Thứ sáu 24/01/2025 00:31

Cách chữa ngủ ngáy hiệu quả

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Với nhiều người, chuyện ngủ ngáy là hiện tượng hết sức bình thường trong giấc ngủ. Tuy nhiên, đây không phải hiện tượng sinh lý bình thường mà nó có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe nên cần được khắc phục sớm. Vậy cách chữa ngủ ngáy hiệu quả là gì là điều mà nhiều người thắc mắc.
Cách chữa ngủ ngáy hiệu quả
Ảnh minh họa.

Theo Ths.Bác sĩ Nguyễn Thành Phương - Khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Việt Tiệp (Hải Phòng), 1/3 thời gian trong cuộc đời của mỗi người là dành cho giấc ngủ. Chất lượng của giấc ngủ có liên quan mật thiết đến trạng thái tinh thần của con người. Tuy vậy, ít người nghĩ rằng giấc ngủ cũng có liên quan đến các bệnh mãn tính, khiến chúng trở nên khó điều trị hơn.

Ngủ ngáy là một tình trạng khá phổ biến và có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, cả nam và nữ. Tình trạng này không chỉ gây khó chịu cho người xung quanh mà còn ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người bệnh, bởi bệnh có thể gây ngừng thở khi ngủ dẫn đến giảm chất lượng cuộc sống. Dưới đây là một số bí quyết giúp bạn chữa bệnh ngủ ngáy và có được một giấc ngủ ngon.

Cách chữa ngủ ngáy hiệu quả

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Thành Phương, có nhiều cách chữa ngủ ngáy hiệu quả. Theo đó, nếu ngủ ngáy nghiêm trọng mà thay đổi thói quen sinh hoạt không hiệu quả thì cần đến cơ sở y tế khám, tư vấn và có thể phải điều trị bằng thuốc. Nếu nguyên nhân gây ra do các bệnh viêm nhiễm vùng mũi, họng, điều trị dứt điểm các viêm mũi họng. Nếu trẻ em ngủ ngáy nhiều nên đi khám để được tư vấn việc nạo VA hay cắt amidan.

Bên cạnh đó, thay đổi các thói quen sinh hoạt cũng là cách để có thể khắc phục tình trạng ngủ ngáy. Ví dụ như: Thay đổi tư thế ngủ, bởi nếu nằm ngửa có thể khiến cho lưỡi và vòm miệng có xu hướng đổ xuống họng gây ngủ ngáy, nằm nghiêng giúp giảm bớt tình trạng này; giảm cân: Người thừa cân béo phì thường có nguy cơ ngủ ngáy. Giảm cân là biện pháp giảm ngủ ngáy đã được chứng thực; không uống bia rượu; bỏ thuốc lá; rèn luyện thói quen ngủ nghỉ điều độ; không nên sử dụng các thuốc an thần hoặc bất cứ loại thuốc nào gây giảm trương lực cơ vùng họng.

“Cần thường xuyên thay ga giường, vỏ gối và giữ vệ sinh phòng ngủ bởi bụi nhà có thể là tác nhân gây dị ứng có thể là nguyên nhân gây ngủ ngáy. Đồng thời người ngủ ngáy cần uống nhiều nước, khi ngủ giữ đầu ở vị trí cao và không nên ăn nhiều vào bữa tối. Đặc biệt, hạn chế thức ăn chế biến từ bơ sữa trước khi đi ngủ” - bác sĩ Phương cho biết.

Cách chữa ngủ ngáy hiệu quả

Điều trị ngủ ngáy cấp độ nặng

Bác sĩ Nguyễn Thành Phương khuyến cáo, nếu ngủ ngáy kèm với chứng ngưng thở khi ngủ, thì cần đến gặp bác sĩ để có những phác đồ điều trị phù hợp.

Theo bác sĩ Phương, phác đồ điều trị được các thầy thuốc khuyến nghị gồm: Cho người bệnh thở ô xy hoặc thở máy với áp lực dương liên tục (bạn cần phải đeo mặt nạ áp lực trên mũi khi ngủ, mặt nạ gắn liền với máy bơm không khí nhỏ qua đường thở, giúp khí lưu thông liên tục) trong khi ngủ. Cách này có tác dụng gần 100% nhưng bất tiện khi người bệnh đang di chuyển trên đường hoặc ở nơi tạm trú.

Thiết bị dùng trong miệng: Gồm khuôn răng vừa vặn giúp nâng cao vị trí hàm, lưỡi và vòm miệng để giữ cho không khí đi qua. Nếu bạn chọn sử dụng thiết bị miệng, hãy tham khảo ý kiến chuyên gia nha khoa ít nhất 6 tháng một lần trong năm đầu tiên và sau đó ít nhất mỗi năm một lần để chắc chắn bạn phù hợp với thiết bị này và tình trạng sức khỏe không xấu đi.

Trong trường hợp không có kết quả, người bệnh có thể được tiến hành phẫu thuật mở rộng đường họng, chích cuống họng, cuống lưỡi, cắt amidan, cắt ngắn những phần mô thừa trong cổ họng để tăng cường lưu thông đường hô hấp. Phương pháp này thường làm người bệnh đau và vết mổ lâu lành.

Mổ Laser có thể khắc phục được những nhược điểm trên của phẫu thuật truyền thống nhưng bạn cần phải thực hiện nhiều lần để loại bỏ ngáy hoàn toàn.

Cắt bỏ mô bằng tần số sóng: Sử dụng sóng vô tuyến (radio) cường độ thấp để thu nhỏ mô trong vòm miệng và giúp giảm ngáy. Phương pháp này ít gây đau đớn hơn so với các loại phẫu thuật khác.

Ngủ ngáy nếu càng để kéo dài thì có thể dẫn đến đột tử trong lúc ngủ rất nguy hiểm. Vì vậy, tùy theo từng nguyên nhân mà bạn nên có cách điều trị phù hợp. Bạn có thể áp dụng những cách mà bài viết vừa chia sẻ ở trên để khắc phục tình trạng ngáy ngủ của mình. Khi gặp các vấn đề về sức khỏe liên quan đến ngáy ngủ, bạn nên đến bác sĩ để được thăm khám và điều trị, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Cách sử dụng dầu dừa hiệu quả giúp da mịn màng Cách sử dụng dầu dừa hiệu quả giúp da mịn màng
12 cách để cải thiện giấc ngủ hiệu quả 12 cách để cải thiện giấc ngủ hiệu quả
Bảo Long
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động