Thứ hai 31/03/2025 13:02

Cảnh giác với thủ đoạn nhờ mua hộ tiền số

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Chiêu thức phổ biến của các đối tượng lừa đảo là đăng tải những bài viết nhờ mua hộ các loại tiền số trên các nền tảng mạng xã hội với lời hứa hẹn hoa hồng hấp dẫn từ 10 đến 20%.
Cảnh giác với thủ đoạn nhờ mua hộ tiền số
Những nhóm dịch vụ hỗ trợ thu hồi tiền bị lừa đảo tràn lan trên nền tảng Facebook. Ảnh chụp màn hình

Các đối tượng lừa đảo thường sử dụng tài khoản mạng xã hội ảo như Facebook, Telegram, Zalo không chính chủ để đăng tải nội dung kêu gọi mua hộ tiền số như USDT, Bitcoin, Pi... và đưa ra mức hoa hồng hấp dẫn nhằm thu hút sự chú ý. Sau khi nạn nhân đồng ý giao dịch và chuyển tiền số vào các ví điện tử do đối tượng cung cấp, chúng sẽ gửi lại hình ảnh giao dịch đã được chỉnh sửa bằng các ứng dụng để tạo cảm giác tin tưởng. Tuy nhiên, thực tế, số tiền nạn nhân bị rút sạch ngay sau đó. Khi nạn nhân phát hiện và liên lạc để đòi lại tiền, các đối tượng nhanh chóng chặn liên lạc, cắt đứt mọi dấu vết.

Cảnh giác với thủ đoạn nhờ mua hộ tiền số
Một nạn nhân ở Nha Trang (Khánh Hòa) bị các đối tượng lừa đảo số tiền 3 triệu đồng khi nhờ mua tiền số qua mạng xã hội. Ảnh: CACC

Một thủ đoạn khác mà các đối tượng áp dụng là nhắm vào những người có nhu cầu đổi tiền Việt Nam (VNĐ) sang tiền số như USDT. Đối tượng sẽ giả vờ chuyển tiền số vào ví điện tử của nạn nhân, kèm theo hình ảnh bill giao dịch đã chỉnh sửa. Sau đó, nạn nhân chuyển tiền VNĐ vào tài khoản ngân hàng do đối tượng chỉ định. Tuy nhiên, khi kiểm tra kỹ ví điện tử, nạn nhân mới phát hiện số tiền số nhận được không khớp với giao dịch, thậm chí là không có thật. Lúc này, nạn nhân không thể liên hệ lại với đối tượng do chúng đã chặn số hoặc xóa tài khoản. Đáng chú ý, các đối tượng thường hoạt động trên những nền tảng không được kiểm duyệt chặt chẽ như Telegram nên việc truy vết rất khó khăn.

Ngoài ra, nhiều đối tượng còn lợi dụng tâm lý hoang mang của nạn nhân để tiếp tục lừa đảo bằng việc xuất hiện hàng loạt trang web, fanpage Facebook hoặc nhóm Telegram tự xưng là “Dịch vụ hỗ trợ lấy lại tiền” cho các nạn nhân bị lừa đảo bằng những lời quảng cáo hấp dẫn với cam kết sẽ lấy lại được tiền với chi phí nhỏ. Tuy nhiên, đây tiếp tục lại là những bẫy lừa. Các đối tượng này thường yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, hoặc thậm chí nộp một khoản "phí dịch vụ” để “xử lý hồ sơ”. Sau khi nhận được tiền hoặc thông tin, các đối tượng lừa đảo lại biến mất.

Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân không nên tham gia vào các giao dịch tiền số, tiền mã hóa, tiền ảo; không tham gia các giao dịch không rõ nguồn gốc, đặc biệt là những lời mời gọi mua hộ tiền số với hoa hồng cao bất thường từ các tài khoản mạng xã hội lạ; tuyệt đối không chia sẻ thông tin tài khoản ngân hàng hoặc dữ liệu cá nhân cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào tự xưng hỗ trợ lấy lại tiền trên mạng xã hội.

Trường hợp là nạn nhân cần liên hệ ngay với cơ quan công an để được hỗ trợ, không tìm đến các dịch vụ không rõ ràng trên mạng. Mỗi người dân cần tỉnh táo, cẩn trọng trong mọi giao dịch trực tuyến, đặc biệt là những lời mời gọi hấp dẫn bất thường. Sự cảnh giác của cá nhân, kết hợp với sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng sẽ là lá chắn hiệu quả để đẩy lùi tội phạm công nghệ cao.

Chia sẻ kinh nghiệm quản lý, vận hành sàn giao dịch tài sản số tập trung Chia sẻ kinh nghiệm quản lý, vận hành sàn giao dịch tài sản số tập trung
Ngô Sơn
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động