Thứ năm 23/01/2025 14:00

Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, Hà Nội có nhiều điều kiện thuận lợi để chăn nuôi phát triển. Tuy nhiên, Hà Nội cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức lớn để phát triển ngành chăn nuôi. Để giải quyết những khó khăn, phát triển bền vững, thời gian tới, Hà Nội cần tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp…
Mặc dù có nhiều tiềm năng và thế mạnh trong phát triển chăn nuôi, nhưng hiện nay chăn nuôi của Hà Nội đang đứng trước những khó khăn, thách thức lớn.
Mặc dù có nhiều tiềm năng và thế mạnh trong phát triển chăn nuôi, nhưng hiện nay chăn nuôi của Hà Nội đang đứng trước những khó khăn, thách thức lớn.

Hiện, TP Hà Nội với khoảng 10 triệu người dân đang sinh sống, làm việc, học tập trên địa bàn và hàng năm đón hàng triệu du khách trong nước, quốc tế thăm quan, làm việc, do vậy nhu cầu tiêu dùng sản phẩm chăn nuôi của TP là rất lớn.

Theo thống kê, ước tính nhu cầu tiêu dùng thịt lợn tại Hà Nội khoảng 19.300 tấn/tháng, khả năng đáp ứng 13.700 tấn/tháng đạt 71%, nhu cầu cần cung cấp từ các tỉnh, TP khác khoảng 5.600 tấn/tháng (29%). Với thịt trâu bò nhu cầu khoảng 5.370 tấn/tháng, đáp ứng khoảng 1.000 tấn/tháng đạt 18,6%, nhu cầu cung cấp từ các tỉnh, thành phố khác là 4.370 tấn/tháng (81,4%)…

Thời gian qua, các cấp các ngành của TP đã tập trung thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi đã được phê duyệt, trong đó phải kể đến việc quy hoạch các vùng chuyên canh, tập trung và trang trại quy mô lớn để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, từng bước giảm chăn nuôi nhỏ lẻ. Nhất là giảm nhanh chăn nuôi tại các quận và một số huyện có lộ trình lên quận mà HĐND TP đã thông qua tháng 7/2020.

Theo đó, đến nay có 162 xã chăn nuôi trọng điểm bao gồm 15 xã chăn nuôi bò sữa, 39 xã chăn nuôi bò thịt, 48 xã chăn nuôi lợn, 60 xã chăn nuôi gia cầm. Hà Nội hiện có 6.515 trang trại chăn nuôi.

Ngành chăn nuôi của Hà Nội đang hướng đến các mô hình chăn nuôi lớn, an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao, đồng thời đang từng bước tiến tới quy hoạch chăn nuôi gắn với giết mổ, sơ chế, chế biến nhằm phát triển các chuỗi và cung cấp thực phẩm an toàn cho người dân Thủ đô.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam (nguyên Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội) cho biết, Hà Nội có nhiều điều kiện thuận lợi để chăn nuôi phát triển, với diện tích đất sản xuất nông nghiệp có trên 197.000ha, chiếm 58,9% tổng diện tích đất tự nhiên. Theo thống kê, thời điểm tháng 2/2023, tổng đàn trâu của TP có 28,7 nghìn con, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò 128,4 nghìn con, giảm 0,1%; đàn lợn 1,4 triệu con, tăng 3,7%; đàn gia cầm 38,7 triệu con, tăng 0,5%...

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, về khả năng tự sản xuất, cung ứng các sản phẩm chăn nuôi của Hà Nội cơ bản đáp ứng đối với các sản phẩm thịt gia cầm, trứng gia cầm. Riêng thịt trâu bò khả năng đáp ứng khoảng 18,6% thịt lợn khả năng đáp ứng khoảng 71%.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn cũng cho rằng, ngành chăn nuôi tại Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức lớn; đặc biệt việc quy hoạch chăn nuôi tại các địa phương chưa được đồng bộ, còn khá nhiều bất cập trong tổ chức triển khai thực hiện; tốc độ đô thị hóa quá nhanh, ảnh hưởng nhiều đến tốc độ phát triển chăn nuôi.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, riêng với Hà Nội, tốc độ đô thị hóa nhanh, tại một số huyện đã có lộ trình lên quận như: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức và Đan Phượng, số lượng chăn nuôi hiện vẫn rất lớn, có cơ sở giết mổ tập trung việc chuyển đổi, di dời trong những năm tới sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức.

TP Hà Nội có tới 730 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm song số lượng cơ sở giết mổ tập trung có kiểm soát, cơ sở giết mổ công nghiệp còn thấp; cơ sở giết mổ nhỏ lẻ còn cao nên việc quản lý gia súc, gia cầm sau giết mổ đảm bảo an toàn thực phẩm còn gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Để giải quyết những khó khăn, theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, trong thời gian tới Hà Nội cần tập trung triển khai chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mà TP đã phê duyệt. Trong đó tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, nhất là việc quy hoạch chăn nuôi tập trung đối với các huyện nằm trong quy hoạch; giảm nhanh chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi tại các quận. Phát triển các chuỗi cung ứng sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn chất lượng, nâng cấp, phát triển chuỗi giá trị ngành hàng.

Tăng cường thực hiện các chính sách quản lý nhà nước về điều kiện chăn nuôi, giống vật nuôi đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, nhất là quy mô trang trại chăn nuôi lớn. Thay đổi cách tiếp cận về phương thức quản lý sản xuất, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, quản lý chất lượng sản phẩm đầu ra là con giống cung cấp cho sản xuất.

Tạo điều kiện tốt nhất để các cơ sở sản xuất con giống phát triển, tiêu thụ theo đúng định hướng của TP là tập trung nâng cao chất lượng giống mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đối với các doanh nghiệp chăn nuôi theo chuỗi, tạo điều kiện để các doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao, phần mềm quản lý tiên tiến.

Nhân rộng, phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị sản phẩm, nhất là các doanh nghiệp, hợp tác xã đã có điều kiện phát triển tốt. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại để xử lý và tận dụng hiệu quả chất thải và cải tạo môi trường chăn nuôi; xử lý chất thải hữu cơ, nước thải trong chăn nuôi thành phân bón hữu cơ; ưu tiên sử dụng công nghệ sinh học, chế phẩm vi sinh để kiểm soát môi trường; áp dụng các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính phù hợp. Nhân rộng và phát triển các mô hình, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao chăn nuôi theo chuỗi giá trị, truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi.

Tăng cường công tác phối hợp trao đổi thông tin giữa khối công và khối tư trên địa bàn, đặc biệt TP là các đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động theo chuỗi nhằm thúc đẩy hợp tác, tiêu thụ sản phẩm. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất trong bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, kết nối giao thương tiêu thụ sản phẩm chủ lực, sản phẩm ngành nghề tiêu biểu trên địa bàn.

Hà Nội phát triển 3 vùng chăn nuôi hữu cơ Hà Nội phát triển 3 vùng chăn nuôi hữu cơ
Phát triển chăn nuôi trở thành ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại Phát triển chăn nuôi trở thành ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại
Hà Nội: Tập trung tư duy chiến lược phát triển chăn nuôi Hà Nội: Tập trung tư duy chiến lược phát triển chăn nuôi
Khánh Phong
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động