Thứ năm 23/01/2025 02:58
Lạm dụng thực phẩm chức năng để chăm sóc sức khỏe

Kỳ 2: Người tiêu dùng lạc lối trong “ma trận” thực phẩm chức năng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Chưa bao giờ người tiêu dùng dễ dàng mua thực phẩm chức năng (TPCN) dễ như hiện nay. Chỉ cần một thiết bị thông minh có kết nối internet là người tiêu dùng đã có thể tự “chẩn đoán” bệnh cho mình và tự mình tìm mua các loại TPCN với niềm tin có thể chữa được “bách bệnh” mà không cần đến gặp bác sĩ.
Kỳ 2: Người tiêu dùng lạc lối trong “ma trận” thực phẩm chức năng
Thực phẩm chức năng được “bày bán” công khai trên các nền tảng mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình

Người tiêu dùng có đang “dễ dãi” trong việc mua hàng?

Chỉ với vài ký tự trên thanh công cụ tìm kiếm, người tiêu dùng có thể tìm thấy một loạt sản phẩm hỗ trợ tăng cường sức khỏe.

Những video quảng cáo TPCN đầy sức hút, giá cả rẻ, nhiều ưu đãi, giao hàng tận nhà… và hơn hết là công dụng như “thần dược”; chữa được “bách bệnh” khiến người tiêu dùng chủ quan trong việc tìm hiểu thành phần của sản phẩm bảo vệ sức khoẻ mà bản thân mình đang tìm kiếm. Chính sự chủ quan đó khiến người tiêu dùng bị bủa vây bởi tình trạng các loại TPCN là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ….

Chị Vân Anh (Đông Anh) mới sinh con đầu được 6 tháng. Chị là một trong những “tín đồ” nghiện mua sắm online. “Con nhỏ cũng không có nhiều thời gian đi mua hàng trực tiếp, giờ nằm ở nhà vừa trông được con, vừa lo được việc nhà, lại vẫn có thể mua hàng thì tôi sẽ lựa chọn hình thức mua sắm này. Có những mặt hàng như thực phẩm thì tôi sẽ đi mua trực tiếp, còn mỹ phẩm hay những sản phẩm bảo vệ sức khỏe, tôi sẽ xem đánh giá của người dùng trước đó để lựa chọn mua qua mạng” - chị Vân Anh chia sẻ.

Thay vì lựa chọn đi khám bệnh để được bác sĩ chẩn đoán, kê đơn các loại thuốc hoặc TPCN phù hợp thì người tiêu dùng có xu hướng "tự kê đơn" cho bản thân và “tự tìm mua các sản phẩm cần thiết” để bổ sung thông qua việc mua sắm online.

“Chỉ nghĩ đơn giản rằng, TPCN cũng chỉ là bổ sung các vitamin, khoáng chất cần thiết, giá cả lại hợp lý nên tôi tự mua để bổ sung thêm cho sức khỏe của mình, chứ không nghĩ nhiều đến vấn đề nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm” - chị Vân Anh cho biết.

Vào cuối năm 2023, tại hộ kinh doanh N.V.T (thôn Phượng Nghĩa, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội), Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 25, Cục QLTT TP Hà Nội phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế, CA huyện Chương Mỹ phát hiện rất nhiều sản phẩm thành phẩm và bán thành phẩm mỹ phẩm và TPCN, cùng máy móc thiết bị phục vụ cho việc sản xuất mỹ phẩm, TPCN. Trong đó, có nhiều nhãn hiệu nổi tiếng bị làm giả. Đây chỉ là một trong những ví dụ điển hình cho việc khi mà nhu cầu của người tiêu dùng quá lớn sẽ tạo ra nhiều lỗ hổng để những mặt hàng kém chất lượng trà trộn vào thị trường.

Kỳ 2: Người tiêu dùng lạc lối trong “ma trận” thực phẩm chức năng
Thay vì đi khám tại các bệnh viện, nhiều người có xu hướng tìm đến các bác sĩ, dược sĩ “online”. Ảnh chụp màn hình

Vẫn còn khó khăn trong công tác quản lý

Liên quan đến công tác quản lý thực phẩm chức năng, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV hồi tháng 11/2024 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, phần lớn các mặt hàng TPCN làm giả, kém chất lượng đều được nhập qua đường tiểu ngạch, về đến Việt Nam được các cơ sở thay bao bì, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ và mang đi tiêu thụ. Những sản phẩm làm giả này được bán ra thị trường với giá rẻ hơn hàng thật.

Cùng đó là tình trạng sản xuất thực phẩm chức năng có chứa chất cấm; sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng không đúng chất lượng đã công bố; sản xuất thực phẩm chức năng ở nơi không bảo đảm vệ sinh, không có Giấy chứng nhận GMP.

Người đứng đầu Bộ Y tế cho biết thêm, các hoạt động quảng cáo TPCN như "thần dược", quảng cáo sai sự thật, quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng; quảng cáo mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo, quảng cáo không đúng với nội dung đã được xác nhận; đặc biệt khó khăn khi xử lý vi phạm trên các trang mạng xã hội, các quảng cáo từ các máy chủ ở nước ngoài.

Ngoài ra có tình trạng sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm; thiết lập tổng đài tư vấn giả mạo bác sĩ, dược sĩ, chuyên gia y tế để tư vấn không đúng về công dụng, tác dụng của thực phẩm bảo vệ sức khỏe, có dấu hiệu lừa đảo người tiêu dùng.

Hơn nữa còn tồn tại khó khăn trong việc quản lý việc mua bán thực phẩm chức năng qua một số hình thức mới như: quảng cáo thực phẩm chức năng thông qua hình thức tư vấn bán hàng qua điện thoại, đe doạ, nghiêm trọng hóa tình trạng bệnh nhằm bán thực phẩm chức năng. Việc tư vấn, bán hàng qua hình thức này chỉ có người nghe và người tư vấn biết thông tin nên không giám sát, kiểm soát được nội dung phát ngôn và không thể ngăn chặn trước được phát ngôn của người quảng cáo.

Thêm nữa là việc bán thực phẩm chức năng trên các sàn thương mại điện tử, website và các gian hàng kinh doanh trên các ứng dụng trên mà chưa được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố hoặc chưa nộp bản tự công bố đến cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho rằng, việc đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe còn nhiều khó khăn do các thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả được sản xuất ở nước ngoài mang về; cần sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan để quản lý.

(Còn nữa)

Tin vào TPCN như là một giải pháp hữu hiệu khiến ngày càng có nhiều người nảy sinh tâm lý ngại đến bệnh viện, ngại gặp bác sĩ. Không chỉ vậy, với các kiến thức về bệnh lý có sẵn trên internet, nhiều người tự tin vào kiến thức về y khoa, khiến họ dễ dàng trở thành các "bác sĩ online" không chỉ với chính bản thân mình mà còn nhiệt tình tư vấn, chẩn đoán bệnh đối với người khác dù không được đào tạo bất cứ một ngày nào.
Kỳ 1: Khi việc chăm sóc sức khỏe dần bị lơ là Kỳ 1: Khi việc chăm sóc sức khỏe dần bị lơ là

Xã hội ngày càng phát triển cùng với áp lực công việc, cuộc sống khiến nhiều người ít có thời gian chăm sóc sức khỏe ...

Thái Phương - Hải Yến
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động