Thứ sáu 24/01/2025 03:58

Đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho người đang chấp hành án

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho người đang chấp hành án và phòng, chống tra tấn, người có thẩm quyền trong thi hành án hình sự bị nghiêm cấm không ra quyết định thi hành án hình sự; không thi hành quyết định trả tự do theo quy định của pháp luật và quyết định khác của cơ quan, người có thẩm quyền trong thi hành án hình sự.
Đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho người đang chấp hành án
Đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho người đang chấp hành án. Ảnh: CQCA

So với Luật Thi hành án hình sự năm 2010, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 đã bổ sung những quy định cụ thể liên quan đến phòng, chống tra tấn. Nếu như Luật Thi hành án hình sự năm 2010 không có quy định trực tiếp về việc nghiêm cấm hành vi bức cung, dùng nhục hình, thì tại khoản 8 Điều 10 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy định một trong những hành vi bị cấm trong thi hành án hình sự đó là “Tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục người chấp hành án, biện pháp tư pháp”. Như vậy, quy định này đã thể hiện ý chí của nhà làm luật trong việc khẳng định chủ trương, chính sách phòng, chống tra tấn của Nhà nước Việt Nam.

Nguyên tắc trong thi hành án hình sự

Luật Thi hành án hình sự năm 2019 kế thừa các quy định của luật năm 2010 quy định cụ thể về nguyên tắc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân trong thi hành án hình sự, quy định về chế độ giam giữ, sinh hoạt, học tập… của người đang chấp hành án phạt tù, về khiếu nại, tố cáo trong thi hành án hình sự. Cụ thể như sau:

Điều 4 Luật thi hành án hình sự quy định 8 nguyên tắc thi hành án hình sự, trong đó có nguyên tắc tôn trọng nhân phẩm, quyền, lợi ích hợp pháp của người chấp hành án; thi hành án đối với người dưới 18 tuổi chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành người có ích cho xã hội; kết hợp trừng trị và giáo dục cải tạo trong việc thi hành án; áp dụng biện pháp giáo dục cải tạo phải trên cơ sở tính chất và mức độ phạm tội, độ tuổi, giới tính, trình độ văn hoá và các đặc điểm nhân thân khác của người chấp hành án.

Những hành vi bị cấm trong thi hành án hình sự

Điều 10 quy định cụ thể các loại hành vi bị cấm trong thi hành án hình sự, hai nhóm như sau: (i) các hành vi nghiêm cấm đối với người phải chấp hành án và những người có liên quan; và (ii) các hành vi bị nghiêm cấm đối với những người có thẩm quyền trong thi hành án hình sự. Trong đó, để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho người đang chấp hành án và phòng, chống tra tấn, người có thẩm quyền trong thi hành án hình sự bị nghiêm cấm:

Không ra quyết định thi hành án hình sự; không thi hành quyết định trả tự do theo quy định của pháp luật và quyết định khác của cơ quan, người có thẩm quyền trong thi hành án hình sự; Đưa, nhận, môi giới hối lộ, sách nhiễu trong thi hành án hình sự;

Không đề nghị cho người đủ điều kiện được miễn, giảm, hoãn, tạm đình chỉ, tha tù trước thời hạn có điều kiện, rút ngắn thời gian thử thách; không đề nghị chấm dứt trước thời hạn việc chấp hành biện pháp tư pháp, hoãn, đình chỉ thi hành biện pháp tư pháp; Kỳ thị, phân biệt đối xử hoặc xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người, pháp nhân thương mại chấp hành án;

Cấp hoặc từ chối cấp trái quy định của pháp luật quyết định, giấy chứng nhận, xác nhận hoặc giấy tờ khác về thi hành án hình sự; Làm sai lệch hồ sơ, sổ sách về thi hành án hình sự.

Quyền và nghĩa vụ của phạm nhân

Thể thể hóa Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 đã bổ sung các nhóm quyền cho phạm nhân như: được đề nghị xét đặc xá, bồi thường thiệt hại, hưởng chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật. Trong đó, phạm nhân được tự mình hoặc thông qua người đại diện để thực hiện giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, phạm nhân được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, hưởng chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật… cụ thể, tại Điều 27 của Luật quy định phạm nhân có các quyền và nghĩa vụ như sau:

Về quyền

Được bảo hộ tính mạng, sức khỏe, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm; được phổ biến quyền và nghĩa vụ của mình, nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân;

Được bảo đảm chế độ ăn, ở, mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân, chăm sóc y tế theo quy định; gửi, nhận thư, nhận quà, tiền; đọc sách, báo, nghe đài, xem truyền hình phù hợp với điều kiện của nơi chấp hành án;

Được tham gia hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ; Được lao động, học tập, học nghề; Được gặp, liên lạc với thân nhân, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân; đối với phạm nhân là người nước ngoài được thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự;

Được tự mình hoặc thông qua người đại diện để thực hiện giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật; Được bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo; được đề nghị xét đặc xá, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;

h) Được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, hưởng chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật; Được sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật; Được khen thưởng khi có thành tích trong quá trình chấp hành án.

Về nghĩa vụ

Chấp hành bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, quyết định của cơ quan quản lý thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án hình sự trong quá trình thi hành án hình sự và các quyết định khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

Chấp hành nội quy của cơ sở giam giữ phạm nhân, các tiêu chuẩn thi đua chấp hành án; Chấp hành yêu cầu, mệnh lệnh, hướng dẫn của cán bộ cơ sở giam giữ phạm nhân;

Lao động, học tập, học nghề theo quy định; Phạm nhân làm hư hỏng, làm mất hoặc hủy hoại tài sản của người khác thì phải bồi thường.

Khoản 3 Điều 27 quy định: “Phạm nhân có quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này”.

Những quy định này phù hợp với Hiến pháp, vừa bảo đảm tính khả thi của Luật, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vừa bảo đảm đạt được mục đích của hình phạt là giáo dục, cải tạo người chấp hành án. Đây là điểm hoàn toàn mới trong Luật Thi hành án hình sự 2019.

Về việc tiếp nhận người chấp hành án phạt tù

Điều 28 của Luật thi hành án hình sự năm 2019 quy định: Khi có đầy đủ hồ sơ theo quy định, trại giam, trại tạm giam… phải tiếp nhận người chấp hành án phạt tù. Khi tiếp nhận, các cơ quan này phải có trách nhiệm kiểm tra thông tin, khám sức khỏe cho người chấp hành hình phạt tù. Phải kiểm tra cơ thể của người chấp hành hình phạt tù để xử lý đồ vật mang theo trước khi đưa vào buồng giam. Đồng thời Luật Thi hành án hình sự 2019 đã bổ sung nghĩa vụ của trại giam, trại tạm giam… trong việc giải thích quyền, nghĩa vụ của phạm nhân; phổ biến nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân.

Các tội danh liên quan gián tiếp đến hành vi tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo
Mọi người có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm
Quyền được bảo vệ của người làm chứng, người bị hại
Phú An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động