Thứ năm 23/01/2025 02:46
Lạm dụng thực phẩm chức năng để chăm sóc sức khỏe

Kỳ 3: Không có kiến thức về y khoa nhưng vẫn tư vấn sức khỏe online

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Mặc dù đã có nhiều cảnh báo nhưng những video tư vấn sức khỏe online kèm theo bán thực phẩm chức năng vẫn thu hút lượng người xem khá lớn. Thậm chí người có bệnh sẵn sàng lên mạng tham khảo, tin tưởng các “bác sĩ online” hơn là lựa chọn việc đến bệnh viện.
Kỳ 3: Không có kiến thức về y khoa nhưng vẫn tư vấn sức khỏe online
Nhiều tin tuyển cộng tác viên bán thực phẩm chức năng được đăng công khai, không có kinh nghiệm cũng có thể làm được. Ảnh chụp màn hình

Công việc đơn giản, hoa hồng cao, không mất nhiều thời gian

Cuối năm 2022, cô L.H trong một buổi giao lưu văn nghệ tại địa phương, được kết nối vào team “Chị em cùng nhau tự tin và tỏa sáng”. Thời gian đầu, cô được trưởng nhóm chia sẻ và cho dùng thử những viên nang mềm có thể cải thiện được tình trạng ho mãn tính nhiều năm của cô. Sau đó, qua những buổi trò chuyện ngày đêm, cô đồng ý tham gia vào team với một mã số thành viên riêng.

“Mỗi tháng, các thành viên như tôi đều phải tự mua sản phẩm để duy trì mã số thành viên này. Số tiền mua sản phẩm có thể từ trên 1,5 triệu đồng/ tháng” - cô L.H ngại ngần chia sẻ lại.

Cô được trưởng nhóm giới thiệu đây là sản phẩm đã có uy tín trên thị trường trong nước và nước ngoài đã nhiều năm, dùng cho bản thân rất yên tâm, thậm chí nếu có thể chia sẻ cho mọi người mua sản phẩm, vừa nâng cao được sức khỏe, lại vừa có thêm thu nhập với mức hoa hồng khá cao lên đến hàng chục phần trăm, chưa kể nếu bán hàng đạt doanh số cao, có thể được thưởng ô tô.

“Có nhiều thành viên trong team tự giới thiệu là thạc sỹ, giảng viên, nhân viên ngân hàng cũng đã bỏ công việc chính để tập trung cho mảng này, chị em chia sẻ nhiều hình ảnh được nhận ô tô, được đi du lịch nên tôi cũng thấy tò mò hơn” - cô L.H nói.

Kỳ 3: Không có kiến thức về y khoa nhưng vẫn tư vấn sức khỏe online
Những căn bệnh quen thuộc chị em giờ đây cũng có thể tự “kê đơn online” cho nhau. Ảnh chụp màn hình

Tại các buổi training kiến thức bán hàng, bản thân cô L.H cũng không hiểu các sản phẩm mình đang dùng chủ yếu gồm những thành phần gì, liều lượng được phép sử dụng ra sao mà chỉ tập trung vào làm thế nào để có thể lôi kéo khách hàng mua hàng để mình được hưởng hoa hồng, thậm chí đăng bài cũng theo mẫu và hình ảnh đã được chuẩn bị sẵn. Theo cô L.H, không phát sinh doanh số tháng đồng nghĩa với việc mất mã số thành viên nên cô thường tự bỏ tiền túi ra để mua sản phẩm, duy trì mã code.

Nhớ lại khoảng thời gian đi tư vấn sản phẩm, cô cũng như một vài thành viên mới là những bà mẹ bỉm sữa cảm thấy ngần ngại khi giới thiệu sản phẩm đến cho người thân quen, bởi chính bản thân họ cũng không hiểu sản phẩm mà mình đang chia sẻ.

“Một nhóm tư vấn viên sẽ có khoảng 5 người, nếu thành viên mà mình giới thiệu vào hệ thống bán được hàng thì mình cũng sẽ được hưởng thêm % từ thành viên đó” - cô L.H nói thêm.

Kỳ 3: Không có kiến thức về y khoa nhưng vẫn tư vấn sức khỏe online
Bộ Y tế đã có cảnh báo về việc Công ty Dược phẩm Kobayashi thu hồi sản phẩm đang được bán tại thị trường Việt Nam. Ảnh: Cục An toàn thực phẩm

Không thấy sức khỏe được cải thiện

Sau nhiều tháng sử dụng trọn bộ nhiều sản phẩm như trà thải độc cơ thể, dầu giữ ấm cơ thể, những viên nang trước đó được quảng cáo là có thể làm thuyên giảm, nếu kiên trì dùng có thể khỏi được bệnh ho mãn tính, thậm chí có thể phòng ngừa được bệnh tật thì sau 1 năm đi khám tổng quát lại, căn bệnh ho lâu năm của cô vẫn không có dấu hiệu đỡ, thậm chí cô còn phát hiện thêm căn bệnh tuyến giáp.

“Đến hiện tại, tôi vẫn phải điều trị và dùng thuốc theo đơn của bác sĩ” - cô L.H cho biết.

Cũng như câu chuyện của cô L.H, chị T (Thanh Xuân) cũng từng bỏ hết số vốn mình có sau nhiều năm tích lũy để làm đại lý cho sản phẩm cải thiện sinh lý nam nữ, thải độc tố cơ thể.

“Ở thời điểm đầu tư, mình cũng không hiểu nhiều về sản phẩm, chỉ thấy lợi nhuận của thị trường thực phẩm chức năng này quá lớn, lại là chỗ thân quen nên cũng dùng toàn bộ số vốn hiện có để nhập hàng. Sau thấy hàng bị trả lại nhiều vì có những hộp còn nguyên tem mác nhưng khi mở ra chất bột bên trong đã bị vón cục. Lo sợ sức khỏe của mọi người bị ảnh hưởng nên tôi quyết định trả lại toàn bộ số sản phẩm và chấp nhận bị lỗ” - chị T chia sẻ lại.

Có thể thấy, sự phát triển của mạng xã hội cũng đã khiến việc kinh doanh dược phẩm bước vào giai đoạn khó kiểm soát hơn. Những căn bệnh thầm kín giờ đây được chia sẻ rộng rãi, những khuyến cáo mà bác sĩ đưa ra thì nay lại được tư vấn ngược lại. Thậm chí, đọc bình luận dưới mỗi sản phẩm có thể thấy các chị em tự tư vấn sản phẩm cho nhau để “dùng thử”, “mặc kệ” cho việc cơ địa của mỗi người là khác nhau.

(Còn nữa)

Theo Bác sĩ Đỗ Thị Bích Thu – Viện Nghiên cứu Y – Xã hội học, thực tế hiện nay rất nhiều người đã có niềm tin thái quá vào thực phẩm chức năng, cho rằng chỉ cần lựa chọn 1 loại thực phẩm chức năng phù hợp với nhu cầu mình đang cần là đáp ứng được luôn kể cả hỗ trợ sức khỏe hay chữa bênh. Nhưng không tìm hiểu kỹ về thực phẩm chức năng để thấy đấy không phải là thuốc chữa bệnh và cũng không hiểu hết về tác dụng không mong muốn khi dùng không đúng cách.

Chưa kể đến bị những nhóm người có hành vi lôi kéo, thổi phồng tác dụng của thực phẩm chức năng và dẫn đến bị mất tiền, không khỏi bệnh thậm chí quá thời gian để mình có thể tìm đến bác sĩ để chẩn đoán và có phác đồ điều trị đúng ngay từ sớm.

Chúng ta nên hiểu rõ: “Thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh, bao gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm dinh dưỡng y học”.

Kỳ 1: Khi việc chăm sóc sức khỏe dần bị lơ là
Kỳ 2: Người tiêu dùng lạc lối trong “ma trận” thực phẩm chức năng
Thái Phương - Hải Yến
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động