Thứ sáu 24/01/2025 15:39
Đề án Khám chữa bệnh từ xa:

Bệnh nhân tuyến dưới được “chuyển tuyến ảo”, khám chữa bệnh chuyên sâu bởi các chuyên gia đầu ngành

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hệ thống tư vấn, khám chữa bệnh từ xa chuyên sâu dành cho hồi sức cấp cứu (Tele-ICU) tại Trung tâm Cấp cứu A9 - BV Bạch Mai chính thức được khởi động thử nghiệm từ tháng 4-2021, kết nối thí điểm với bệnh viện đa khoa (BVĐK) Hùng Vương (Phú Thọ) và BVĐK tỉnh Yên Bái.

Với BV Bạch Mai, triển khai thử nghiệm hệ thống Tele-ICU là bước đi tiếp theo trong lộ trình góp phần thực hiện Quyết định 2628/QĐ-BYT ngày 22-06-2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020-2025, bên cạnh nhiều hoạt động đã và đang triển khai tích cực, hiệu quả tại BV Bạch Mai như hội chẩn, tư vấn, khám, chữa bệnh từ xa thường quy, tư vấn y tế thường thức cho người dân.

Bệnh nhân tuyến dưới được “chuyển tuyến ảo”, khám chữa bệnh chuyên sâu bởi các chuyên gia đầu ngành
Hệ thống tư vấn, khám chữa bệnh từ xa chuyên sâu dành cho hồi sức cấp cứu (Tele-ICU) mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân

Áp dụng hệ thống Tele-ICU, bệnh nhân tại 2 bệnh viện tuyến dưới sẽ được “chuyển tuyến ảo” dưới sự thăm khám, hỗ trợ điều trị từ xa của các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành tại BV Bạch Mai nhờ giải pháp công nghệ tiên tiến này.

Cụ thể, các phiên “đi buồng điện tử” và thực hiện “chuyển tuyến ảo” bệnh nhân qua hệ thống Tele-ICU được tiến hành theo đúng quy trình kết nối điều trị cho bệnh nhân tại BVĐK Hùng Vương và BVĐK tỉnh Yên Bái.

Trên hệ thống Tele-ICU, theo thời gian thực, toàn bộ hồ sơ tóm tắt bệnh án, các chỉ số sinh hiệu và hình ảnh thực tế của người bệnh từ tuyến dưới đều được truyền tải trực tiếp, chi tiết và liên tục qua các thiết bị chuyên dụng về trung tâm chỉ huy (Command Center) đặt tại BV Bạch Mai.

Sau khi nhận được tóm tắt bệnh án của người bệnh bao gồm thông tin chung, tiền sử, bệnh sử, chẩn đoán sơ bộ, kết quả cận lâm sàng, quá trình điều trị,… các bác sĩ, chuyên gia của BV Bạch Mai ngay lập tức hỗ trợ bác sĩ tuyến dưới hội chẩn và tư vấn chỉ định phác đồ điều trị cho người bệnh.

Đặc biệt, những nội dung thực hiện trong quá trình “đi buồng điện tử” đều được cập nhật đồng bộ vào hồ sơ tóm tắt bệnh án để các bác sĩ ở các ca trực tiếp theo có thể nắm bắt và tiếp tục điều trị cho bệnh nhân. Điều này giúp cho quá trình điều trị bệnh nhân được liên tục, đảm bảo tính thống nhất đồng thời cũng là cơ sở dữ liệu cho những nghiên cứu y khoa chuyên sâu.

PGS.TS. Đào Xuân Cơ, Phó Giám đốc BV Bạch Mai chia sẻ: “Việc đưa hệ thống Tele-ICU vào vận hành thử nghiệm là một bước tiến quan trọng trong tiến trình số hóa của BV Bạch Mai, khẳng định quyết tâm của bệnh viện trong việc ứng dụng các giải pháp công nghệ y tế hiện đại, tiên tiến vào nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động khám, chữa bệnh cho người dân. Tiếp sau bước khởi đầu này, để giải pháp thực sự phát huy hiệu quả, tránh lãng phí, chắc chắn cần có cơ chế vận hành cụ thể, đặc biệt là vấn đề liên quan tới tính pháp lý và cơ chế tài chính để duy trì hoạt động tư vấn, khám chữa bệnh từ xa.

Bản thân hệ thống và máy móc không thể tự “đi” được, tức là không thể tự tạo ra hiệu quả, mà phải cần có mối liên kết “kiềng 3 chân” giữa Bộ Y tế - các bệnh viện – đơn vị đồng hành triển khai giải pháp thì mới đảm bảo bước đi vững chắc và tiến xa, tạo ra những đổi thay thực sự".

PGS.TS Đào Xuân Cơ nhấn mạnh, mang trên mình trọng trách của một bệnh viện tuyến trung ương, BV Bạch Mai luôn mong muốn và sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nâng cao năng lực chuyên môn để phục vụ người dân ở các địa phương ngày càng tốt hơn.

Bệnh nhân tuyến dưới được “chuyển tuyến ảo”, khám chữa bệnh chuyên sâu bởi các chuyên gia đầu ngành
Các bác sĩ tại BVĐK Yên Bái trao đổi với các chuyên gia tại BV Bạch Mai thông qua hệ thống Tele-ICU

Đại diện cho bệnh viên tuyến dưới, GĐ BVĐK Yên Bái - BSCK II Trần Lan Anh khẳng định: “BVĐK Yên Bái luôn nỗ lực để tìm ra những phương án, cách thức để giúp đỡ người bệnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Việc ứng dụng hệ thống Tele-ICU thí điểm chính là biện pháp giúp chúng tôi rút ngắn cả thời gian và không gian để cứu chữa bệnh nhân nhanh chóng, kịp thời...".

BS CKI Lương Minh Tuấn - Phó Giám đốc BVĐK Hùng Vương cho biết ngoài việc đảm bảo chất lượng dịch vụ cao, BVĐK Hùng Vương cần đem lại hiệu quả cao cho bệnh nhân trong công tác khám chữa bệnh, điều trị, và hệ thống Tele-ICU chính là một giải pháp hữu hiệu.

“Với hệ thống bệnh viện tư nhân, ngoài việc đảm bảo chất lượng dịch vụ cao, chúng tôi cần đem lại hiệu quả cao cho bệnh nhân trong công tác khám chữa bệnh và điều trị. Việc triển khai hệ thống Tele-ICU giúp chúng tôi kết nối giữa bệnh viện tư nhân và bệnh viện công được thuận tiện và dễ dàng hơn. Bệnh nhân sẽ được hưởng hai lợi ích. Một là được hưởng các tiện ích của bệnh viện tư nhân mà chúng tôi cung cấp, hai là được khám và tư vấn bởi các chuyên gia hàng đầu từ các bệnh viện tuyến trung ương như BV Bạch Mai. Chất lượng chuyên môn được đảm bảo và ngày càng nâng cao, bệnh nhân được phục vụ tốt hơn, từ đó hài lòng hơn", BS CKI Lương Minh Tuấn - Phó Giám đốc BVĐK Hùng Vương nhấn mạnh.

An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động