Thứ bảy 26/04/2025 10:48

Để gói tín dụng 500 nghìn tỷ phát huy hiệu quả

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Gói tín dụng khoảng 500 nghìn tỷ đồng được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích mạnh mẽ cho đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và hạ tầng chiến lược. Tuy nhiên, để dòng vốn này thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả như mong đợi, cần phải phân phối đồng bộ, chặt chẽ giữa Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng thương mại (NHTM) và các bộ, ngành liên quan.
Để gói tín dụng 500 nghìn tỷ phát huy hiệu quả
Gói tín dụng khoảng 500 nghìn tỷ đồng được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích mạnh mẽ cho đầu tư. Ảnh: Agribank

Các ngân hàng gặp khó khăn trong việc cân đối nguồn vốn

Tại buổi làm việc của NHNN với các NHTM và đại diện các bộ ngành liên quan về gói tín dụng 500.000 tỷ đồng cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và hạ tầng chiến lược, ngày 24/4 tại Hà Nội. Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, đây là giai đoạn đòi hỏi nguồn vốn rất lớn cho đầu tư phát triển trước yêu cầu phát triển kinh tế nhanh, hướng tới GDP tăng trưởng 2 con số. Muốn có đầu tư thì phải có nguồn vốn, nhất là vốn ưu đãi. Trong đó, tín dụng ngân hàng vẫn là một trong những kênh cung cấp vốn chủ lực bên cạnh ngân sách Nhà nước và đầu tư nước ngoài (FDI).

Chính phủ đã chỉ đạo NHNN thiết kế một gói tín dụng ưu đãi trị giá khoảng 500 nghìn tỷ đồng để phục vụ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và các dự án hạ tầng chiến lược. “Đây là bài toán khó khăn trong bối cảnh nhiều gói tín dụng ưu đãi đang được triển khai, có chương trình được giải ngân rất tốt nhưng cũng vẫn còn gói tín dụng bị vướng mắc bởi một số yếu tố như không đáp ứng điều kiện vay vốn, hay một số vấn đề liên quan đến các dự án như BOT giao thông,… Những vướng mắc còn hiện diện chưa tạo niềm tin cho nhà đầu tư và ngân hàng trong hỗ trợ vốn” - Phó Thống đốc cho biết.

Theo Phó Thống đốc, hiện các ngân hàng đã cam kết tham gia, cơ bản đã đủ 500 nghìn tỷ đồng và có nhiều ưu đãi dành cho các dự án về lãi suất ưu đãi, vay trung, dài hạn. “Thực tế, bản chất vốn ngân hàng là nguồn vốn ngắn hạn. Để đáp ứng đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn đang ngày càng giảm dần. Điều này cũng nhằm đáp ứng các chuẩn mực an toàn quốc tế như Basel II, Basel III. Vì vậy, việc cho vay trung và dài hạn cũng chính là ưu đãi từ phía ngân hàng. Các ngân hàng cũng có trách nhiệm đồng thuận tham gia gói tín dụng này” - Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), Hà Thu Giang cho biết, hiện có 21 ngân hàng đăng ký tham gia gói tín dụng. Mục tiêu của gói là hỗ trợ các DN đầu tư hạ tầng và công nghệ số với lãi suất ưu đãi thấp hơn thị trường ít nhất 1%, thời hạn vay tối thiểu 2 năm. Tuy nhiên, khi triển khai trên thực tế, các ngân hàng gặp khó khăn trong việc cân đối nguồn vốn. Nguyên nhân là do vốn huy động chủ yếu có thời hạn ngắn, trong khi nhu cầu vay từ các dự án lại mang tính trung và dài hạn. Do đó, nếu không có cơ chế hỗ trợ đặc biệt, bài toán huy động ngắn cho vay dài sẽ tiếp tục là rào cản.

Nhiều ưu đãi dành cho các dự án về lãi suất

Đại diện các ngân hàng lớn như: Agribank, VietcomBank, VietinBank, BIDV... đều bày lo ngại về sự thiếu rõ ràng trong việc xác định đối tượng vay vốn. Câu hỏi được đặt ra là thế nào là dự án hạ tầng trọng điểm, thế nào thì được tính là dự án "công nghệ số"? Đây không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà còn ảnh hưởng đến trách nhiệm thẩm định, rủi ro pháp lý của các ngân hàng. Dù NHNN đã gửi văn bản xin ý kiến các bộ, ngành từ ngày 16/4 trong đó có nội dung về danh mục dự án trọng điểm, danh mục các dự án sản phẩm công nghệ số... nhưng đến thời điểm hiện nay vẫn chưa được phản hồi.

Để ứng phó với áp lực cân bằng nguồn vốn, các ngân hàng đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp. Chủ tịch HĐTV Agribank, Tô Huy Vũ đề xuất, cần có kế hoạch vốn trong từng giai đoạn để các ngân hàng cân đối cho vay. Việc xác định lãi suất ưu đãi của gói vay cũng cần cân nhắc đến một số yếu tố như lạm phát tăng cao tạo áp lực lãi suất, tỷ giá tăng. Còn Tổng Giám đốc Vietcombank Lê Quang Vinh cho rằng, để triển khai hiệu quả gói vay ưu đãi này, các bộ, ngành cần cấp phép cho các nhà đầu tư thật sự chất lượng để đảm bảo tiến độ dự án, tránh ảnh hưởng chung đến việc hỗ trợ nền kinh tế, thanh khoản của ngân hàng nếu nợ xấu xảy ra.

Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, NHNN Đoàn Thanh Hải cho biết, cho vay DN trong lĩnh vực này cũng có những rủi ro nhất định, công tác thẩm định, việc này cũng rất khó khăn khi công nghệ thay đổi rất nhanh. Tài sản đảm bảo, dự án công nghệ thường có tài sản đảm bảo là mã nguồn, bằng sáng chế có giá trị giảm nhanh, công nghệ nhanh lỗi thời nên sẽ là rủi ro khi cho vay. Nhiều sản phẩm công nghệ có vòng đời ngắn, mới ra đời thì hiện đại nhưng nhanh lạc hậu và khó định giá. Ngoài ra, pháp lý cũng chưa hoàn thiện, như về tiền mã hóa, gây rủi ro cho cả chủ đầu tư và ngân hàng.

Đại diện các bộ, ngành cũng thể hiện sự khó khăn trong việc xác định danh mục dự án cần ưu tiên. Bộ Xây dựng được biết hiện chỉ quản lý vốn đầu tư công, chưa có cơ sở đề xuất danh mục dự án, nội dung này phần lớn liên quan đến DN, nên cơ quan này chưa đề xuất được danh mục dự án cũng như nhu cầu tín dụng. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng gặp khó khăn tương tự, dù được giao nhiệm vụ phát triển hạ tầng số nhưng hiện chưa có danh mục dự án cụ thể cần vay vốn, vì chủ yếu các dự án trước đến nay dùng vốn đầu tư công.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, ngành ngân hàng đã sẵn sàng nguồn lực triển khai gói tín dụng 500 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, cơ chế phối hợp giữa các bộ ngành về việc này còn chưa đạt yêu cầu. Bài toán hiện nay không nằm ở quy mô vốn mà nằm ở cơ chế điều phối và xác định mục tiêu ưu tiên. Gói tín dụng này là chính sách hỗ trợ, nhưng nếu thiếu đồng bộ giữa vốn ngân sách và vốn tín dụng, thì hệ quả là cả hệ thống ngân hàng bị đẩy vào thế rủi ro cao. Vì vậy, cần có phối hợp đồng bộ giữa các bộ ngành chặt chẽ, kịp thời, có trách nhiệm cao để gói tín dụng đi vào thực chất

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú

Sắp có gói tín dụng 500.000 tỷ đồng tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế Sắp có gói tín dụng 500.000 tỷ đồng tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế
Đề xuất sửa quy định về kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng Đề xuất sửa quy định về kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng
Nguyễn Đăng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động