Nâng cao chất lượng công tác giám định, định giá tài sản
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Chất lượng hoạt động giám định tư pháp, định giá tài sản ngày càng được nâng cao. |
Theo báo cáo của Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp), với việc ban hành Luật Giám định tư pháp năm 2012 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020), Nghị định 30/2018/NĐ-CP ngày 7/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản, trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự, các văn bản hướng dẫn thi hành và việc tổ chức triển khai thống nhất, đồng bộ trong thực tiễn đã góp phần thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về giám định tư pháp, định giá tài sản ở các lĩnh vực.
Tạo chuyển biến tích cực trong công tác giám định tư pháp, định giá tài sản; đội ngũ người làm giám định tư pháp, định giá tài sản, hệ thống tổ chức giám định tư pháp, mạng lưới Hội đồng định giá tài sản tiếp tục được củng cố và phát triển; chất lượng hoạt động giám định tư pháp, định giá tài sản ngày càng được nâng cao; quản lý Nhà nước về giám định tư pháp từng bước đổi mới, đi vào chiều sâu và toàn diện hơn.
Song, một số chủ trương, đường lối của Đảng về giám định tư pháp, định giá tài sản chưa được thể chế hóa, cụ thể hóa kịp thời, đầy đủ. Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và nâng cao nhận thức về công tác giám định tư pháp, định giá tài sản hiệu quả chưa cao.
Chất lượng một số văn bản quy phạm pháp luật về giám định tư pháp, định giá tài sản còn hạn chế, có nội dung còn bất cập, tính ổn định, khả thi chưa cao, ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án của cơ quan tiến hành tố tụng, hoạt động tư pháp. Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động giám định tư pháp, định giá tài sản chưa được tiến hành thường xuyên…
Trước yêu cầu của công tác cải cách tư pháp, cải cách hành chính, sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giám định tư pháp, định giá tài sản cần được đẩy mạnh hơn nữa. Trên cơ sở đó, việc xây dựng Đề án tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giám định tư pháp, định giá tài sản là cần thiết.
Theo ông Nguyễn Văn Tuyến – cán bộ Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an TP Hà Nội, từ năm 2020 đến nay, Phòng Kỹ thuật hình sự đã tổ chức giám định hơn 44,6 nghìn vụ, kết luận hơn 1,4 triệu yêu cầu. Xác lập, củng cố chứng cứ phục vụ cho công tác điều tra, giải quyết, xử lý các vụ việc về an ninh chính trị, phạm pháp kinh tế, phạm pháp hình sự và tệ nạn xã hội.
Để nâng cao hiệu quả công tác giám định tư pháp trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Tuyến đề nghị sửa đổi Luật Giám định tư pháp theo hướng mở rộng lĩnh vực giám định pháp y cho Phòng Kỹ thuật hình sự được giám định thương tích; định kỳ giữa Bộ Tư pháp, Bộ Công an và các đơn vị có liên quan tổ chức sơ kết, tổng kết các chuyên đề nghiệp vụ trong công tác giám định kỹ thuật hình sự và pháp y, thông qua đó đánh giá các phương thức, thủ đoạn mới của các loại tội phạm để có những kiến nghị, đề xuất phục vụ công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm.
Ông Nguyễn Duy Đại – cán bộ Vụ Pháp chế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho rằng, nội dung trưng cầu giám định tư pháp còn có nhiều vướng mắc, hạn chế. Trong đó, một số nội dung trưng cầu giám định còn yêu cầu người giám định tư pháp phải xác định hành vi đúng hay sai cũng như phải xác định trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức đối với thiệt hại xảy ra.
Hoặc một số quyết định trưng cầu giám định không thể hiện rõ chủ thể được trưng cầu hoặc chưa xác định cơ quan đầu mối, cơ quan phối hợp hoặc chưa đến mức phải trưng cầu giám định… Do đó, ông Nguyễn Duy Đại đề nghị bổ sung hoàn thiện quy định về “trưng cầu giám định tư pháp”, theo hướng: quy định rõ, chặt chẽ hơn về “nội dung yêu cầu giám định” nhằm xác định rõ tính chất chuyên môn của nội dung, đối tượng cần giám định, những trường hợp, nội dung được trưng cầu và trường hợp, nội dung không được trưng cầu, tránh trường hợp lạm dụng trưng cầu giám định tư pháp hoặc gây khó khăn cho cá nhân, tổ chức thực hiện trưng cầu.
![]() | Giải pháp khắc phục hạn chế trong giám định tư pháp |
![]() | Siết chặt công tác quản lý trong lĩnh vực giám định pháp y, pháp y tâm thần |
![]() | Có thể phục hồi điều tra với người giả bị tâm thần? |

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại