Chủ nhật 13/04/2025 13:28
Tình huống pháp lý

Con đã cho làm con nuôi có đòi lại được?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Liên quan đến bé Nam Phong, em bé 3 tuổi gọi người cứu bạn đuối nước tại Nghệ An vừa qua, bố nuôi của em cho biết, bố đẻ của Nam Phong đã liên hệ với anh và xin nhận lại con đẻ. Vậy trong trường hợp này, bố mẹ đẻ của Nam Phong có đòi lại được con từ cha mẹ nuôi hay không?
Con đã cho làm con nuôi có đòi lại được?
Lá thư được bố bé Nam Phong đăng tải trên mạng xã hội ngày phát hiện ra cậu bé. Ảnh: NVCC

Em bé nhanh trí

Những ngày qua, trên mạng xã hội truyền tải một đoạn clip về cậu bé Nguyễn Nam Phong (gần 3 tuổi) ở xóm Quyết Thắng, xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An chạy vào gọi người lớn cứu bạn bị đuối nước đã thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng.

Cụ thể, đoạn video ghi lại khoảnh khắc cậu bé hốt hoảng chạy vào nhà kêu cứu khi phát hiện bạn bị đuối nước. Do nói chưa rõ nên người lớn chưa hiểu hết ý cậu bé muốn nói. Lúc này, cậu bé đã dùng cả hành động để báo động cho người lớn. Người trong nhà hiểu có chuyện nên đã chạy theo cậu bé ra cổng và kịp thời cứu bé 5 tuổi bị rơi xuống ao. Hành động của Nam Phong nhận được cơn nhiều lời khen vì sự nhanh trí.

Anh Nguyễn Quân Dũng, bố của Nam Phong cho biết, Nam Phong là con nuôi của gia đình anh. 3 năm trước, có một người phụ nữ đã bỏ Nam Phong trước cửa nhà với một lá thư nhờ cưu mang. Thời điểm đó, bé mới sinh được 2 ngày tuổi. Anh Nguyễn Quân Dũng cũng cho biết, mặc dù gia đình đã có 4 đứa con ruột nhưng vợ chồng anh Nguyễn Quân Dũng vẫn quyết định nhận nuôi đứa bé. Vợ chồng anh đã chăm sóc và yêu thương bé Nam Phong như con ruột của mình.

Đáng nói, sau khi sự việc xảy ra, ngày 7/4, trên facebook của mình anh Nguyễn Quân Dũng có chia sẻ với nội dung cha ruột của Nam Phong đã liên lạc với mình và muốn nhận lại đứa con đã bỏ rơi. Trong bài đăng người cha nuôi bộc bạch tâm trạng bối rối khi nghĩ đến việc có thể phải chia xa đứa con trai mình đã chăm sóc từ khi còn đỏ hỏn.

“Nếu giờ bố để con về với cha đẻ, bố sợ con có được hạnh phúc không? Con đã quen cách dạy của bố từ nhỏ. Giờ bỗng dưng người lạ đến đưa con đi, chắc chắn con sẽ bị sốc”, anh Nguyễn Quân Dũng nói và khẳng định sẽ tiếp tục nuôi dạy và bảo vệ Nam Phong cho đến khi con đủ lớn để tự quyết định cuộc đời mình.

Cha mẹ đẻ có đòi lại được con từ cha mẹ nuôi?

Qua câu chuyện trên, câu hỏi vậy khi bố mẹ đẻ khi đã đem con mình cho người khác và họ đã nhận bé làm con nuôi thì bố mẹ đẻ có còn đòi lại được không là thắc mắc của nhiều người? Về vấn đề này, luật sư Bùi Quang Thu, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, không hiếm trường hợp bố mẹ đẻ hoặc mẹ đẻ từ chối quyền nuôi con.

Ở trường hợp bé Nam Phong, gia đình anh Nguyễn Quân Dũng đã phát hiện bé bị mẹ đẻ bỏ rơi, việc nhận Nam Phong làm con nuôi có theo đúng trình tự pháp luật hay không thì chưa rõ. Nếu trong trường hợp gia đình bố nuôi bé Nam Phong đã làm thủ tục nhận nuôi theo quy định của pháp luật, thì theo quy định tại Điều 24 Luật Nuôi con nuôi 2010: kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con; giữa con nuôi và các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi cũng có các quyền, nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Theo yêu cầu của cha mẹ nuôi, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định việc thay đổi họ, tên của con nuôi. Việc thay đổi họ, tên của con nuôi từ đủ 9 tuổi trở lên phải được sự đồng ý của người đó. Dân tộc của con nuôi là trẻ em bị bỏ rơi được xác định theo dân tộc của cha nuôi, mẹ nuôi.

Trừ trường hợp giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi có thỏa thuận khác, kể từ ngày giao nhận con nuôi, cha mẹ đẻ không còn quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng, đại diện theo pháp luật, bồi thường thiệt hại, quản lý, định đoạt tài sản riêng đối với con đã cho làm con nuôi.

“Như vậy, kể từ lúc cho con làm con nuôi của người khác, quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đẻ với con chấm dứt và được chuyển giao cho cha mẹ nuôi. Do đó, bố mẹ của bé Nam Phong khó có thể đòi lại con đã cho người khác làm con nuôi được”, luật sư Bùi Quang Thu cho biết.

Tuy nhiên, theo luật sư, bố mẹ của bé Nam Phong chỉ có thể đòi được con nếu gia đình nhận con nuôi rơi vào các trường hợp theo quy định tại Điều 25 Luật nuôi con nuôi 2010, cụ thể như sau: việc nuôi con nuôi có thể bị chấm dứt trong các trường hợp sau đây: con nuôi đã thành niên và cha mẹ nuôi tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi; con nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của cha mẹ nuôi; ngược đãi, hành hạ cha mẹ nuôi hoặc con nuôi có hành vi phá tán tài sản của cha mẹ nuôi; cha mẹ nuôi bị kết án về một trong các tội "Cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con nuôi"; "Ngược đãi, hành hạ con nuôi"; vi phạm quy định tại Điều 13 của Luật này…

Môi giới nuôi con nuôi bị truy cứu trách nhiệm hình sự? Môi giới nuôi con nuôi bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Con nuôi được thừa kế tài sản hợp pháp trong trường hợp nào? Con nuôi được thừa kế tài sản hợp pháp trong trường hợp nào?
Ngọc Dung
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động