Thứ năm 23/01/2025 06:08

Bộ GD&ĐT đề xuất quy định mới về liên kết đào tạo quốc tế

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa đưa ra dự thảo Thông tư mới quy định về tuyển sinh, tổ chức và quản lý liên kết đào tạo với nước ngoài, nhằm tạo hành lang pháp lý chặt chẽ cho hoạt động hợp tác đào tạo quốc tế.
Bộ GD&ĐT đề xuất quy định mới về liên kết đào tạo quốc tế
Ảnh minh họa: RMIT Việt Nam

Theo dự thảo, các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam có thể thực hiện liên kết đào tạo với đối tác nước ngoài theo ba hình thức. Hình thức thứ nhất là đào tạo trực tiếp, áp dụng cho cả ba bậc đại học, thạc sĩ và tiến sĩ, với ít nhất 70% chương trình được giảng dạy trực tiếp. Hình thức thứ hai là đào tạo trực tuyến, chỉ áp dụng ở bậc đại học, với tối thiểu 50% thời lượng học trực tuyến thông qua các nền tảng số. Hình thức thứ ba là kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến, áp dụng cho cả ba bậc học, với tỷ lệ học trực tuyến từ 30-50% tổng thời lượng.

Về quy mô tuyển sinh, dự thảo đưa ra hai phương án. Nếu sử dụng chung cơ sở vật chất của trường Việt Nam, chỉ tiêu sẽ nằm trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm của cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.

Trong trường hợp không sử dụng chung những điều kiện bảo đảm chất lượng của cơ sở giáo dục đại học Việt Nam, quy mô và chỉ tiêu tuyển sinh liên kết đào tạo với nước ngoài do cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc do các bên liên kết tự chủ xác định theo thẩm quyền với những nguyên tắc và điều kiện bảo đảm chất lượng không thấp hơn quy định hiện hành về xác định chỉ tiêu tuyển sinh áp dụng đối với các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.

Đối với văn bằng, các chương trình liên kết đào tạo phải tuân thủ quy định của Chính phủ về hợp tác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Văn bằng cần có đầy đủ thông tin theo quy định và kèm theo phụ lục bằng tiếng Việt, tiếng Anh hoặc ngôn ngữ bản xứ của cơ sở nước ngoài. Đặc biệt, văn bằng do cơ sở nước ngoài cấp phải đảm bảo người học được hưởng quyền lợi tương đương như khi học tại nước sở tại.

Các cơ sở giáo dục Việt Nam có trách nhiệm công khai minh chứng pháp lý về văn bằng của đối tác nước ngoài và hỗ trợ quá trình công nhận văn bằng để sử dụng tại Việt Nam khi được yêu cầu. Quy định này nhằm đảm bảo tính minh bạch và quyền lợi của người học khi tham gia các chương trình liên kết đào tạo quốc tế.

Dự thảo Thông tư này được kỳ vọng sẽ tạo khung pháp lý rõ ràng cho hoạt động liên kết đào tạo quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam và tăng cường hội nhập quốc tế trong lĩnh vực giáo dục.

Bộ GD&ĐT đề xuất điều chỉnh quy định về phòng học bộ môn trong cơ sở giáo dục phổ thông
Đối tượng nào được tuyển thẳng và cộng điểm ưu tiên vào lớp 10 THPT
Bảo Long
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động