Thứ năm 23/01/2025 11:07

Chuyển đổi số tạo “cú hích” phát triển du lịch Hà Nội

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Năm 2023, ngành du lịch Hà Nội đạt ngưỡng mục tiêu đón 24 triệu lượt khách. Tính chung 11 tháng năm 2023, khách quốc tế đến Hà Nội đạt gần 2.940 nghìn lượt người, gấp 3 lần cùng kỳ năm trước. 11 tháng năm 2023, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 4,5 triệu lượt người, tăng gấp 2 lần cùng kỳ năm trước. Những con số biết nói đã ghi nhận nỗ lực của TP Hà Nội trong việc thực hiện các chính sách kích cầu du lịch, đặc biệt là xây dựng các mô hình chuyển đổi số về du lịch, góp phần đưa ngành du lịch Hà Nội phát triển mạnh mẽ và dự báo nhịp độ tăng trưởng sẽ có nhiều bứt phá năm 2024.
Giới trẻ trải nghiệm tour đêm đặc sắc “Tinh hoa đạo học” dựa trên sự hỗ trợ của công nghệ trình chiếu mapping 3D tiên tiến, sản phẩm công nghệ kính ảo đêm. Ảnh: Khánh Huy
Giới trẻ trải nghiệm tour đêm đặc sắc “Tinh hoa đạo học” dựa trên sự hỗ trợ của công nghệ trình chiếu mapping 3D tiên tiến, sản phẩm công nghệ kính ảo đêm. Ảnh: Khánh Huy

Chủ trương “đi tắt, đón đầu”

Một ngày tháng 11, tại di tích lịch sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đoàn khách du lịch quốc tế Malaysia gồm 24 người do hướng dẫn viên Mai Quốc Huy dẫn đoàn bày tỏ hài lòng khi không phải xếp hàng dài để làm thủ tục mua vé, xuất trình vé. Trên chiếc điện thoại thông minh có gắn mã code QR, chỉ một thao tác check-in qua hệ thống soát vé tự động, anh Mai Quốc Huy đã hoàn thành công việc đăng ký cho đoàn khách quốc tế vào thăm quan di tích.

Chia sẻ tiện ích của vé điện tử, anh Mai Quốc Huy cho biết đem lại sự thuận tiện và hài lòng cho mỗi du khách. Du khách có thể chủ động đặt trước vé, mua vé phục vụ các đoàn khách du lịch đông người, dễ dàng tra cứu lịch sử mua vé, lịch sử sử dụng, tra cứu hóa đơn và lưu trữ vé dưới nhiều hình thức linh hoạt, tránh được trường hợp mất vé. Đồng thời hướng tới chung tay bảo vệ môi trường, loại bỏ vé giấy truyền thống.

Điểm đến di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng là khu di tích đầu tiên tại Hà Nội áp dụng vé điện tử với sự hỗ trợ của Trung tâm Thông tin du lịch Việt Nam, một bước đột phá trong việc đổi mới công tác quản lý thông qua chuyển đổi số. Khởi động từ ngày 13/5/2022, hệ thống vé điện tử đã tạo bước đột phá trong công tác quản lý du lịch nhằm nâng cao trải nghiệm cho du khách tới tham quan khu di tích. Thành công từ di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hệ thống vé điện tử đã được áp dụng tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, Đền Quán Thánh. Nhiều du khách đánh giá cao về tiện ích và hiệu quả của hệ thống vé điện tử.

Việc ra mắt hệ thống vé điện tử là một trong các hoạt động chuyển đổi số hoạt động du lịch là những nỗ lực của Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám nhằm tạo ra các sản phẩm mới hấp dẫn, giàu tính công nghệ và tiện ích.

Với phương châm “đi tắt, đón đầu” về công nghệ số, từ tháng 6/2023, nhằm hướng tới phục vụ nhu cầu tham quan, rút ngắn quá trình làm thủ tục mua vé, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám nâng cấp hệ thống vé điện tử tích hợp biên lai điện tử. Qua mã quét QR in trên vé theo hình thức biên lai điện tử giúp cho du khách dễ dàng tra cứu về ngày giờ thực xuất vé, số series, tra cứu trên hệ thống để quản lý vé.

Ngoài tiện ích về thủ tục mua vé, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám nỗ lực tìm kiếm các giải pháp về công nghệ số như số hóa 82 bia tiến sĩ, triển khai mã QR cho 40 hạng mục của di tích; hỗ trợ thuyết minh tự động bằng nhiều ngôn ngữ cho du khách (Audio Guide),… Đầu tháng 11/2023, đơn vị tiếp tục trình làng sản phẩm tour đêm đặc sắc “Tinh hoa đạo học” dựa trên sự hỗ trợ của công nghệ trình chiếu mapping 3D tiên tiến, sản phẩm công nghệ kính ảo đêm đến cho du khách trải nghiệm độc đáo, mới lạ.

Nhiều du khách tham quan đánh giá đây thực sự là một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt so với tour truyền thống ban ngày. Diện mạo mới của di tích trăm năm tuổi đã trở thành điểm đến yêu thích của du khách và giới trẻ, sẽ là lựa chọn tour tham quan hấp dẫn sau khung giờ 18h tại Hà Nội.

Việc ra mắt tour đêm “Tinh hoa đạo học” còn trở thành điểm đến du lịch ấn tượng khi sắp tới, Hà Nội nghiên cứu thành lập tuyến phố đi bộ tại khu vực Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Trong ngày ra mắt sản phẩm tour đêm “Tinh hoa đạo học”, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết: “Qua đại dịch Covid -19, Trung tâm nhận thấy cần thiết có sự đổi mới để thích ứng được với những thay đổi hiện nay, nhất là trong bối cảnh Hà Nội đang phát triển ngành công nghiệp văn hóa, hướng mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Hiện nay, Trung tâm đã xây dựng sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu tốt hơn cho du khách khi đến tham quan Hà Nội. Thời gian tới, Trung tâm sẽ hoàn thiện sản phẩm ngày càng tốt hơn để di tích trở nên hấp dẫn, trở thành trung tâm sáng tạo của Hà Nội”.

Sau thành công của tour đêm Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Giải mã Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Văn học Việt Nam, chương trình “Huyền thoại tuổi thanh xuân” của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và không gian trải nghiệm nghệ thuật chiếu sáng tại phố cổ mang tên “Đêm Hà Nội - Điểm chạm của những cảm xúc”, tour đêm “Tinh hoa đạo học” tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám hứa hẹn trở thành không gian sáng tạo đặc biệt giữa lòng Thủ đô.

Du khách tham quan tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh Khánh Huy
Du khách tham quan tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh Khánh Huy

Chuyển đổi số là “chìa khóa” tạo sức hút du lịch bền vững

Thời gian qua, ngành du lịch Hà Nội đã quyết tâm tập trung làm mới các sản phẩm, dịch vụ, cơ sở vật chất, nhân lực, quảng bá, xúc tiến và đặc biệt là chuyển đổi số trong ngành du lịch một cách thiết thực, hiệu quả.

Theo ông Trần Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, đến nay, TP đã triển khai phần mềm cơ sở dữ liệu toàn ngành du lịch (dulich.myhanoi.vn) và đưa vào khai thác đầu năm 2023. Các DN kinh doanh du lịch về lữ hành, lưu trú, vận chuyển, điểm đến du lịch trên địa bàn Hà Nội tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh.

Xác định mục tiêu chuyển đổi số là cơ hội, tại nhiều điểm đến Hà Nội như Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, làng gốm Bát Tràng, Nhà tù Hỏa Lò, phố cổ Hà Nội đã xây dựng ứng dụng tham quan ảo và hệ thống thuyết minh tự động Audio Guide, góp phần nâng cao chất lượng chuyến tham quan.

Tại đây, khách được trải nghiệm công nghệ thực tế ảo VR 360 tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, công nghệ QR Code (mã vạch hai chiều) cho các hạng mục, hiện vật tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ứng dụng du lịch thông minh tại Trung tâm Thông tin du lịch làng nghề Bát Tràng; hệ thống thuyết minh tự động đa ngôn ngữ Việt, Anh, Nhật, Hàn, Pháp... trên xe buýt 2 tầng Hà Nội City Tour. Các sản phẩm du lịch mới cùng với sự tiện lợi của hoạt động chuyển đổi số du lịch góp phần giữ chân khách quốc tế ở lại Hà Nội lâu hơn.

Thông tin từ Sở Du lịch Hà Nội, tính chung 11 tháng, tổng du khách đến Hà Nội đạt 22,6 triệu lượt khách, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 11 tháng năm 2023, khách quốc tế đến Hà Nội đạt gần 2.940 nghìn lượt người, gấp 3 lần cùng kỳ năm trước; khách du lịch nội địa ước đạt 18,5 triệu lượt khách, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 84,25 nghìn tỷ đồng, tăng 58,4% với cùng kỳ năm trước. Vượt mốc chỉ tiêu đón khách và hoàn thành mục tiêu về tổng doanh thu đề ra, kết quả là thành công ngoài mong đợi của ngành du lịch Hà Nội.

Theo bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, du lịch Thủ đô bứt phá nhờ chính sách kích cầu du lịch của TP Hà Nội và nỗ lực vượt bậc của ngành du lịch Thủ đô trong việc tạo bản sắc riêng với các sản phẩm du lịch đặc sắc và ứng dụng chuyển đổi số.

Năm 2023 được đánh giá gặt hái “mùa vàng” từ chuỗi hoạt động lễ hội. Dấu ấn kể tới là Festival Thu Hà Nội lần đầu tiên được tổ chức mang đến cho người dân và du khách những trải nghiệm hấp dẫn về “đặc sản” ẩm thực Thủ đô. Vỏn vẹn 3 ngày tổ chức đã thu hút hơn 80.000 lượt khách tham quan, trải nghiệm.

Tiếp nối thành công, Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội 2023, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội 2023 thu hút hàng trăm nghìn lượt khách tham quan.

Trong đó, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội thực sự là một “cú nổ” ấn tượng. Lần đầu tiên, một lễ hội diễn ra ở địa điểm xa trung tâm TP, trái ngược với dự cảm vắng vẻ ban đầu thì không gian sáng tạo đặc sắc tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm đã gắn kết không gian địa lý và các công trình kiến trúc trăm năm tuổi, sự kiện là hoạt động TP Hà Nội hướng tới thực hiện cam kết của UNESCO khi trở thành “TP sáng tạo”.

Cùng với đó là dấu ấn khi nhiều nhà hàng, quán ăn ngon được xếp sao Michelin. Đặc biệt, việc Hà Nội tổ chức thành công sự kiện âm nhạc quốc tế của nhóm nhạc BlackPink tại SVĐ Mỹ Đình thu hút hơn 60.000 khán giả, tiếp tục khẳng định thương hiệu “TP của sự kiện”.

Du khách check-in qua hệ thống soát vé điện tử. Ảnh: Mộc Miên
Du khách check-in qua hệ thống soát vé điện tử. Ảnh: Mộc Miên

Trải nghiệm du lịch trên không gian số

Trên tiềm năng sẵn của 5.922 di tích lịch sử văn hóa, cùng với các hoạt động tích cực trong chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực, nhiều đơn vị quận, huyện trên địa bàn Hà Nội đã ra mắt các sản phẩm du lịch đặc sắc.

Thành đoàn Hà Nội và các cơ sở Đoàn thanh niên đã đẩy mạnh triển khai số hóa các di tích lịch sử trên địa bàn TP, mang đến trải nghiệm hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước.

Thông tin từ Thành đoàn Hà Nội, mô hình số hóa di tích của đoàn thanh niên TP đã triển khai số hóa 322 địa chỉ đỏ. Cùng với đó, tại cơ sở Đoàn thanh niên các quận, huyện, thị xã cũng triển khai số hóa các di tích trên địa bàn, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất thông tin, góp phần thuận lợi hơn trong việc lưu giữ cũng như quảng bá các giá trị văn hóa của địa phương ở Thủ đô.

Tiêu biểu là các công trình thanh niên “Số hóa di tích lịch sử - Quảng bá du lịch quận Ba Đình”. Khởi động từ tháng 5/2022, công trình thanh niên “Số hóa di tích lịch sử - Quảng bá du lịch quận Ba Đình” đã trở thành “điểm hẹn du lịch” của du khách yêu thích trải nghiệm du lịch trên không gian số.

Các bạn trẻ đã tích hợp 5 địa danh nổi tiếng trên địa bàn quận Ba Đình gồm: Đền Voi Phục, Hoàng Thành Thăng Long, Đền Quán Thánh, Bảo tàng Lịch sử Quân sự, Bảo tàng Mỹ thuật qua tour du lịch ảo “Ba Đình 360 độ”. Ngoài hình ảnh chân thực, sống động, quận đoàn Ba Đình còn tích hợp hướng dẫn viên du lịch ảo với hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh để có thể cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho du khách.

Tương tự, Đoàn thanh niên phường Hàng Trống quận Hoàn Kiếm còn ra mắt Đội hình Tuyên truyền Văn hóa Thăng Long Hà Nội tại các điểm di tích trên địa bàn phường với phương châm “Tuổi trẻ Hoàn Kiếm, phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xây dựng Thủ đô, nghìn năm văn hiến.

Ngày 18/11/2023, quận Tây Hồ ra mắt trang thông tin quảng bá du lịch Tây Hồ 360 độ. Là trung tâm du lịch lớn Thủ đô với 71 di tích lịch sử, với những di tích nổi tiếng như: Chùa Trấn Quốc, Phủ Tây Hồ, chùa Kim Liên, chùa Tảo Sách, đền Đồng Cổ… Bên cạnh đó, quận có nhiều làng nghề truyền thống như: Đào Nhật Tân, Phú Thượng, Quất cảnh Tứ Liên, Quảng Bá, Trà sen Quảng An, Cá cảnh Yên Phụ, Xôi Phú Thượng, giấy Dó (Bưởi)… Đây là một lợi thế để quận Tây Hồ phát triển du lịch với nhiều điểm đến hấp dẫn.

Chỉ cần một click trên thiết bị điện tử, trang thông tin “Tây Hồ 360” được xây dựng là sản phẩm du lịch công nghệ số với nhiều tính năng: Số hóa các di tích lịch sử văn hóa, lễ hội và điểm đến thương mại, dịch vụ du lịch bằng ứng dụng công nghệ tiên tiến (thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường VR360).

Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Bùi Thị Lan Phương cho rằng, việc đưa và hoạt động trang thông tin Tây Hồ 360 trên không gian số là việc làm khẳng định quyết tâm và nỗ lực của quận Tây Hồ trong việc xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn dựa trên những tiềm năng lợi thế của quận, góp phần vào việc thúc đẩy phát triển thương hiệu “TP sáng tạo” của Thủ đô Hà Nội đã được UNESCO vinh danh.

Sau 1 tháng ra mắt, trang du lịch trực tuyến “Tây Hồ 360” đã có tổng lượt truy cập hơn 1,3 triệu lượt, mỗi ngày trung bình có khoảng 200 - 300 lượt truy cập.

Hiệu quả của việc triển khai số hóa di tích, di sản địa phương là thước đo lượng khách, qua đó đưa ra những dữ liệu thực tế cho ngành du lịch trong việc tạo lập cơ sở dữ liệu phục vụ quá trình chuyển đổi số trong ngành văn hóa, du lịch. Tạo tiền đề để quận Tây Hồ thực hiện các Đề án nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của các làng nghề truyền thống về giấy dó, chè sen, hoa đào, quất cảnh… và tập trung phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động Không gian văn hóa sáng tạo Tây Hồ gắn phố Trịnh Công Sơn với các hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật, triển lãm, giới thiệu sản phẩm làng nghề…

Bên cạnh những thuận lợi, thách thức của chuyển đổi số về đòi hỏi ngành du lịch Hà Nội cần triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu liên dịch vụ du lịch. Cần ban hành có hướng dẫn về bộ tiêu chuẩn chung cho chuyển đổi số du lịch hướng tới 4 đối tượng: Khách du lịch, người dân, DN hoạt động du lịch và cơ quan quản lý du lịch. Qua đó, nâng cao công tác đào tạo nhân sự du lịch công nghệ số, để chuyển đổi số thực sự là “đòn bẩy” cho du lịch Thủ đô “cất cánh”.

Là TP có nhiều di tích nhất cả nước, với gần 5.922 di tích, 1.026 lễ hội, 1.350 làng nghề, Thủ đô Hà Nội có đầy đủ tiềm năng để phát triển nhiều loại hình du lịch. Cùng với nền tảng sẵn có của các điểm đến di tích, văn hóa, ẩm thực là lợi thế để Hà Nội thực hiện bước chuyển mình cùng chuyển đổi số.
Tuyến phố ẩm thực đêm tạo “thương hiệu” du lịch Hà Nội
Hiệu quả triển khai vé điện tử tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Năm 2024, Hà Nội phấn đấu đón khoảng 27 triệu lượt khách du lịch
Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»
Khương "liều" - Duy Hưng góp mặt trong Táo Quân 2025

Khương "liều" - Duy Hưng góp mặt trong Táo Quân 2025

Khương "liều" - Duy Hưng là gương mặt mới của Táo Quân 2025. Nam diễn viên được kỳ vọng sẽ cùng các nghệ sĩ trẻ mang đến món ăn tinh thần hấp dẫn dành tặng khán giả.
Danh ca Phương Dung hội ngộ khán giả Thủ đô trong minishow “Một thời để nhớ”

Danh ca Phương Dung hội ngộ khán giả Thủ đô trong minishow “Một thời để nhớ”

Ở tuổi gần 80, danh ca Phương Dung xuất hiện với vẻ ngoài trẻ trung, tươi tắn và khỏe mạnh đáng kinh ngạc trong minishow “Một thời để nhớ” tại Hà Nội. Trong đêm nhạc, “Nhạn trắng Gò Công” Phương Dung được gặp gỡ, hát và chia sẻ những câu chuyện đời mình với những khán giả yêu mến nữ danh ca suốt nhiều năm.
Sự trùng hợp của diễn viên Duy Hưng và Thanh Hương với “cú đúp” giải thưởng VTV Awards 2024

Sự trùng hợp của diễn viên Duy Hưng và Thanh Hương với “cú đúp” giải thưởng VTV Awards 2024

Tối 1/1/2025, tại lễ trao giải thưởng Ấn tượng VTV Awards 2024, cặp đôi Duy Hưng và Thanh Hương xuất sắc vượt qua các đề cử trong Top 3 giành cúp VTV Awards 2024.
Nam sinh “ẵm” thành tích Thủ khoa học sinh giỏi Quốc gia

Nam sinh “ẵm” thành tích Thủ khoa học sinh giỏi Quốc gia

Với sự chăm chỉ và quyết tâm trong học tập, em Lại Gia Khải, học sinh lớp 11 chuyên toán Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội trở thành thủ khoa môn toán kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia năm học 2024-2025.
Câu chuyện cuộc sống: người phụ nữ mạnh mẽ

Câu chuyện cuộc sống: người phụ nữ mạnh mẽ

Chị Ngân từng là người phụ nữ có cuộc sống giàu sang mà mọi cô gái đều ao ước. Chồng chị là Tổng giám đốc của một công ty nổi tiếng, lại hết mực yêu chiều vợ con. Lần sinh thứ 3, sức khỏe của chị Ngân không được tốt.
Nhóm sinh viên tạo ứng dụng “trò chuyện” với cây cối

Nhóm sinh viên tạo ứng dụng “trò chuyện” với cây cối

Ứng dụng Nature Voice AI “trò chuyện” với cây cối được phát triển bởi 5 sinh viên đang học năm thứ ba của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội.
Rộn ràng đón Xuân

Rộn ràng đón Xuân

Trong những ngày cận Tết Nguyên đát Ất tỵ, không khí đón Xuân rộn ràng khắp mọi nơi, từ thành phố tới làng quê, đâu đâu cũng đầy ắp những sự kiện, những chương trình chào mừng Xuân mới.
Dựng cây nêu, vẽ cung tên tái hiện nghi lễ truyền thống ngày Tết cổ truyền

Dựng cây nêu, vẽ cung tên tái hiện nghi lễ truyền thống ngày Tết cổ truyền

Ngày cuối tuần, người dân và du khách cảm nhận rõ không khí ngày Tết truyền thống bởi các hoạt động tái hiện văn hóa Tết trên phố cổ Hà Nội.
Hoàn Kiếm tổ chức "Tết Việt - Tết phố 2025" vui đón Tết Ất Tỵ

Hoàn Kiếm tổ chức "Tết Việt - Tết phố 2025" vui đón Tết Ất Tỵ

Sáng 19/1, Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội Nội phối hợp cùng các đơn vị, cá nhân tổ chức chương trình hoạt động văn hóa chủ đề “Tết Việt - Tết phố 2025” với nhiều hoạt động đa dạng.

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động