Thứ hai 31/03/2025 22:17

Bé 4 tuổi tử vong vì sởi: cảnh báo hệ lụy khôn lường của phong trào chống vaccine

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, một bé gái 4 tuổi ở Hà Nội vừa qua đời vì sởi sau những nỗ lực cứu chữa bất thành của các bác sĩ. Đáng chú ý, bé chưa từng được tiêm các loại vaccine quan trọng, bao gồm cả vaccine sởi.
Bé 4 tuổi tử vong vì sởi: cảnh báo hệ lụy khôn lường của phong trào chống vaccine
Ảnh minh họa

Theo đó, trẻ là con thứ ba trong gia đình có ba con, sống tại nội thành Hà Nội được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng khó thở và tím tái. Đánh giá tình trạng khi nhập viện, kết hợp với các xét nghiệm và thăm dò, các bác sĩ chẩn đoán trẻ mắc sởi, tổn thương phổi nặng với hội chứng suy hô hấp cấp tính tiến triển (acute respiratory distress syndrome - ARDS), đáp ứng viêm toàn thân quá mức trong tình trạng cơn bão cytokine (cytokine storm), cùng các tạng gan, thận và hệ thống tuần hoàn đều có biểu hiện suy sụp.

Các bác sĩ đã thực hiện các biện pháp cấp cứu và hồi sức tích cực như lọc máu, áp dụng tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO) để cứu bệnh nhi. Tuy nhiên do tình trạng quá nặng, trẻ đã không qua khỏi.

Qua khai thác tiền sử, các bác sĩ nhận thấy mặc dù đã 4 tuổi, nhưng trẻ mới chỉ được tiêm một liều vaccine viêm gan ngay sau sinh và một mũi vaccine BCG trong vài tuần sau đó. Trong khi, tất cả các vaccine cần thiết để chống lại các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, trong đó có bệnh sởi, trẻ đều không được tiêm. Hỏi thêm về tiền sử tiêm chủng của các trẻ khác trong gia đình, đều có tình trạng tương tự. Điều này khiến các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhi là nạn nhân của tình trạng do dự hoặc chống đối vaccine.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), do dự vaccine là tình trạng chần chừ hoặc từ chối tiêm chủng dù vaccine đã có sẵn. Nguyên nhân có thể đến từ sự hiểu sai về an toàn vaccine, tâm lý chủ quan vì bệnh truyền nhiễm ít gặp, hoặc ảnh hưởng tiêu cực từ các thông tin sai lệch trên mạng xã hội. Một số người thậm chí tin rằng cơ thể có thể tự chống lại bệnh tật mà không cần tiêm vaccine.

Theo TS.BS Lê Kiến Ngai - Trưởng Khoa Dự phòng và KSNK, Bệnh viện Nhi Trung ương, hậu quả của do dự vaccine không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân mà còn tác động đến cả cộng đồng. Trẻ không được tiêm phòng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, khi nhiễm bệnh sẽ diễn biến nặng và dễ gặp biến chứng nguy hiểm. Đồng thời, tỷ lệ bao phủ vaccine giảm sẽ tạo điều kiện cho các dịch bệnh từng bị kiểm soát quay trở lại, đẩy hệ thống y tế vào tình trạng quá tải. Những đợt bùng phát sởi, ho gà hay COVID-19 trong những năm gần đây là minh chứng rõ ràng.

Bên cạnh do dự vaccine, một số nhóm người còn tích cực chống đối vaccine, lan truyền thông tin sai lệch rằng vaccine không hiệu quả, gây hại cho sức khỏe, thậm chí liên quan đến các thuyết âm mưu như gây tự kỷ hay vô sinh. Hoạt động của các nhóm này chủ yếu diễn ra trên mạng xã hội, tạo ra làn sóng hoài nghi, khiến nhiều người do dự trong quyết định tiêm chủng.

Tình trạng này không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà còn là vấn đề toàn cầu. Báo cáo của UNICEF cho thấy trong hơn ba năm đại dịch COVID-19, có 67 triệu trẻ em trên thế giới bỏ lỡ một hoặc nhiều liều vaccine do gián đoạn tiêm chủng, quá tải hệ thống y tế và sự lan truyền thông tin sai lệch. Tại Mỹ, tỷ lệ cha mẹ từ chối tiêm vaccine cho con đã tăng từ 1% năm 2006 - 2007 lên 2,6% vào năm 2021 - 2022. Việt Nam chưa có nhiều nghiên cứu về vấn đề này, nhưng một khảo sát tại Hà Nam cho thấy 25,1% người dân do dự tiêm vaccine COVID-19 vì lo ngại tác dụng phụ và tin tưởng vào miễn dịch tự nhiên.

Theo các chuyên gia, do dự vaccine có thể được giải quyết bằng giáo dục và truyền thông y tế, nhưng chống đối vaccine là một thách thức lớn hơn. Để tăng cường tỷ lệ tiêm chủng và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, cần có sự phối hợp giữa ngành y tế, truyền thông và các nền tảng mạng xã hội.

Cung cấp thông tin chính xác, dễ hiểu về lợi ích và tính an toàn của vaccine để xóa bỏ hiểu lầm.

Nâng cao vai trò của nhân viên y tế, vì họ có ảnh hưởng lớn đến quyết định tiêm chủng của bệnh nhân.

Kiểm soát thông tin sai lệch trên mạng xã hội, hợp tác với các nền tảng để ngăn chặn tin tức giả mạo về vaccine.

Tổ chức các chiến dịch truyền thông để nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của tiêm chủng.

Tại sao đứng lâu, mặc quần bó lại có thể gây vô sinh?
Sởi diễn biến phức tạp: phụ huynh cần chủ động tiêm phòng cho trẻ
Bảo Long
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Bình luận
Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động