Cần xem xét lại quy định đấu giá đất để “bịt” những kẽ hở
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênẢnh minh họa |
1 trong 58 lô đấu giá tại Sóc Sơn được trả tới 30 tỷ đồng/m2, nhưng đến vòng cuối cùng thì tất cả những người “thổi giá” đều đồng loạt bỏ cuộc, chỉ còn lại 22/58 lô đất đấu giá thành công.
Sự việc tương tự lại diễn ra ở huyện Thanh Oai (Hà Nội) vào ngày 30/11. UBND huyện Thanh Oai đã tổ chức đấu giá 22 lô đất ở tại xã Đỗ Động. Các vòng đầu, việc đấu giá diễn ra bình thường. Đến vòng thứ 8, giá cao nhất được trả là 70,3 triệu đồng/m2 nhưng do khách hàng đồng loạt bỏ cuộc nên các lô đất đấu giá đều không thành công. UBND huyện Thanh Oai đã đề nghị cơ quan công an xác minh vụ việc.
Theo nhận định của lãnh đạo huyện Thanh Oai, thời gian gần đây các phiên đấu giá đất trên địa bàn huyện phần lớn ghi nhận sự tham gia từ doanh nghiệp nhà đất hoặc những đội nhóm môi giới bất động sản nên khả năng có sự liên kết, thông đồng đẩy giá, nếu không hợp ý sẽ tự ý trả giá kiểu “phá bĩnh” để lô đất bị treo, đấu không thành công. Điều này gây ra khó khăn cho phía cơ quan quản lý Nhà nước, lãng phí nguồn lực tổ chức và tiêu thu ngân sách của địa phương.
Quay trở lại vụ việc ở Sóc Sơn, tối ngày 2/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã bắt khẩn cấp, tạm giữ hình sự 5 đối tượng liên quan đến sự việc này.
Thông tin từ cơ quan điều tra cho biết, đối tượng Phạm Ngọc Tuấn (SN 1991, trú tại thị trấn Đông Anh, Hà Nội) muốn chắc chắn trúng đấu giá được các lô đất như ý, nên đã thỏa thuận, bàn bạc với một nhóm đối tượng về việc cùng tham gia đấu giá và bàn bạc thống nhất sẽ thực hiện việc nâng giá tại buổi đấu giá. Tuấn đã đưa ra bảng giá tham khảo đối với từng lô đất do Tuấn tính toán, chuẩn bị từ trước. Theo bảng tính này, các lô đất có giá trị dao động khoảng từ 20 triệu đồng đến 32 triệu đồng/m2, ước tính từ 1,7 tỷ đồng - 3,9 tỷ đồng/lô đất.
Các đối tượng xác định đây là giá cao nhất có thể mua của từng lô đất nên nếu ở vòng thứ 4, người trả giá cao nhất vẫn ở dưới mức giá Tuấn đã ghi trong bảng tính thì nhóm của Tuấn sẽ tham gia tiếp vòng thứ 5 và vòng thứ 6, nhưng không trả giá vượt quá mức giá do Tuấn đã thẩm định. Nếu vòng thứ 4 có người trả giá vượt mức giá tối đa do Tuấn đưa ra thì các đối tượng sẽ đưa ra một mức giá cao bất thường tại vòng thứ 5, nhưng bỏ đấu giá tại vòng cuối cùng (vòng thứ 6). Vì vậy, việc đấu giá sẽ buộc phải dừng để tổ chức đấu giá lại vào lần sau, do không đấu giá đủ 6 vòng theo quy chế. Khi đó các đối tượng sẽ không mất tiền đặt cọc và sẽ có cơ hội tiếp tục tham gia đấu giá lần sau để mua được lô đất như mong muốn.
Theo nhận định của các chuyên gia, việc đấu giá đất qua nhiều vòng chính là một kẽ hở trong quy định luật pháp để đội nhóm đầu cơ, thổi giá cao bất thường để loại bỏ đối thủ, rồi bỏ cuộc trước khi cuộc đấu giá kết thúc khiến phiên đấu giá thất bại. Đây là hành vi gian lận và lách luật, gây thiệt hại lớn cho ngân sách và tạo ra tâm lý bất an cho các nhà đầu tư nghiêm túc. Cùng với đó, mức tiền cọc chỉ là 20% giá trị thửa đất theo giá khởi điểm, trong khi giá khởi điểm thấp hơn khoảng 10 lần giá thị trường. Tiền cọc quá thấp nên người đấu giá không ngần ngại bỏ cọc
Theo quy định hiện hành, các phiên đấu giá đất phải trải qua tối thiểu 6 vòng đấu. Tuy nhiên, luật không ràng buộc việc phải hoàn thành đến cuối phiên, và các đối tượng tham gia có thể rút lui vô điều kiện. Điều này tạo ra kẽ hở để các nhóm đầu cơ lợi dụng.
Vì thế, cần xây dựng chế tài nghiêm khắc, các đối tượng phá hoại cần bị xử lý, đồng thời cấm tham gia các phiên đấu giá khác trong thời gian dài hoặc tịch thu toàn bộ tiền cọc.
Có dấu hiệu gây rối trật tự công cộng? | |
Đấu giá đất tại huyện Thanh Oai: lô đất có giá trúng cao nhất là 90,3 triệu đồng/m2 |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại