Thứ tư 30/04/2025 11:31

Đại thắng mùa Xuân 1975 là thắng lợi của khát vọng hòa bình

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là thắng lợi của kế sách giữ nước Việt Nam được đúc kết, kế thừa và phát triển trải qua thực tiễn hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Trong suốt 21 năm ròng rã, chúng ta phải chiến đấu chống lại một cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới với quy mô lớn nhất, ác liệt nhất, tàn bạo nhất và dài ngày nhất của đế quốc Mỹ. Với chiến thắng lịch sử này, Nhân dân ta đã vĩnh viễn thoát khỏi ách nô dịch của các nước đế quốc, vĩnh viễn thoát khỏi họa đất nước bị chia cắt, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đại thắng mùa Xuân 1975 là thắng lợi của khát vọng hòa bình

Xe tăng 843 và xe tăng 390 lần lượt húc đổ cổng phụ, cổng chính (hướng chính diện), tiến vào Dinh Độc Lập. Ảnh tư liệu: Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Thắng lợi của Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là sự kế thừa và phát huy truyền thống đánh giặc, giữ nước của ông cha ta

Lịch sử Việt Nam 50 năm qua là một thực tiễn sống động khẳng định: cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954 - 1975 là một cuộc chiến tranh cứu nước dài ngày nhất, ác liệt và phức tạp nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) và lãnh tụ Hồ Chí Minh, Nhân dân Việt Nam đã lần lượt đánh bại từng chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, từ chiến lược “Chiến tranh một phía”, “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ” đến chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, tiến hành giành thắng lợi từng bước làm thay đổi cục diện chiến trường tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn, hoàn thành bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng Miền Nam, giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước, thu giang sơn về một mối.

Sau những thất bại mang tính chiến lược của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa trong 2 năm 1970 - 1971, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta đứng trước một tình thế thuận lợi mới: Việt Nam Cộng hòa suy yếu và Mỹ bế tắc về chiến lược. Nhạy bén với tình hình mới, Đảng ta đã quyết định mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên 3 hướng chính là Quảng Trị, Tây nguyên và Đông Nam bộ cùng với một số chiến dịch tiến công tổng hợp trên nhiều hướng khác nhau nhằm giành thắng lợi quyết định trong năm 1972 buộc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh bằng thương lượng trên thế thua. Bị thất bại trên chiến trường, đế quốc Mỹ tăng cường đánh phá quyết liệt ở miền Nam và tái khởi động cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ 2 với tính chất, phương thức, mức độ và cường độ đánh phá tàn bạo và quyết liệt hơn nhiều so với cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất (1964 - 1968).

Với thắng lợi to lớn trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên các chiến trường miền Nam cùng với việc đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng B52 trên bầu trời miền Bắc cuối năm 1972, làm nên trận “Điện Biên Phủ trên không” (18/12 đến 29/12/1972), Việt Nam đã giành thắng lợi quyết định buộc đế quốc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, chấp nhận ký kết Hiệp định Paris ngày 27/1/1973, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền và lãnh thổ của Việt Nam, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Dù Hiệp định Paris được ký kết, quân viễn chinh và Đồng minh phải rút khỏi miền Nam, nhưng đế quốc Mỹ vẫn tiếp tục theo đuổi chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, hậu thuẫn cho Việt Nam Cộng hòa tiến hành cuộc chiến tranh “lấn chiếm và bình định”. Tháng 7/1973, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 21 khẳng định con đường cách mạng miền Nam vẫn là con đường bạo lực. Nhiệm vụ trước mắt là đấu tranh trên cả 3 mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao, thắng địch từng bước và chủ động trong mọi tình huống đưa cách mạng miền Nam tiến lên.

Giữa năm 1974, theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và Thường trực Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam đã bắt tay khởi thảo “Kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam”. Hội nghị Bộ Chính trị - Thường trực Quân ủy từ ngày 18/12/1974 đến ngày 8/1/1975 đã thống nhất quyết tâm chiến lược và thông qua kế hoạch giải phóng miền Nam, trong đó xác định Nam Tây nguyên là hướng tiến công chiến lược chủ yếu. Kế hoạch này sẽ được tiến hành trong 2 năm (1975-1976) và được chia thành 2 bước.

Bước 1, trong năm 1975 mở nhiều đợt tiến công và nổi dậy làm suy yếu đối phương, tạo tiền đề cho bước 2 (năm 1976) tổng công kích, tổng khởi nghĩa, giành thắng lợi quyết định, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Cùng có “Kế hoạch cơ bản” còn có “Kế hoạch thời cơ”, trong đó xác định rõ “Nếu thời cơ đến thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 được tạo bởi 3 đòn tiến công chiến lược: đòn tiến công chiến lược giải phóng Tây nguyên, đòn tiến công chiến lược giải phóng Huế - Đà Nẵng và đòn tiến công chiến lược giải phóng Sài Gòn - Gia Định với 4 chiến dịch lớn: Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Trị Thiên - Huế, Chiến dịch Huế - Đà Nẵng, Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Sau khi hoàn thành công tác chuẩn bị ở cả 2 miền Nam - Bắc, ta đánh chiếm và giải phóng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975, mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, tiến lên giải phóng vùng cao nguyên chiến lược, mở ra thời kỳ phát triển nhảy vọt cho sự nghiệp giải phóng miền Nam.

Trước tình hình ta thắng lớn ở Tây Nguyên, trong cuộc họp ngày 18/3/1975, Bộ Chính trị kịp thời bổ sung quyết tâm chiến lược: giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975. Tiếp đó, ngày 25/3/1975, Bộ Chính trị bổ sung quyết tâm giải phóng miền Nam trước mùa mưa. Ngày 25/3, quân và dân ta giải phóng thành phố Huế; ngày 29/3, giải phóng Đà Nẵng và sau đó đến ngày 3/4, ta quét sạch địch khỏi các tỉnh ven biển miền Trung từ Đà Nẵng đến Cam Ranh.

Ngày 1/4/1975, căn cứ vào tình hình quân và dân ta đang tiến công như vũ bão trên chiến trường, Bộ Chính trị tiếp tục bổ sung chiến lược mới: giải phóng miền Nam trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4/1975, không thể chậm hơn.

Ngày 16/4, quân và dân ta đập vỡ tuyến phòng thủ từ xa của địch ở Phan Rang và đến ngày 21/4, ta giải phóng Xuân Lộc - “Cánh cửa thép” phía Đông của Sài Gòn bị nghiền nát.

Ngày 26/4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử bắt đầu, 5 cánh quân tiến công Sài Gòn - Gia Định, buộc Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện sáng ngày 30/4/1975 và lá cờ cách mạng đã kiêu hãnh tung bay trên nóc Dinh Độc Lập 11h30 phút ngày 30/4/1975.

Chỉ trong 55 ngày đêm, với sức mạnh áp đảo cả về quân sự và chính trị, quân và dân ta đã giành được toàn thắng bằng 3 đòn chiến lược then chốt mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Hơn 1 triệu quân ngụy và chính quyền Việt Nam Cộng hòa bị đập tan. Chế độ thực dân mới được đế quốc Mỹ dốc sức xây dựng hoàn toàn sụp đổ.

Khi nói về thất bại, sai lầm này, Maxwell D. Taylor - nguyên Đại sứ Mỹ ở miền Nam Việt Nam, nhà chiến lược có tên tuổi của Mỹ đã cay đắng thú nhận: “Tất cả chúng ta đều có phần của mình trong thất bại của Mỹ ở miền Nam Việt Nam và chẳng có gì là tốt đẹp cả. Chúng ta không hề có một anh hùng nào trong cuộc chiến tranh này mà chỉ toàn là ngu xuẩn. Chính tôi cũng nằm trong số đó”.

Trưa ngày 30/4/1975, ngay sau khi nhận được tin Tổng thống của chính quyền Sài Gòn đã tuyên bố đầu hàng, Tổng thống Mỹ Gerald Ford ra một lời tuyên bố ngắn ngủi: “Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã đầu hàng. Trước khi họ đầu hàng, chúng ta đã rút phái bộ Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam. Việt Nam là một kinh nghiệm đau đớn cho nước ta. Lịch sử sẽ là người phán xét cuối cùng về những việc chúng ta đã làm và chưa làm hết tại Việt Nam và tại các nơi khác. Chúng ta hãy bình tĩnh chờ phán xét của lịch sử”.

Đại thắng mùa Xuân 1975 là thắng lợi của khát vọng hòa bình
Đại Đội trưởng xe tăng Bùi Quang Thận - người cắm lá cờ chiến thắng trên nóc Dinh Độc Lập buổi trưa 30/4/1975. Ảnh tư liệu

Bài học lịch sử của những trận quyết chiến lịch sử luôn có ý nghĩa lịch sử

Với nước Mỹ, chiến tranh Việt Nam là bài học thất bại lớn nhất trong lịch sử hơn 200 năm của họ mà cho đến nay họ vẫn chưa thể cắt nghĩa được đầy đủ. Thực tiễn lịch sử đã sáng tỏ rằng, sai lầm lớn nhất của Mỹ có lẽ là thiếu hiểu biết về trí tuệ và bản lĩnh của con người Việt Nam, sức sống mãnh liệt của nền văn hóa Việt Nam đã được lịch sử chứng minh và khẳng định trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Họ không hiểu và không chịu hiểu về một dân tộc chưa bao giờ chịu khuất phục trước bất cứ kẻ xâm lược ngoại bang nào, một dân tộc không cam chịu làm nô lệ.

Người Mỹ, những bộ óc tài giỏi của Nhà trắng, những tinh hoa của Lầu Năm góc dường như chưa hiểu sự khác nhau về con người và xã hội của hai nền văn hóa. Khi bước vào cuộc đọ sức, đội quân khổng lồ của tất cả các quân chủng, binh chủng chính quy, tối tân, thiện chiến tưởng chừng chỉ cần vài tháng là tiêu diệt hết các đơn vị bé nhỏ với trang bị thô sơ của Quân đội Việt Nam. Nhưng khi họ không thể áp đặt và thực hiện được ý định đánh nhanh thắng nhanh thì đội quân khổng lồ ấy yếu dần về ý chí và trở nên lúng túng, bị động về chiến lược và chiến thuật.

Trong khi đó, đối thủ của họ chỉ là một đội quân bé nhỏ cứ dần trưởng thành về số lượng và tinh thần, ý chí chiến đấu vì một nền độc lập ngày càng cao. Câu chuyện ở đây là luận về sự thắng - bại của chiến tranh, yếu tố nào đóng vai trò quyết định? Lịch sử nhiều cuộc chiến tranh ở Việt Nam cũng như trên thế giới đã khẳng định rằng, chiến tranh chỉ kết thúc khi ý chí gây chiến tranh của đối phương bị đánh bại, cho dù quân đang hùng, tướng đang mạnh, vũ khí đang đầy kho.

Lịch sử cho thấy, các cuộc chiến tranh giải phóng của dân tộc ta thường được kết thúc bởi các trận quyết chiến chiến lược như trận Bạch Đằng giang năm 938 đánh bại quân Nam Hán, trận Như Nguyệt năm 1077 đánh tan quân Tống, trận trên sông Bạch Đằng lần thứ 3 đánh bại quân Nguyên Mông năm 1288, trận Chi Lăng - Xương Giang đánh tan quân Minh năm 1427, trận Ngọc Hồi - Đống Đa đánh bại quân Thanh năm 1789…

Với dân tộc ta, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là một cuộc đụng đầu lịch sử mang tính thời đại, một thử thách vô cùng to lớn và toàn diện với dân tộc Việt Nam. Nhưng, chúng ta đã biết điều khiển chiến tranh một cách đúng đắn, kiên quyết và khôn khéo từ mở đầu cho đến kết thúc, chủ động tạo thời cơ và chớp thời cơ có lợi làm nên những bước nhảy vọt, bắt địch phải lùi từng bước còn ta thì thắng từng bước, đánh đổ từng bộ phận đến thắng lợi hoàn toàn.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chỉ kết thúc khi quân đội viễn chinh Pháp trong tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương phải kéo cờ trắng ra hàng, khi họ vẫn còn hơn 10 ngàn người. Khi người Mỹ phải làm cuốn cờ ở Sân bay Tân Sơn Nhất đầu năm 1973, đội quân tinh nhuệ đó vẫn còn gần nửa triệu người. Đó là chiến thắng của tinh thần dũng cảm, ý chí kiên cường, của trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam, là chiến thắng của con người với vũ khí.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước chỉ kết thúc khi chúng ta đã đánh cho Mỹ cút năm 1973, đánh cho Ngụy nhào năm 1975. Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 chỉ kết thúc trong Chiến dịch Hồ Chí Minh và chiến dịch này chỉ kết thúc trong thắng lợi tại Dinh Độc lập trưa ngày 30/4/1975.

Vì vậy, Chiến dịch Hồ Chí Minh là chiến dịch tiến công lớn nhất, trận quyết chiến chiến lược vĩ đại nhất trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta, đã đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn. Các trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta là một trong những nét đặc sắc nhất, đánh dấu những bước trưởng thành vượt bậc, một minh chứng hùng hồn cho sự kế thừa, phát triển tư duy và truyền thống quân sự của dân tộc ta.

50 năm qua, đã có rất nhiều cuốn sách, công trình nghiên cứu đề cập đến nhiều góc độ khác nhau về tầm vóc lịch sử và ý nghĩa của sự kiện này. Nhưng, việc nhìn nhận, đánh giá làm rõ hơn, thuyết phục hơn về tầm vóc và ý nghĩa của nó luôn là điều cần thiết. Càng đến gần ngày 30/4, lâu nay vẫn luôn có nhiều tư tưởng và luận điệu dù vô tình hay cố ý xuyên tạc về giá trị lịch sử, tầm vóc của sự kiện này đối với dân tộc. Lịch sử càng lùi xa, thì giá trị của nó càng vẫn vẹn nguyên với thời gian và khẳng định 3 điều bất biến:

Thứ nhất, đó là thắng lợi to lớn nhất, trọn vẹn nhất trong tiến trình thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc của Đảng và Nhân dân ta.

- Với Cách mạng tháng Tám 1945, Nhân dân ta đã giành chính quyền, lần đâu tiên trong lịch sử gần 80 năm đô hộ của thực dân Pháp, Nhân dân ta mới có được độc lập, tự do, đất nước ta mới có vị thế trên trường quốc tế.

- Với chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, Nhân dân ta đã đánh bại hoàn toàn thực dân Pháp, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, bắt tay vào xây dựng chế độ mới. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945 và Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 là những mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm. Tuy nhiên, sau 1954, đất nước ta mới được giải phóng một nửa. Dưới ách cai trị của quân xâm lược Mỹ và chính quyền tay sai, Việt Nam bị chia cắt, Nhân dân miền Nam vẫn chưa có tự do.

- Với Đại thắng mùa Xuân 1975, chúng ta đã đánh cho "Mỹ cút", đánh cho "Ngụy nhào", đập tan chế độ Việt Nam Cộng hòa, đánh bại chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, thu non sông về một mối. Với chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ bé đã đánh bại một đế quốc thực dân hùng mạnh. Với Đại thắng mùa Xuân 1975, lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm (1930 -1975) dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đất nước ta hoàn toàn được giải phóng, chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị kéo dài 117 năm (1858-1975) của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước ta, hoàn thành cơ bản cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên cả nước. Vì vậy, Đại thắng mùa Xuân 1975 là thắng lợi to lớn nhất, trọn vẹn nhất trong tiến trình thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội.

Thứ hai, thắng lợi đó đã tạo tiền đề về vật chất và tinh thần to lớn để tiến hành xây dựng Chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta. Không có Đại thắng mùa Xuân 1975, chúng ta không thể tập trung xây dựng và phát triển kinh tế, không thể tiến hành công cuộc đổi mới và càng không thế đạt được những thành tựu kinh tế như hiện nay. Nếu không kết thúc được chiến tranh, chúng ta không thể có điều kiện tiến hành công nghiệp hóa, hiên đại hoá, không thể đưa đất nước hội nhập, tận dụng được những tiến bộ và thời cơ của nhân loại như ngày nay. Đại thắng mùa Xuân 1975 chính là tiếp điểm lịch sử giữa chiến tranh và hòa bình, giữa cách mạng dân tộc dân chủ Nhân dân với Cách mạng xã hội chủ nghĩa trên phạm vi cả nước, giữa sự chuyển biến của dân tộc trong phạm vi quốc gia lên phạm vi quốc tế - nơi gắn kết dân tộc với thời đại. Đó là ý nghĩa to lớn của Đại thắng mùa Xuân 1975 trong tiến trình phát triển đi lên của đất nước mà không phải bất cứ quốc gia dân tộc nào, bất cứ một chiến thắng nào cũng có được.

Thứ ba, thắng lợi đó đã nâng cao địa vị của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo tiền đề thuận lợi cho mở rộng quan hệ quốc tế thời kỳ mới.

- Với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, chính thức có tên trên bản đồ thế giới.

- Với chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, đã mở ra một thời kỳ quan hệ ngoại giao rộng lớn của Việt Nam với nhiều quốc gia dân tộc trên thế giới.

- Với thắng lợi của Đại thắng mùa Xuân 1975 đã không những mở ra quy mô lớn hơn, số lượng các quốc gia có quan hệ ngoại giao với Việt Nam nhiều hơn, mà chất lượng quan hệ đối tác của Việt Nam cũng cao hơn, toàn diện hơn, sâu sắc hơn. Thực tiễn lịch sử 50 năm qua đã khẳng định: giá trị và tầm vóc của Đại thắng mùa Xuân 1975 là mãi bất diệt và trường tồn cùng lịch sử. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đỉnh cao là thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tròn 50 năm trước cũng là thắng lợi của kế sách giữ nước Việt Nam.

Trải qua nhiều thời đại, nhiều thời kỳ của lịch sử dựng nước và giữ nước đã được Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã đúc kết, kế thừa và phát huy nhiều bài học lớn, trong đó bài học lớn nhất của tổ tiên ta để lại cho hậu thế là muốn chiến thắng kẻ thù to lớn và hung bạo thì những người cầm quyền, giai cấp lãnh đạo phải biết “Khoan thư sức dân”, dựa vào dân, phát động cuộc chiến tranh toàn dân, thực hiện cả nước đánh giặc, toàn dân đánh giặc. Nói cụ thể hơn đó là phải có đường lối chính trị và chính sách hợp lòng dân, có kế sách giữ nước thích hợp với điều kiện lịch sử, hoàn cảnh lịch sử của đất nước.

Năm 2025, Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ trong thế và lực mới, công cuộc cải cách hành chính đã và đang diễn ra mạnh mẽ, nhanh chóng, quyết liệt, đất nước ta nhất định có đủ tinh thần và nghị lực, sức mạnh và tiềm năng, vận hội và thời cơ để vượt qua mọi khó khăn, thử thách đưa đất nước đi lên, đưa dân tộc Việt Nam hòa chung vào trào lưu tiến hóa của thời đại mới, xứng đáng chiến công hiển hách trong lịch sử chống ngoại xâm nói chung, của Đại thắng mùa Xuân năm 1975 của 50 năm trước, xứng đáng với tầm vóc của một dân tộc anh hùng.

Đại thắng mùa Xuân 1975 là thắng lợi của khát vọng hòa bình
Nhà giáo Trần Trung Hiếu (Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An) viếng Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn ở Quảng Trị.
Đại thắng mùa Xuân 1975 là thắng lợi của khát vọng hòa bình
Nhà giáo Trần Trung Hiếu thắp hương tưởng nhớ Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ và 9 liệt sỹ là 9 người con của mẹ.
Mang tinh thần của đại thắng mùa Xuân 1975, xây dựng đất nước giàu mạnh Mang tinh thần của đại thắng mùa Xuân 1975, xây dựng đất nước giàu mạnh
Vang tiếng trống hội mừng 50 năm Đại thắng mùa Xuân 1975 Vang tiếng trống hội mừng 50 năm Đại thắng mùa Xuân 1975
Nhà giáo Trần Trung Hiếu (Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu - Nghệ An)
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động