Biết sai mà vẫn vi phạm
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Một đoạn vỉa hè được thí điểm cho thuê. Ảnh: Duy Linh |
Tự do cho thuê vỉa hè?
Theo tìm hiểu của phóng viên, với suy nghĩ "vỉa hè trước nhà tôi là của tôi", nhiều người dân công khai cho người khác thuê lại để kinh doanh buôn bán. Không chỉ chủ nhà mà ngay cả những người thuê mặt bằng kinh doanh cũng tận thu nguồn lợi từ vỉa hè bằng việc "share" (chia sẻ - PV) lại cho những người khác theo khung giờ.
Cũng như mặt bằng kinh doanh, giá thuê vỉa hè tại Hà Nội cũng muôn hình vạn trạng. Giá cho thuê vỉa hè cao hay thấp tùy thuộc vào khu vực. Theo đó, trước đây, khi lực lượng chức năng chưa ra quân gắt gao, với diện tích khiêm tốn, có thể để được xe bán bánh mỳ hoặc bán xôi, ở trong ngõ khu phố Thanh Xuân, Hà Đông có giá thuê dao động từ 1,5 - 2 triệu đồng, khu vực chùa Láng có giá 2 - 3 triệu đồng/tháng… đặc biệt ở khu vực phố cổ, giá cho thuê vỉa hè có thể lên tới cả chục triệu đồng/tháng.
Còn giá cho thuê vỉa hè gần các trường đại học, bệnh viện, bến tàu xe, bến bãi, di tích lịch sử là đắt đỏ nhất. Sau đó, giá trị của vỉa hè được định giá theo từng khu vực khác nhau, đắt nhất là khu vực quận Hoàn Kiếm, sau đó đến các quận trung tâm như quận: Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy... Bà N.T.H, một hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống thuê mặt bằng vỉa hè trên phố Hàng Điếu, trước cổng chợ Hàng Da đã từng phải trả 6 triệu đồng/tháng cho 4m2 vỉa hè.
Theo bà H, sở dĩ bà phải thuê vỉa hè để kinh doanh vì mặt bằng trên phố cổ rất đắt, thậm chí, hiện tại đã không còn chỗ để mà thuê. Còn ở vỉa hè cũng có cái lợi của nó, bởi lẽ với nhiều người, việc lê la dân dã như một thói quen bởi sự tiện lợi. Người phụ nữ này cho rằng, mặt bằng bà thuê cũng vẫn còn mềm so với các khu vực khác. Bởi lẽ, bà cho biết, tại một số địa điểm trên phố Hàng Da - Hàng Gà, các chủ kinh doanh dịch vụ ăn uống phải trả từ 5 - 10 triệu đồng/tháng cho chủ nhà để được ngồi nhờ.
Có cầu ắt có cung, cũng từ nhu cầu thực tế của không ít người kinh doanh buôn bán, mà vỉa hè bấy lâu nay vẫn bị “xẻ thịt”, trở thành “món hàng” để chuyển nhượng, cho thuê.
Trên facebook, theo khảo sát đã có tới hàng trăm hội nhóm được lập ra với tiêu chí kết nối những người có nhu cầu cho thuê và những người muốn thuê vỉa hè. Tại đây, hàng ngày có hàng chục vỉa hè được cho "lên sàn", những giao dịch "kẻ bán, người mua" diễn ra sôi nổi.
Đơn cử, nhóm "Cho thuê vỉa hè - mặt bằng kinh doanh Hà Nội" với 30.000 thành viên, những đoạn rao cho thuê hoặc cần thuê liên tục được cập nhật từng ngày. Đơn cử, đoạn đăng của tài khoản B.T: “Cho thuê góc nhỏ cho các bạn phù hợp bán hàng ăn sáng ăn nhanh”. Để hấp dẫn hơn, đoạn tin ngắn còn khẳng định đoạn đường này “toàn dân văn phòng và học sinh rất đông chỉ sợ không sức bán”. Không chỉ buổi sáng, đoạn đăng còn cho biết họ “trống cả buổi chiều ai muốn bán trà đá đồ ăn nhanh cũng inbox…” kèm theo số điện thoại cùng video về “mặt bằng” cho thuê. Mà mặt bằng đó theo như video thực tế, thì rõ ràng là vỉa hè trên một con phố.
Hoặc tài khoản N.T.T cũng cụ thể đăng tin: “Mình có mặt bằng vỉa hè rộng cho bán các hàng mang đi thời gian bán từ 6h đến 22h hàng ngày. Gần Bệnh viện E, các trường đại học lớn, đô thị Nam Cường… khoảng hơn 20 nghìn dân, tuyến phố tấp nập nhộn nhịp…
![]() |
Bài đăng cho thuê vỉa hè trên một hội nhóm Facebook. Ảnh: Duy Linh |
Biết sai mà vẫn vi phạm
Vỉa hè hay “lối đi bộ” là phần đường đi bộ dọc bên cạnh một con đường. Thông thường, vỉa hè sẽ nhô cao hơn so với phần đường đi, tùy theo mức độ và thường được ngăn cách với phần đường bằng lề đường. Theo Điều 77 (bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối với trường hợp sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè vào mục đích khác) Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ: "lòng đường được sử dụng cho mục đích giao thông; vỉa hè được sử dụng cho người đi bộ. Trường hợp cần thiết sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè phục vụ sự kiện chính trị, hoạt động văn hóa, thể thao và mục đích khác, cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè phải có phương án sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè và được cơ quan có thẩm quyền cho phép; cơ quan cho phép sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè gửi thông báo ngay cho cơ quan Cảnh sát giao thông".
Tại khoản 2 Điều này: cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè chỉ được sử dụng đúng mục đích do cơ quan có thẩm quyền cho phép; chấp hành các yêu cầu của Cảnh sát giao thông; không làm mất trật tự, an toàn giao thông đường bộ; hoàn trả nguyên trạng lòng đường, vỉa hè sau khi kết thúc việc sử dụng.
Như vậy, dẫu rất ít nhưng vẫn có trường hợp, được bán trên vỉa hè nếu được sự đồng ý của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh nhưng phải tuân thủ chặt chẽ những quy định của pháp luật. Như vậy rõ ràng, việc buôn bán trên vỉa hè đã sai, việc cho thuê vỉa hè tự phát lại… càng sai.
Luật không cho phép, nhưng các cửa hàng vẫn hoạt động đối phó với cơ quan chức năng. Lý giải việc mặc dù biết luật nhưng vẫn… phạm luật, chủ một quán trà đá tại đường Nguyễn Thị Định, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho rằng, chỗ đó khuất, không ảnh hưởng đến người đi lại nên tận dụng để “kiếm thêm” mà thôi. Trước đó, TP Hà Nội có đề án sẽ cho thuê vỉa hè, lòng đường tại hàng trăm tuyến phố thu hút sự quan tâm lớn từ dư luận, bởi việc quản lý và khai thác lòng đường, vỉa hè của Thủ đô trong nhiều năm qua vẫn còn nhiều bất cập, chưa có giải pháp căn cơ.
![]() |
Vỉa hè cho thuê được quảng cáo trên cả YouTube. Ảnh: Duy Linh |
Trong đề án về quản lý, khai thác, sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn TP Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội đã đề xuất 6 tiêu chí việc cho thuê vỉa hè: thứ nhất, vỉa hè được phép kinh doanh phải có chiều rộng tối thiểu 3m, trong đó 1,5m dành cho người đi bộ, phần còn lại để kinh doanh và trông giữ phương tiện. Riêng tại khu vực phố cổ, có thể cho phép kinh doanh trên vỉa hè hẹp hơn 3m trong thời gian tổ chức không gian đi bộ hoặc theo khung giờ được UBND quận cấp phép.
Thứ hai, phải bảo đảm chỗ đỗ xe cho khách tại chỗ hoặc trong phạm vi cho phép. Thứ ba, hoạt động kinh doanh phải bảo đảm an toàn, văn minh. Thứ tư, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường. Thứ năm, cần phải lấy ý kiến của người dân trước khi tiến hành cho kinh doanh vỉa hè, đường phố và hè phố. Tổ chức kinh doanh phải được UBND cấp huyện cấp phép về thời gian, mặt hàng kinh doanh, bảo đảm phát triển đô thị, phát triển du lịch, kinh doanh thương mại văn minh phù hợp với văn hóa của địa phương. Kinh tế vỉa hè đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng không chỉ của Hà Nội.
Trước những bất cập và tồn tại kéo dài nhiều năm, chủ trương cho thuê lòng đường, vỉa hè là một hướng đi đúng đắn. Kỳ vọng rằng, với những quyết tâm của TP, tới đây, mỹ quan đô thị sẽ được cải thiện, bên cạnh đó còn tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng, đồng thời bổ sung nguồn ngân sách để thực hiện các dự án công cộng.
![]() | Thay đổi để bộ mặt đô thị đẹp hơn |
![]() | Có được dựng rạp ở lòng đường? |
![]() | Cho thuê vỉa hè vẫn cần không gian cho người đi bộ |
![]() |

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại