Thứ năm 23/01/2025 08:32

Bộ Công an thông tin về quy định tỉ lệ nồng độ cồn

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Liên quan đến các ý kiến của một số đại biểu Quốc hội cho rằng quy định tỉ lệ nồng độ cồn bằng 0 sẽ khó khả thi, nên đề ra ngưỡng hay tỉ lệ giới hạn về nồng độ cồn khi lái xe, Bộ Công an đã lên tiếng về vấn đề này.
Bộ Công an thông tin về quy định tỉ lệ nồng độ cồn
Một số đại biểu Quốc hội cho rằng quy định tỉ lệ nồng độ cồn bằng 0 sẽ khó khả thi. Ảnh: Quý Khánh

Thông tin về ý kiến của các đại biểu Quốc hội liên quan đến quy định nồng độ cồn trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an cho biết, với quan điểm bảo vệ tính mạng của người tham gia giao thông là trên hết, khoản 1 Điều 8 dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ hiện tại quy định điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là một trong những hành vi bị cấm.

Quy định này nhằm hạn chế tai nạn giao thông, bảo đảm sức khỏe người tham gia giao thông và thống nhất với quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (khoản 6 Điều 5 quy định điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là hành vi bị cấm).

Thực tế, người điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia thường bị ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm thần và thể chất, đến khả năng phán đoán, xử lý tình huống khi tham gia giao thông; đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người mà nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn.

Sau thời gian thực hiện quyết liệt việc kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn, các vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia đã giảm đáng kể, chứng minh được hiệu quả của quy định trên trong thực tế.

Do đó, theo Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, việc đề xuất nghiên cứu mức nồng độ cồn cho phép phù hợp với từng loại phương tiện giao thông cần phải được nghiên cứu, đánh giá thận trọng trên cơ sở bảo đảm yêu cầu thực tiễn, có căn cứ khoa học và bảo đảm tính khả thi. Dự thảo Luật đang đề xuất tỷ lệ nồng độ cồn bằng 0.

Bộ Công an thông tin về quy định tỉ lệ nồng độ cồn
Người dân thực hiện kiểm tra nồng độ cồn. Ảnh: Quý Khánh

Trước đó, trong kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường bộ sáng 10/11, các đại biểu Quốc hội cũng đưa ra nhiều ý kiến trái chiều về quy định cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Binh bày tỏ chưa thực sự đồng tình với một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định cấm tuyệt đối người “điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Theo ông Huy, cần nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng để có quy định nồng độ cồn phù hợp với từng loại phương tiện, và quy định bảo bảm tính hiệu quả.

Còn theo đại biểu Nguyễn Thị Hà – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh, với quy định “điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia khác, không nên quy định nồng độ trong máu hoặc hơi thở ở mức bằng “0” để tránh tình trạng người được kiểm tra “dương tính giả” với nồng độ cồn.

Theo nghiên cứu y học, ở trạng thái bình thường của cơ thể trong máu luôn duy trì nồng độ cồn nhất định ở mức 0,03% hoặc có trường hợp trong cơ thể có nồng độ cồn do các yếu tố như ăn, uống các thực phẩm lên men trong dạ dày, thuốc điều trị, bên cạnh đó, theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới có hơn 140 quốc gia, vùng lãnh thổ quy định giới hạn nồng độ trong máu hoặc hơi thở ở mức lớn hơn “0”.

Đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh thành “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở” để phù hợp với các quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 123/2021/NĐ-CP, ngày 28/12/2021 của Chính phủ) và tránh việc điều luật bị hiểu theo hướng là cứ có nồng độ cồn là vi phạm.

Cũng kiến nghị điều chỉnh cụ thể quy định nồng độ cồn khi lái xe, đại biểu Phạm Đức Ấn - Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội cho rằng nên nghiên cứu một tỷ lệ nồng độ cồn cho phép trong khí thở và trong máu của lái xe. Không nhất thiết cứ có nồng độ cồn bị xử phạt. Luật các nước trên thế giới về cơ bản đều có tỷ lệ nhất định, ta cũng nên nghiên cứu – theo đại biểu Ấn.

Sở dĩ có những đề nghị cần cân nhắc và sửa đổi quy định trên, theo đại biểu đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, quy định quá chặt làm ngành công nghiệp rượu bia bị ảnh hưởng, tác động nguồn thu nhập của nhóm lao động phi chính thức. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Quang Huân đề nghị cân nhắc lại điều khoản này theo hướng quy định tỉ lệ giới hạn về nồng độ cồn khi lái xe.

Cẩn trọng để tránh tình trạng người được kiểm tra “dương tính giả” với nồng độ cồn Cẩn trọng để tránh tình trạng người được kiểm tra “dương tính giả” với nồng độ cồn
Không chấp hành đo nồng độ cồn, người đàn ông bị phạt 46 triệu đồng Không chấp hành đo nồng độ cồn, người đàn ông bị phạt 46 triệu đồng
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động