Thứ năm 23/01/2025 02:46

Bất an với thực phẩm “3 không” quanh trường học

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Đằng sau màu sắc bắt mắt, mùi vị thơm ngon, giá thành rẻ… các món ăn vặt “3 không” quanh các cổng trường học tại Hà Nội khiến nhiều người không khỏi lo ngại về vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP).
Bất an với thực phẩm “3 không” quanh trường học

Dọc nhiều ngõ, tuyến phố xung quanh các trường học, hàng chục xe đẩy bán đồ ăn vặt hoạt động tấp nập, nhộn nhịp. Ảnh: Tuyết Linh

Xe bán hàng rong “mọc như nấm”

Cứ đến giờ tan học 16h30 là thời điểm các sạp bán hàng ăn rong bủa vây các cổng trường học. Trên các xe đẩy tự chế, người bán hàng rong trưng bày phong phú các món ăn vặt yêu thích của giới trẻ. Từ thịt nướng, xiên que phô mai, bánh mì, xúc xích, bánh tráng trộn…

Khảo sát quanh khu vực ngõ 130 Xuân Thủy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) tụ điểm của hàng chục xe bán hàng đồ ăn sẵn, trong đó món xiên que trở thành món ăn “khoái khẩu” của giới trẻ. Trên vai đeo cặp sách, nhóm sinh viên, học sinh vừa thưởng thức xiên que nóng hổi, vừa rôm rả trò chuyện. Vì món ăn chế biến sẵn, giá thành cho mỗi xiên chỉ dao động từ 2.000 - 10.000 đồng với đầy đủ màu sắc, hương vị thơm ngon nên rất “được lòng” giới học sinh, sinh viên.

Bất an với thực phẩm “3 không” quanh trường học
Các quầy bán hàng rong không tủ kính, thực phẩm không nhãn mác, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Ảnh: Tuyết Linh

Bạn Ngọc Anh (sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết: “Sau giờ học cuối ngày, chúng tôi thường rất đói. Xiên que là món đầu tiên chúng tôi nghĩ tới vì chúng vừa rẻ, nhiều hương vị, tha hồ chọn lựa. Đi nhóm càng đông, càng được ăn thử nhiều loại, tính ra chi phí mỗi người khoảng 30.000 đồng đã có một bữa xế chiều ấm bụng”.

Mục sở thị món ăn vặt hút giới trẻ, người viết vô cùng bất ngờ khi chứng kiến hình ảnh chảo dầu đã ngả đen do được tận dụng để chiên lại nhiều lần. Các túi đồ viên đông lạnh được để trong các thùng xốp đặt dưới đất. Những can dầu ăn và sốt chấm không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, các túi đồ chiên đông lạnh không rõ ngày sản xuất và hạn sử dụng được người bán hàng rong vô tư chế biến để phục vụ khách hàng.

Theo quan sát của PV, sau khi một thực khách ăn xong và thanh toán, số xiên que thừa không được người bán bỏ vào thùng rác. Chúng được người bán hàng để riêng ra một khay đựng khác ngay cạnh nồi dầu chiên đã ngả đen. Trước thắc mắc của phóng viên về số xiên que đã được khách hàng sử dụng, người bán hàng chỉ cười trừ và lảng tránh câu hỏi.

Bất an với thực phẩm “3 không” quanh trường học
Người bán hàng không vứt bỏ những viên chiên thừa đã sử dụng, để riêng sang một khay khác. Ảnh: Tuyết Linh

Ghi nhận thực tế tại phố Phan Văn Trường (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng là địa điểm tập trung các sạp bán hàng rong. Từ hoa quả dầm, xiên que, nước hoa quả đóng chai…Điểm chung của các sạp hàng bán đồ ăn sẵn, không có tủ bảo quản, đặt ở khu vực đầu tuyến phố có nhiều phương tiện đi lại dễ bám bụi, nhiễm khuẩn. Các khu vực chế biến không đảm bảo vệ sinh, ruồi nhặng bay qua lại gây mất vệ sinh ATTP. Chưa kể, các nước hoa quả đóng chai sẵn không nhãn mác, xuất xứ rõ ràng.

Bên cạnh những xe đẩy bán đồ ăn chế biến tại chỗ, những gói quà vặt, bánh kẹo, chai nước qua quả nhiều màu không rõ nguồn gốc được bày bán tràn lan tại cổng các trường học. Quan sát thực tế tại cổng trường THCS Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) và cổng trường THCS Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), hàng chục học sinh tụ tập tại các cửa hàng, sạp hàng để mua những túi đồ ăn vặt. Giá thành rẻ dao động từ 1.000 - 2.000 đồng/túi, các món quà vặt có bao bì bắt mắt, nhiều sắc màu. Hương vị cay cay, ngọt ngọt, mặn mặn rất lôi cuốn các “thượng đế nhí”.

Tại sạp tạp hóa gần trường THCS Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội), chủ cửa hàng đon đả cho biết: “Giá rẻ nên các con thoải mái mua. Chỉ từ 1.000 đồng, 2.000 đồng, ít hay nhiều, bà cũng bán”. Trước sức hút của những đồ ăn và sự nhiệt tình của người bán hàng, em nhỏ nào mua ít từ 1-2 gói. Với những em mua nhiều, mỗi em cầm 1 túi ni lông đựng nhiều loại: tăm cay, nem nướng phên, thạch dừa,....

Bất an với thực phẩm “3 không” quanh trường học

Sạp hàng bán đầy đủ các loại bim bim, kẹo ngọt,....nhiều màu sắc thu hút đông đảo học sinh tới mua hàng. Ảnh: Tuyết Linh

Thích thú đếm từng món ăn vặt trong túi, em Linh Đan (học sinh lớp 7, THCS Nghĩa Tân) cho biết: “Một tuần, em mua 2 lần. Em dùng tiền ăn sáng còn thừa để mua quà vặt. Thạch dừa giá 1.000 đồng, nem nướng phên chỉ 2.000 đồng. Em thấy vừa rẻ, vừa ngon”.

Ngay cổng trường THCS Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), đông đảo học sinh vây quanh chiếc xe đẩy bán những ly nước xanh, đỏ, nhiều sắc màu. Những ly nước với hương vị thơm ngọt, kèm với những sợi thạch, trân châu dai giòn được các “thượng đế nhí” đánh giá rằng: “uống rất giải khát, vui miệng”.

“Đứng ngồi không yên” vì nguy cơ ngộ độc thực phẩm

Việc tiêu thụ thực phẩm đường phố, đặc biệt là những món ăn được chế biến sẵn và bày bán ở những nơi không đảm bảo vệ sinh, đang là mối lo ngại lớn. Theo Cục ATTP, Bộ Y tế, do điều kiện vệ sinh không đảm bảo, nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, các thức ăn đường phố, quà vặt cổng trường đều tiềm ẩn những vi khuẩn, tiêu biểu nhất là vi khuẩn E.Coli. Loại vi khuẩn này là tác nhân chính dẫn đến các bệnh về đường tiêu hóa như tiêu chảy, đau bụng, khuẩn gây tả, …

Bất an với thực phẩm “3 không” quanh trường học
Khu vực chế biến đồ ăn tràn ngập trong rác, không đảm bảo vệ sinh. Ảnh: Tuyết Linh

Trước cảnh báo về vấn đề ATTP, chị Ngọc Luyến (phụ huynh học sinh lớp 6, THCS Nghĩa Tân) e ngại: “Tôi thực sự rất lo lắng. Hôm nào đến đón con, tôi cũng thấy nhiều bạn tụ tập tại các xe đẩy ăn xiên que, mua tăm cay. Nhiều hôm, con cũng đòi mua nhưng tôi tuyệt đối không đồng ý. Người bán họ mới biết, còn phụ huynh, học sinh khó nắm rõ được nguồn gốc, xuất xứ các sản phẩm này”.

Chị Thanh Huyền (phụ huynh học sinh lớp 8, trường THCS Mễ Trì) bày tỏ: “Tôi thấy lực lượng chức năng đi kiểm soát được một thời gian rồi các cửa hàng lại tái phạm. Giờ tôi chỉ biết chủ động chuẩn bị đồ ăn sáng cho con để con không phải mua đồ ăn ở ngoài. Tôi thường chỉ đưa con đủ tiền để mua đồ dùng học tập, luôn dặn dò con không được ăn quà vặt, uống nước ngọt ngoài cổng trường”.

Bất an với thực phẩm “3 không” quanh trường học
Thay vì về thẳng nhà, nhiều em học sinh nán lại, lấp đầy chiếc bụng đói bằng những món quà vặt yêu thích. Ảnh: Tuyết Linh

Việc xử phạt các hành vi vi phạm ATTP đối với các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố không phải là điều dễ dàng. Nhiều cơ sở thường có tâm lý đối phó, chỉ tuân thủ khi có đoàn kiểm tra. Nguyên nhân chính là do ý thức về ATTP của một bộ phận người kinh doanh còn hạn chế. Họ đặt lợi nhuận lên hàng đầu, bỏ ngỏ vấn đề an toàn sức khỏe của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn vì lực lượng mỏng, mức xử phạt hành chính còn nhẹ, chưa có tính răn đe.

Bạn Hồng Nhung (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ: “Việc quản lý, kiểm soát ATTP với các quán ăn, đặc biệt là những quán ăn tự phát rất khó khăn do số lượng lớn và có sự phân tán. Khi phát hiện các cơ sở vi phạm, việc xử phạt nghiêm khắc ngay từ đầu là vô cùng cần thiết để răn đe và ngăn chặn tình trạng vi phạm tái diễn. Với những quán bán đồ ăn ở cổng trường, nhà trường và phụ huynh nên tăng cường trao đổi để cùng nhau đưa ra những giải pháp phù hợp nhất”.

Ngày 11/7/2024, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 210/KH-UBND về chuyên đề "Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong và chung quanh cổng trường học trên địa bàn". Để thực hiện tốt kế hoạch, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, người dân và sự chung tay của cả cộng đồng trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người kinh doanh, người tiêu dùng về tầm quan trọng của vệ sinh ATTP trên địa bàn TP.

Nhập nhèm mua bán thực phẩm ở “chợ online”: quy định còn chưa rõ ràng Nhập nhèm mua bán thực phẩm ở “chợ online”: quy định còn chưa rõ ràng
Quận Long Biên: chú trọng công tác an toàn thực phẩm dịp cuối năm Quận Long Biên: chú trọng công tác an toàn thực phẩm dịp cuối năm
Hoa mắt trước “ma trận” yến sào không nhãn mác tràn lan trên mạng xã hội Hoa mắt trước “ma trận” yến sào không nhãn mác tràn lan trên mạng xã hội
Mộc Miên - Tuyết Linh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động