Kỳ 3: 6 lý do để bỏ hình phạt tử hình với 8 tội danh
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga. |
Sự cần thiết
Sau hơn 8 năm thi hành, tình hình đất nước đã có nhiều thay đổi lớn về mọi mặt nên quy định của Bộ luật Hình sự đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập. Bên cạnh đó, thời gian qua, Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách về phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, đòi hỏi phải kịp thời thể chế hóa các chủ trương, chính sách này vào Bộ luật Hình sự nhằm đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn, kịp thời thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước phục vụ xây dựng và bảo vệ đất nước. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự ở thời điểm hiện tại là cần thiết.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, Chính phủ đề xuất giảm số lượng tội danh có hình phạt tử hình nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng trong văn bản thông báo ý kiến của Bộ Chính trị về tiếp tục thu hẹp hình phạt tử hình. Cùng với đó, trên cơ sở kế thừa tinh thần thu hẹp dần hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự qua các lần sửa đổi, bổ sung, cụ thể: tại Bộ luật Hình sự năm 1985 có 44 tội có hình phạt tử hình. Bộ luật Hình sự năm 1999 còn 29 tội có hình phạt tử hình, Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2009 còn 22 tội có hình phạt tử hình, đến Bộ luật Hình sự năm 2015 chỉ còn 18 tội có hình phạt tử hình.
Lần sửa đổi này, Chính phủ đề xuất bỏ 8 tội danh có hình phạt tử hình trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng về các vấn đề. Trong 193 quốc gia là thành viên của Liên hợp quốc chỉ còn hơn 50 quốc gia quy định về hình phạt tử hình. Cùng với đó, phục vụ hoạt động hợp tác quốc tế của nước ta, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam đang mở rộng hợp tác quốc tế một cách sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, việc xây dựng hệ thống pháp luật tương đồng với đa số các nước trên thế giới. Việc này sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy các quan hệ hợp tác ngày càng bền chặt và tin tưởng lẫn nhau. Đồng thời cũng thể hiện trách nhiệm, năng lực của các cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ quan bảo vệ pháp luật trong giai đoạn hiện nay. Chính phủ đề xuất bỏ 8 tội danh có hình phạt tử hình trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng về các vấn đề:
Một là, căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội; tầm quan trọng của khách thể được bảo vệ; khả năng khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra.
Hai là, căn cứ kết quả tổng kết công tác thi hành Bộ luật Hình sự, nhiều tội danh có quy định về hình phạt tử hình nhưng không áp dụng trên thực tế thời gian qua.
Ba là, tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hiện nay, xu hướng về việc giảm hình phạt tử hình trong quy định của pháp luật cũng như thực tế thi hành trên thế giới là phổ biến. Trong 193 quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc, chỉ còn hơn 50 quốc gia quy định về hình phạt tử hình.
Bốn là, trách nhiệm, nghĩa vụ của Việt Nam khi là thành viên của các điều ước quốc tế có liên quan, đặc biệt tại khoản 2 Điều 6 Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền dân sự và chính trị xác định: “Ở những nước mà hình phạt tử hình chưa được xóa bỏ thì chỉ được phép áp dụng hình phạt tử hình đối với những tội ác nghiêm trọng nhất”.
Năm là, hiện nay, khi Việt Nam đang mở rộng hợp tác quốc tế một cách sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, việc xây dựng hệ thống pháp luật tương đồng với đa số các nước trên thế giới sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy các quan hệ hợp tác ngày càng bền chặt và tin tưởng lẫn nhau.
Sáu là, trách nhiệm, năng lực của các cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ quan bảo vệ pháp luật trong giai đoạn hiện nay.
Quy định phù hợp với xu hướng hệ thống pháp luật quốc tế
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) đánh giá, các nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật lần này thể hiện tinh thần tiếp thu nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo của Trung ương, phản ánh thực tiễn thi hành pháp luật và đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong bối cảnh mới. "Trước tiên, tôi nhất trí với quy định bổ sung hình phạt chính mới là tù chung thân không xét giảm án, bên cạnh các hình phạt đã được quy định tại Điều 32 của Bộ luật Hình sự hiện hành", đại biểu khẳng định.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga phân tích, quy định này vừa đảm bảo tính nghiêm khắc, răn đe cao, vừa thể hiện sự nhân đạo của Nhà nước khi không áp dụng hình phạt tử hình, tước bỏ quyền sống, của một số tội danh nhưng vẫn đảm bảo cách ly lâu dài những người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng khỏi xã hội. Đồng thời, nó cũng tạo ra sự phân hóa rõ ràng giữa hình phạt tù chung thân thông thường và hình phạt tù chung thân không được xét giảm, từ đó phản ánh đúng mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và thái độ cải tạo của người phạm tội.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết, theo tiến trình phát triển của xã hội, từ năm 1999 đến nay, qua các lần sửa đổi, số lượng tội danh có mức hình phạt cao nhất là tử hình đã giảm từ 29 tội xuống còn 10 tội và dần thu hẹp việc áp dụng hình phạt tử hình với một số đối tượng như người chưa thành niên, phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ, người cao tuổi... Quy định như vậy rất phù hợp với xu hướng hệ thống pháp luật quốc tế, đó là nhiều quốc gia trên thế giới đã xóa hình phạt tử hình hoặc hạn chế áp dụng ở mức tối đa. Điều này khẳng định chính sách hình sự tiến bộ và nhân đạo của Việt Nam. Đặc biệt là với một số tội danh, việc áp dụng hình phạt tử hình không thật sự cần thiết và hiệu quả, trên thực tế hầu như không áp dụng.
Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Đoàn Nam Định) cho rằng, dù bỏ hình phạt tử hình, nhưng vẫn đảm bảo cách ly hoàn toàn người phạm tội ra khỏi xã hội bằng hình thức phạt tù chung thân không giảm án. Việc này vẫn đạt mục đích trừng trị tội phạm, theo ông Dũng.
Việc bỏ hình phạt tử hình, theo vị đại biểu, vừa đảm bảo quyền được sống, phù hợp tính nhân văn của các nước trên thế giới. Bên cạnh đó, bỏ hình phạt tử hình thì số phạm nhân chờ tử hình cũng giảm, tạo thuận lợi cho công tác quản lý phạm nhân.
(Còn nữa)
Việt Nam đã có những bước đi mạnh mẽ trong suốt ba thập kỷ qua: từ 44 tội danh có thể bị áp dụng án tử hình (năm 1985), đã giảm xuống còn 18 (theo Bộ luật Hình sự 2015), và nay giảm còn 10. Điều này thể hiện sự tiến bộ trong tư duy lập pháp, phản ánh tinh thần của Điều 6 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) mà Việt Nam đã phê chuẩn từ 1982 – rằng án tử hình chỉ nên áp dụng cho những tội ác nghiêm trọng nhất, liên quan đến hành vi cố ý tước đoạt mạng sống. |
![]() | Kỳ 1: Chuyện ở nơi… cái ác trả giá |
![]() | Kỳ 2: Ngày càng có nhiều nước trên thế giới bỏ án tử hình |

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại