xúc theo thời gian thực. Dữ liệu thu thập từ khán giả được AI phân tích để cải thiện kịch bản, dàn dựng và cách thức tổ chức biểu diễn. Điều này không chỉ nâng cao trải nghiệm người xem, mà còn giúp nhà hát điều chỉnh nội dung phù hợp với từng đối tượng khán giả.

Sự hiện diện ngày càng sâu của AI trên sân khấu Việt đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Việc ứng dụng AI đòi hỏi nghệ sĩ không chỉ giỏi chuyên môn mà còn cần hiểu biết cơ bản về công nghệ. Một số đơn vị đã bắt đầu thành lập tổ chuyển đổi số riêng trong nhà hát, nhưng số lượng còn hạn chế.

Vấn đề quan trọng nhất là giữ gìn giá trị truyền thống trong quá trình đổi mới. AI không thể tái tạo cảm xúc con người một cách chân thật như ánh mắt, giọng nói, nhịp thở của nghệ sĩ trên sân khấu. Vì thế, sân khấu Việt cần một chiến lược phát triển cân bằng giữa công nghệ và con người – nơi AI hỗ trợ, còn trái tim nghệ sĩ vẫn là trung tâm của tác phẩm. Chỉ khi công nghệ và nghệ thuật cùng song hành, sân khấu Việt mới có thể thực sự bứt phá trong thời đại số.

Cận cảnh sân khấu nổi và khán đài ngoài trời ở hồ Hoàng Cầu đang dần thành hình
Vở nhạc kịch về Bí thư Thành ủy chính thức đầu tiên của Đảng bộ thành phố Hà Nội trở lại sân khấu
Hà Nội tiên phong lan tỏa giá trị nông sản và tinh hoa làng nghề Việt
Vân Lê
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động