Bị khởi tố, bà Nguyễn Phương Hằng đối diện hình phạt nào?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBà Nguyễn Phương Hằng tại CQCA |
Ngày 24-3, CA TP HCM cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng, SN 1971, thường trú 17-19 Ngô Đức Kế, phường Bến Nghé, quận 1 - Tổng GĐ Cty cổ phần Đại Nam, về hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331, BLHS năm 2015. VKSND cùng cấp đã phê chuẩn quyết định này.
Cũng theo thông tin từ CA TP HCM, bà Nguyễn Phương Hằng đã lợi dụng sức ảnh hưởng của bản thân, sử dụng chức năng của MXH trên internet, tổ chức nhiều buổi phát trực tiếp nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của người khác; trong đó sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
CA TP HCM cho hay, quá trình điều tra, Nguyễn Phương Hằng không hợp tác, coi thường pháp luật, nhiều lần tổ chức tập trung nhiều người đến nhà riêng của các cá nhân có mâu thuẫn gây mất an ninh trật tự tại địa bàn TPHCM và các địa phương khác. Hiện CA TP HCM đang tiếp tục điều tra, làm rõ vụ án để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Trước đó, CQ CSĐT CA TP HCM đã ban hành quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với bà Nguyễn Phương Hằng từ ngày 16-2-2022 đến ngày 29-4-2022.
Lực lượng chức năng phong tỏa ngôi nhà của bà Nguyễn Phương Hằng để tiến hành khám xét |
Trước thông tin trên, dư luận đặt ra câu hỏi: Với tội danh bị khởi tố, bà Phương Hằng sẽ phải chịu mức phạt như thế nào theo chế tài của pháp luật? Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, việc bà Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố và bắt giam về tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân” là điều đã được dự báo từ trước.
Theo luật sư Thái, trước đó đã có nhiều người tố cáo bà Hằng về hành vi này do bà Hằng thường xuyên livestream trên MXH thời gian qua. Điều đáng chú ý là nội dung trong các buổi livestream của bà Hằng luôn có dấu hiệu đi quá giới hạn của quyền tự do ngôn luận khi liên tục chửi bới, xúc phạm đến nhiều người và đưa ra rất nhiều thông tin chủ quan, ngôn ngữ thiếu chuẩn mực.
“Trong suốt thời gian qua, rất nhiều người đã góp ý, thậm chí chỉ ra các dấu hiệu vi phạm pháp luật của bà Hằng nhưng nữ doanh nhân này không những không nghe mà còn có những lời lẽ xúc phạm danh dự, nhân phẩm của những người khác khi họ góp ý cho bản thân mình. Nhiều người hâm mộ bà Hằng cũng đã có những hành động khiếm nhã, thậm chí tấn công lại một số trang báo khi họ đưa tin phản ánh về hiện tượng này khiến dư luận bức xúc”, luật sư Thái nêu quan điểm.
Theo luật sư Thái, những hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân được thể hiện rất đa dạng như: chửi bới, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác; thu thập, sử dụng trái phép thông tin của người khác... Hành vi sẽ bị xử lý hình sự nếu như hành vi này ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân.
Luật sư cho rằng, CQĐT sẽ làm rõ hành vi cụ thể xảy ra ở thời gian, không gian nào, hành vi đó xâm phạm đến lợi ích nào của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức nào, cá nhân nào, mức độ ảnh hưởng, thiệt hại đến đâu để xác định hành vi phạm tội và hậu quả do hành vi gây ra.
Với tội danh này, bà Nguyễn Phương Hằng sẽ phải đối mặt với hình phạt có thể tới 7 năm tù. Cụ thể tội danh và hình phạt được Bộ luật Hình sự quy định tại Điều 331 như sau:
1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
2. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
“Ngoài ra, có thể cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ hành vi của bà Nguyễn Phương Hằng trong thời gian qua theo nội dung đơn thư tố cáo của nhiều người, trong đó có các hành vi như vu khống, làm nhục người khác, đưa thông tin trái phép trên mạng Internet” luật sư Thái thông tin.
Từ đầu năm 2021 đến nay, bà Nguyễn Phương Hằng thường xuyên livestream chửi bới nhiều nghệ sĩ nổi tiếng và cho rằng họ ăn chặn tiền quyên góp cho đồng bào miền Trung bị lũ lụt năm 2020 như nghệ sĩ Hoài Linh, ca sĩ Thủy Tiên, Đàm Vĩnh Hưng, Trấn Thành… CQ CSĐT Bộ Công an đã vào cuộc điều tra và kết luật các nghệ sĩ, ca sĩ không có hành vi gian dối, không chiếm đoạt tiền từ thiện. Ngoài ra, liên quan đến vụ việc, nhiều người khác cũng gửi đơn tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng như ca sĩ Vy Oanh, nhà báo Hàn Ni, Nguyễn Đức Hiển… về hành vi vu khống, làm nhục người khác. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại