Các công ty công nghệ tài chính lao đao vì làn sóng thuế quan mới của Mỹ
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Các công ty công nghệ tài chính bị ảnh hưởng lớn từ chính sách thuế quan của Mỹ. |
Tuần trước, ông Trump tuyên bố áp thuế 10% lên hàng hóa nhập khẩu từ tất cả các nền kinh tế, tạo ra làn sóng chấn động trên thị trường toàn cầu. Nhà đầu tư lo sợ thuế quan sẽ đẩy giá hàng hóa tăng cao, làm suy yếu nhu cầu tiêu dùng và có thể dẫn đến nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu.
Giữa bối cảnh đó, nhiều công ty công nghệ tài chính – vốn phụ thuộc vào khả năng chi tiêu và thanh toán khoản vay của người tiêu dùng đang đối mặt với thách thức lớn. Cổ phiếu của Affirm (AFRM.O) đã giảm hơn 21% kể từ khi ông Trump khởi động cuộc chiến thuế quan vào ngày 2/4. Robinhood (HOOD.O) cũng mất hơn 17% giá trị, trong khi SoFi (SOFI.O) – công ty cung cấp dịch vụ cho vay và ngân hàng giảm gần 20%.
Một số công ty như Affirm và Robinhood còn kiếm doanh thu từ phí giao dịch thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng, lĩnh vực có thể sụt giảm mạnh nếu người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu vì lo ngại lạm phát tăng.
Theo các chuyên gia, không giống như ngân hàng truyền thống có tệp khách hàng đa dạng, các công ty fintech thường phục vụ nhóm người có thu nhập trung bình – đối tượng dễ bị tổn thương đầu tiên trong một cuộc khủng hoảng kinh tế.
"Suy thoái thường ảnh hưởng mạnh đến các doanh nghiệp phục vụ đại chúng, trong đó có công nghệ tài chính, vì nhóm người tiêu dùng có thu nhập thấp sẽ là những người đầu tiên cắt giảm chi tiêu", James Ulan – Giám đốc nghiên cứu công nghệ mới nổi tại PitchBook nhận định.
Dữ liệu cho thấy 2,5% khoản vay hàng tháng của Affirm đã quá hạn hơn 30 ngày vào cuối quý IV/2024 tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. SoFi báo cáo chỉ 0,55% khoản vay cá nhân bị chậm thanh toán hơn 90 ngày, nhưng vẫn là tín hiệu đáng lưu ý. Trong khi đó, ngân hàng truyền thống ghi nhận tỷ lệ nợ tiêu dùng quá hạn trên 30 ngày là 2,75%, theo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
Ông John Hecht – chuyên gia phân tích tại Jefferies cảnh báo: “Nếu lạm phát quay trở lại, nó sẽ bào mòn dòng tiền dư thừa, khiến khả năng trả nợ của người tiêu dùng suy giảm nhanh chóng”.
Chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 2,5 năm vào tháng 3, theo khảo sát của Đại học Michigan. Người dân lo ngại rằng thuế quan sẽ đẩy giá cả leo thang và ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ.
Trong khi đó, ông Trump cho rằng các biện pháp của mình có thể gây “đau đớn ngắn hạn” nhưng sẽ mang lại lợi ích lâu dài, tạo thêm việc làm cho người Mỹ và thúc đẩy sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tài chính vẫn tỏ ra thận trọng. Ted Rossman, nhà phân tích cấp cao tại Bankrate, nhận xét: “Chính quyền Trump cho rằng thuế chỉ là một lần điều chỉnh giá, khác với lạm phát dài hạn. Nhưng với người tiêu dùng, giá cao vẫn là giá cao”.
Dù thị trường có nhiều biến động, một số chuyên gia vẫn giữ cái nhìn lạc quan. Nếu thuế quan của ông Trump khiến lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm, chi phí vay vốn sẽ rẻ hơn, qua đó giúp các công ty như Affirm hay SoFi mở rộng cho vay với rủi ro thấp hơn.
Ông Dan Dolev – nhà phân tích cấp cao tại Mizuho cho rằng: “Chính sách này có thể dẫn đến những hệ quả tích cực ngoài dự đoán. Tôi tin rằng thị trường đang phản ứng quá tiêu cực so với thực tế”.
Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư vẫn hy vọng rằng ông Trump có thể mở cửa đàm phán, qua đó hạ nhiệt căng thẳng thương mại và tránh được kịch bản suy thoái sâu.
“Vấn đề lớn nhất hiện nay là tâm lý. Nếu điều đó được giải tỏa sớm, thị trường có thể phục hồi rất nhanh”, nhà phân tích Nick Thompson tại Intro-act chia sẻ.
Rủi ro kinh tế toàn cầu do chính sách thuế quan mới của Mỹ | |
Phố Wall chao đảo vì căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, Dow Jones và S&P 500 lao dốc |

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại