Thứ sáu 25/07/2025 09:03

Chính quyền địa phương 2 cấp: đảm bảo hiệu quả công tác tư pháp ở địa phương

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, điều chỉnh địa giới hành chính, mở rộng không gian phát triển của từng địa phương, đặt ra những yêu cầu mới đối với công tác tư pháp ở cả cấp tỉnh và cấp xã.
Cán bộ tư pháp – hộ tịch giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Điểm tiếp nhận, phục vụ hành chính công phường Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: Nguyên Bảo
Cán bộ tư pháp – hộ tịch giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Điểm tiếp nhận, phục vụ hành chính công phường Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: Nguyên Bảo

Với mô hình này, quyền hạn, trách nhiệm của từng cấp được xác định lại theo hướng tinh gọn, gần dân và sát thực tiễn hơn. Tuy nhiên, qua thực tiễn vận hành đã phát sinh những vướng mắc trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, trong đó có cấp cơ sở - nơi trực tiếp thực hiện phần lớn thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến người dân và DN.

Để bảo đảm hiệu quả công tác tư pháp ở cơ sở, Bộ Tư pháp đã xây dựng chương trình, triển khai tổ chức tập huấn thiết lập các điểm cầu đến các Sở Tư pháp và hơn 3.000 điểm cầu đến cấp xã những nội dung cần thiết cấp bách của công tác tư pháp địa phương, nhằm kịp thời cung cấp thông tin, hướng dẫn thực hiện những nhiệm vụ mới, nội dung mới trong tổ chức thực hiện công tác tư pháp địa phương. Cùng với đó, Bộ Tư pháp đã tổng hợp các câu hỏi từ các nguồn kiến nghị, phản ánh khó khăn, vướng mắc từ các Sở Tư pháp địa phương. Sau đó, rà soát, biên tập thành Bộ hỏi đáp theo hướng ngắn gọn, rõ ràng và chính xác đăng tải lên Cổng Pháp luật quốc gia tại Chuyên mục “phân cấp, phân quyền” để kịp thời hướng dẫn cho địa phương trong thực hiện nhiệm vụ.

Chia sẻ về những điểm mới về phân định thẩm quyền trong lĩnh vực hộ tịch, Phó Cục trưởng Cục Hành chính tư pháp Nhâm Ngọc Hiển cho biết, về thẩm quyền mới của UBND cấp xã, bên cạnh việc đăng ký sự kiện hộ tịch thông thường, UBND cấp xã còn thực hiện đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài, bao gồm các trường hợp liên quan đến công dân Việt Nam và người nước ngoài và khai thác Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, sử dụng dữ liệu để xác nhận thông tin hộ tịch và các nghiệp vụ liên quan.

Về phân định thẩm quyền, phân cấp và một số lưu ý trong hồ sơ giải quyết một số thủ tục về nuôi con nuôi theo quy định mới, ông Nhâm Ngọc Hiển cho biết, với việc giải quyết nuôi con nuôi trong nước, giấy khám sức khỏe của người nhận con nuôi và của người được giới thiệu làm con nuôi trong nước do bệnh viện đa khoa hoặc phòng khám đa khoa hoặc trung tâm y tế khu vực cấp. Đối với việc tiếp nhận hồ sơ, trường hợp người nhận con nuôi lựa chọn nộp hồ sơ không phải tại UBND cấp xã nơi có thẩm quyền giải quyết việc nuôi con nuôi, UBND cấp xã nơi tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm hỗ trợ người nhận con nuôi nộp hồ sơ đăng ký nuôi con nuôi trực tuyến đến đúng UBND cấp xã có thẩm quyền theo quy định.

Ngoài ra, về tình hình triển khai Hệ thống thông tin đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử, từ ngày 1/7/2025, Phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch mới chính thức được vận hành trên toàn quốc theo mô hình chính quyền 2 cấp với một số nghiệp vụ cốt lõi. Hệ thống đã cung cấp hầu hết các nghiệp vụ hộ tịch cơ bản, đáp ứng nhu cầu đăng ký hộ tịch của người dân…

Trong bối cảnh tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp mới chính thức vận hành sẽ xuất hiện những vướng mắc trong quá trình vận hành mô hình mới cũng như ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Do đó, để hoàn thành các nhiệm vụ ngành Tư pháp từ nay đến cuối năm, lãnh đạo Bộ Tư pháp chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ, lãnh đạo các Sở Tư pháp rà soát các chương trình, kế hoạch, tập trung nguồn lực hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, ngành Tư pháp.

Các đơn vị thuộc Bộ cần phối hợp với các địa phương kịp thời nắm bắt tình hình, tiếp nhận các phản ánh để tháo gỡ, giải đáp, hướng dẫn các địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ mới về phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền trong lĩnh vực tư pháp khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Đồng thời, tăng cường quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng các dịch vụ công; tăng cường công tác phối hợp trong thực hiện công tác kiểm tra đối với hoạt động tư pháp tại địa phương, nhất là lĩnh vực bổ trợ tư pháp. Sở Tư pháp các địa phương tiếp tục tham mưu UBND cấp tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kiện toàn, bố trí cán bộ trực tiếp làm công tác tư pháp ở cấp tỉnh và cấp xã đủ về số lượng, có phẩm chất, năng lực để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ tư pháp trong giai đoạn mới.

Đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp trong năm 2025
Thủ tục yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở
Sở Tư pháp TP Hà Nội: ứng dụng chuyển đổi số trong công tác tư pháp
Bạch Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động