Thứ năm 23/01/2025 13:47
Giải đáp pháp luật

Bồi thường chi phí đào tạo?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 27 Bộ luật Lao động 2019, trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hỏi: Tôi đang thử việc tại một Cty. Trước đó, tôi được Cty bỏ chi phí đào tạo (có ký hợp đồng đào tạo). Vậy, xin quý báo cho biết, giờ tôi muốn chấm dứt hợp đồng thử việc thì có phải bồi thường chi phí đào tạo không?

(Nguyễn Hương Giang, Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội)

Trả lời:

Câu hỏi của bạn, xin trả lời như sau:

Về quyền chấm dứt thỏa thuận thử việc, như bạn nêu, trong thời gian hai bên ký hợp đồng đào tạo thì bạn có làm việc theo hợp đồng thử việc tại Cty. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 27 Bộ luật Lao động 2019, trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường. Như vậy, thời gian bạn đang làm việc tại Cty theo hợp đồng thử việc thì bạn có quyền hủy bỏ thỏa thuận thử việc mà không cần phải báo trước cho người sử dụng lao động.

Bạn và Cty tồn tại song song thỏa thuận thử việc và cam kết đào tạo nên ngoài quyền chấm dứt thỏa thuận thử việc theo quy định của pháp luật thì các bên phải thực hiện theo cam kết đào tạo đã giao kết.

Về việc bồi thường chi phí đào tạo khi dứt hợp đồng đào tạo, theoquy định tại Điều 62 Bộ luật Lao động 2019 về hợp đồng đào tạo giữa người sử dụng lao động và người lao động:

1. Hai bên phải ký kết hợp đồng đào tạo nghề trong trường hợp người lao động được đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, đào tạo lại ở trong nước hoặc nước ngoài từ kinh phí của người sử dụng lao động, kể cả kinh phí do đối tác tài trợ cho người sử dụng lao động.

Hợp đồng đào tạo nghề phải làm thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.

2. Hợp đồng đào tạo nghề phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Nghề đào tạo;

b) Địa điểm, thời gian và tiền lương trong thời gian đào tạo;

c) Thời hạn cam kết phải làm việc sau khi được đào tạo;

d) Chi phí đào tạo và trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo;

đ) Trách nhiệm của người sử dụng lao động;

e) Trách nhiệm của người lao động.

3. Chi phí đào tạo bao gồm các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người học trong thời gian đi học. Trường hợp người lao động được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian đào tạo.

Theo quy định của pháp luật thì hợp đồng đào tạo nghề phải có các nội dung chủ yếu như nghề đào tạo, địa điểm, thời gian, tiền lương trong thời gian đào tạo, thời gian cam kết phải làm việc sau khi đào tạo, chi phí đào tạo, trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo, trách nhiệm của người sử dụng lao động và trách nhiệm của người sử dụng lao động.

Pháp luật lao động hiện nay chưa có quy định cụ thể về những trường hợp mà người lao động phải bồi thường chi phí đào tạo nên việc bồi thường chi phí đào tạo sẽ do hai bên thỏa thuận trong hợp đồng đào tạo nghề. Nếu trong hợp đồng đào tạo nghề các bên đã nêu rõ trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo thì việc trả lại chi phí sẽ thực hiện theo thỏa thuận. Nếu có quy định về miễn trách nhiệm bồi thường chi phí đào tạo thì bạn sẽ không phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động.

Bảo An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động