Thứ năm 23/01/2025 10:55

Cần có cơ chế phù hợp, tránh mua đi bán lại nhà ở xã hội

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Chiều 4/5, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đã chủ trì Hội nghị đại biểu Quốc hội (Đơn vị bầu cử số 3) tiếp xúc cử tri quận Nam Từ Liêm, trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV.
Cần có cơ chế phù hợp, tránh mua đi bán lại nhà ở xã hội

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại Hội nghị

Cử tri đề nghị bố trí địa điểm nhà ở xã hội phù hợp

Tại Hội nghị, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã thông tin tới cử tri Đơn vị bầu cử số 3 về thời gian, nội dung Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Theo đó, Kỳ họp dự kiến khai mạc ngày 22/5/2023 và bế mạc ngày 23/6/2023, diễn ra theo 2 đợt: Đợt 1 từ ngày 22/5 đến ngày 10/6/2023; đợt 2 từ ngày 19/6 đến ngày 23/6/2023.

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV dự kiến sẽ đề nghị Quốc hội cho phép: Bổ sung 2 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình tại 1 Kỳ họp gồm Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn...

Đồng thời, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội (Đơn vị bầu cử số 3) cũng thông báo kết quả trả lời của các cơ quan có thẩm quyền về ý kiến, kiến nghị của cử tri tại cuộc tiếp xúc cử tri lần trước.

Cần có cơ chế phù hợp, tránh mua đi bán lại nhà ở xã hội

Cử tri nêu ý kiến tại Hội nghị chiều 4/5

Tại Hội nghị, các cử tri đã bày tỏ sự đồng tình với dự kiến nội dung Kỳ họp, đồng thời nêu các kiến nghị về các vấn đề dân sinh với Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội.

Trong đó, quan tâm đến vấn đề nhà ở xã hội, cử tri Trần Đức Phú (phường Cầu Diễn) cho rằng: Khi xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cần chú ý một số vấn đề như địa điểm xây dựng phù hợp, tránh các địa điểm đã quá đông dân cư (nhất là gần thành phố), hạ tầng giao thông đã quá tải. Cùng đó, cần có cơ chế quản lý chặt chẽ đảm bảo đúng đối tượng, tránh mua đi bán lại làm cho những người có thu nhập thấp chịu nhiều tầng giá cả ảnh hưởng đến cuộc sống.

Song song việc xây nhà mới, cần soát xét kỹ các khu nhà xã hội, nhà thương mại, các khu biệt thự (còn nhiều nơi chưa có nhà ở). Đôn đốc tích cực việc sửa chữa các chung cư cũ tránh tình trạng các doanh nghiệp chỉ chú trọng đầu tư xây dựng các khu nhà mới, lãng quên việc sửa chữa các chung cư cũ.

Quan tâm đến giải pháp hạn chế ùn tắc giao thông

Các cử tri tại quận Nam Từ Liêm cũng đề nghị đại biểu Quốc hội tiếp tục quan tâm nhiều hơn đến công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, có quy hoạch tầm nhìn dài hạn trên cơ sở phân tích dự báo tốc độ gia tăng các phương tiện giao thông để hạn chế ùn tắc giao thông. Cử tri cũng đề nghị đại biểu Quốc hội quan tâm đến các giải pháp chống ngập úng cụ thể, có lộ trình nhanh hơn so với tốc độ đô thị hóa.

Về vấn đề tiền lương chung của người lao động, cử tri Bùi Thanh Sơn (phường Cầu Diễn) đề nghị Nhà nước đặc biệt quan tâm tới chế độ lương cho cán bộ, công chức, người lao động để đảm bảo cuộc sống, bởi hiện nay thu nhập của họ còn thấp, chưa đảm bảo cuộc sống so với mặt bằng chung của xã hội. Đồng thời, tăng thu nhập, tăng lương cho cán bộ, công chức cũng là giải để tránh tình trạng tham nhũng và tham nhũng vặt đang diễn ra hiện nay.

Tại cuộc tiếp xúc, các cử tri cũng đề nghị Quốc hội xem xét quan tâm hơn nữa đến chế độ phụ cấp của người hoạt động không chuyên trách cấp phường, đối với Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Phó Chủ tịch các đoàn thể chính trị xã hội, vì hiện nay mức phụ cấp thấp, không khuyến khích được sự tập trung trong thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt ở Hà Nội hiện đang thí điểm chính quyền đô thị, áp lực công việc với cán bộ không chuyên trách tại cơ sở nhiều...

Cần có cơ chế phù hợp, tránh mua đi bán lại nhà ở xã hội
Quang cảnh Hội nghị tiếp xúc cử tri tại quận Nam Từ Liêm chiều 4/5

Hà Nội đã ban hành nghị quyết về phát triển nhà ở xã hội

Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội (Đơn vị bầu cử số 3), Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đã tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của cử tri. Đồng thời nhận định, đây là những ý kiến xác đáng, nội dung liên quan đến những vấn đề lớn thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Chủ tịch HĐND TP, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đã thông tin tới cử tri về phát triển kinh tế-xã hội của TP trong quý I/1023. Theo đó, trong quý I/2023 kinh tế của Thủ đô tiếp tục tăng trưởng, GRDP quý I đạt 5,8% (cao hơn mức bình quân chung của cả nước 3,32%). Thu ngân sách 4 tháng đầu năm ước thực hiện 178 nghìn tỷ đồng (đạt 50,8% dự toán và tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2022). Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng CPI quý I chỉ tăng 1,81% so cùng kỳ.

Ngoài thực hiện các chương trình mục tiêu của Trung ương, TP cũng đang tập trung thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng như triển khai Dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô; thực hiện đầu tư, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo...

Theo Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn, trong các kết quả chung của TP có những đóng góp rất tích cực của Nhân dân và cán bộ quận Nam Từ Liêm. Quận đã triển khai bám sát các chỉ đạo của Trung ương, TP, đặc biệt là chú trọng chăm lo công tác an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng sống của người dân.

Cần có cơ chế phù hợp, tránh mua đi bán lại nhà ở xã hội
Cử tri nêu ý kiến, kiến nghị tại Hội nghị chiều 4/5

Đối với những ý kiến cụ thể của cử tri về vấn đề quy hoạch, triển khai nhà ở xã hội, Chủ tịch HĐND TP, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho biết, HĐND TP đã có nghị quyết về vấn đề này, cụ thể hóa nghị quyết, UBND TP cũng đã có kế hoạch phát triển nhà ở TP Hà Nội, trong đó đặt ra chỉ tiêu cụ thể đối với từng loại hình nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, nhà ở thương mại. Về cải tạo chung cư cũ, Trung ương và TP đã có chủ trương, đảm bảo hài hoà giữa lợi ích của người dân và phát triển.

Liên quan đến đề nghị của cử tri về giải pháp giảm ùn tắc giao thông, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn nhận định, Hà Nội có mức độ tăng dân số cơ học nhanh, phương tiện tham gia giao thông rất lớn, đặc biệt là xe máy vì vậy phát triển hạ tầng giao thông là áp lực rất lớn.

Đồng thời, đồng chí cũng cho biết, cùng với Dự án đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô đang được tập trung triển khai, TP cũng đầu tư cho dự án Quốc lộ 6; quốc lộ 1; trục Tây Thăng Long...; cùng với đó tập trung triển khai hệ thống phương tiện giao thông công cộng, dự án đường sắt đô thị tuyến Nhổn – ga Hà Nội có chạy qua địa bàn quận Nam Từ Liêm... Đây là những cơ sở hạ tầng quan trọng để góp phần giải quyết vấn đề giao thông hiện nay.

Tại hội nghị, Chủ tịch HĐND TP, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cũng giao các sở, ngành, quận có những trả lời cụ thể đến cử tri về các kiến nghị thuộc thẩm quyền.

Để người mua tiếp cận được gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng sắp kiểm tra 'điểm nóng' nhà ở xã hội rao bán tiền chênh
Thịnh An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động