Việt Nam giữ vững đà tăng trưởng giữa cơn sóng bất ổn toàn cầu
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Theo báo cáo của ADB, GDP Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng 6,3% trong năm 2025 và đạt mức 6,0% vào năm 2026. Ảnh: Khánh Huy |
Dự báo tăng trưởng khả quan
Trong bối cảnh nhiều nền kinh tế châu Á đang điều chỉnh kỳ vọng tăng trưởng do tác động của các rào cản thương mại và biến động địa chính trị, Việt Nam nổi lên như một ngoại lệ tích cực. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) tháng 7/2025 vừa công bố đã giữ vững niềm tin vào đà phục hồi và phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong hai năm tới.
Theo báo cáo, GDP Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng 6,3% trong năm 2025 và đạt mức 6,0% vào năm 2026. Đây là những con số đầy khích lệ trong bối cảnh ADB hạ dự báo tăng trưởng cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương xuống còn 4,7% trong năm 2025 và 4,6% vào năm 2026, giảm nhẹ so với dự báo đưa ra hồi tháng 4.
Việt Nam cũng được dự đoán sẽ kiểm soát tốt lạm phát, với mức 3,9% trong năm 2025 và 3,8% năm 2026, thấp hơn nhiều so với mức lạm phát trung bình tại khu vực Đông Nam Á. Đây là kết quả tích cực của việc điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, kiểm soát giá cả và nỗ lực ổn định thị trường trong nước.
Một trong những điểm sáng nổi bật trong báo cáo là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tiếp tục tăng mạnh. Cam kết đầu tư FDI trong nửa đầu năm 2025 đã tăng 32,6% so với cùng kỳ, trong khi giải ngân tăng 8,1%, phản ánh niềm tin bền vững của cộng đồng quốc tế vào tiềm năng dài hạn của nền kinh tế Việt Nam.
Cùng với đó, đầu tư công cũng được đẩy mạnh đáng kể, với tỷ lệ giải ngân đạt 31,7% kế hoạch năm, mức cao nhất kể từ năm 2018 và tăng gần 20% so với cùng kỳ. ADB đánh giá, các dự án hạ tầng trọng điểm, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông, năng lượng và đô thị, đang đóng vai trò thiết yếu trong việc kích thích tổng cầu và cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Tăng trưởng xuất nhập khẩu cũng là điểm sáng trong bức tranh kinh tế nửa đầu năm 2025. Việt Nam đã chủ động thúc đẩy xuất khẩu để thích ứng với những thay đổi trong chính sách thương mại toàn cầu, đặc biệt là từ phía Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn hàng đầu của Việt Nam.
Tuy nhiên, ADB cũng cảnh báo rằng đà tăng trưởng thương mại có thể chững lại trong ngắn hạn do những áp lực ngày càng gia tăng từ thuế quan của Mỹ và sự thiếu ổn định của môi trường thương mại toàn cầu. Những biến động này đòi hỏi Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và gia tăng nội lực từ khu vực kinh tế tư nhân.
Triển vọng khu vực suy yếu, Việt Nam vẫn đi ngược dòng
Trong khi Việt Nam duy trì được sự lạc quan, các nền kinh tế Đông Nam Á được ADB dự báo tăng trưởng ở mức 4,2% năm 2025 và 4,3% năm 2026, thấp hơn khoảng 0,5 điểm phần trăm mỗi năm so với các dự báo trước đó. Nguyên nhân chủ yếu đến từ dự kiến sụt giảm xuất khẩu, nhu cầu trong nước yếu và môi trường đầu tư chưa thật sự phục hồi đồng đều trong khu vực.
Ngược lại, khu vực Kavkaz và Trung Á lại được nâng triển vọng tăng trưởng, nhờ kỳ vọng tăng sản lượng dầu mỏ, cho thấy những thay đổi đáng kể trong cấu trúc động lực tăng trưởng giữa các khu vực.
Mặc dù lạc quan về Việt Nam, ADB vẫn không quên chỉ ra những nguy cơ tiềm ẩn có thể làm chệch hướng đà phục hồi kinh tế khu vực, bao gồm xung đột địa chính trị, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, giá năng lượng leo thang và đặc biệt là căng thẳng thương mại với Mỹ tiếp tục leo thang.
Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB, Albert Park nhận định: “Châu Á và Thái Bình Dương đã chứng tỏ khả năng chống chịu với các cú sốc bên ngoài trong năm nay. Tuy nhiên, các nền kinh tế cần tiếp tục củng cố nội lực, duy trì cải cách và tăng cường hội nhập khu vực để thúc đẩy đầu tư, tạo việc làm và bảo đảm tăng trưởng bền vững”.
Với vị thế ngày càng vững chắc trên bản đồ kinh tế khu vực, Việt Nam đang chứng minh khả năng thích nghi nhanh nhạy và định hướng phát triển bền vững. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều biến số khó lường, việc kiên định cải cách, thu hút đầu tư chất lượng cao và mở rộng không gian thị trường chính là những chìa khóa giúp Việt Nam giữ vững đà tăng trưởng và củng cố niềm tin của nhà đầu tư quốc tế.
![]() | PwC: GDP Việt Nam đứng thứ 20 thế giới vào năm 2050 |
![]() | Ngân hàng UOB dự báo GDP Việt Nam quý II tăng 6% |
![]() | HSBC giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP 2024 của Việt Nam ở mức 6,5% |

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại