Đề xuất chính sách vượt trội với cán bộ, làm cơ sở tinh gọn bộ máy
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênỦy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố tham dự Hội nghị. Ảnh: N.N |
Năm 2024 với những dấu ấn toàn diện
Tham dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh/ thành phố trong cả nước.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm "tăng tốc" để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã điểm ra 8 mặt nổi bật của ngành trong năm qua. Cụ thể:
Một là, đã xây dựng và hoàn thiện thể chế đạt được những kết quả quan trọng. Toàn ngành Nội vụ đã tập trung nỗ lực để tháo gỡ những bất cập về cơ chế, chính sách tiếp tục kiến tạo thể chế khơi thông các nguồn lực, khắc phục các điểm nghẽn về tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, thủ tục hành chính nhằm thúc đẩy sự phát triển.
Thứ hai, Bộ Nội vụ đã tham mưu thực hiện 4/6 nhiệm vụ về cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW của Trung ương mà đột phá là đề xuất thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo lộ trình hợp lý, thận trọng, từng bước, thiết thực, hiệu quả.
Trong đó đã điều chỉnh lương cơ sở tăng 30% - mức tăng cao nhất từ trước đến nay và bổ sung 10% tiền thưởng trên tổng quỹ lương cơ bản cho cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị, tạo động lực và nâng cao đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức.
Thứ ba, Bộ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025; tham mưu cấp có thẩm quyền thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương - Thành phố Di sản đầu tiên trực thuộc Trung ương; nâng cấp 137 đơn vị hành chính đô thị góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị.
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Khánh Huy |
Thứ tư, tập trung cao độ tham mưu Ban Chỉ đạo của Chính phủ thực hiện phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ theo tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương với khối lượng công việc lớn chưa từng có và đến nay, cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề án liên quan trình Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương bảo đảm tiến độ và đúng yêu cầu, chỉ đạo của Trung ương.
Thứ năm, Bộ Nội vụ đã nỗ lực, quyết tâm xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, năng động, trách nhiệm và hiệu quả. Trong đó, chú trọng đổi mới đánh giá, xếp loại và xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức; khuyến khích tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Phân cấp, phân quyền triệt để trong tuyển dụng, đổi mới nâng ngạch công chức, bỏ thi và thực hiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảm gánh nặng, thủ tục, quy trình, được sự đồng tình, thống nhất cao của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Thứ sáu, tham mưu đẩy mạnh cải cách hành chính với mục tiêu lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo, lấy sự phát triển kinh tế - xã hội làm thành tựu, lấy đổi mới, sáng tạo làm động lực.
Cải cách hành chính, theo đánh giá của Bộ trưởng Nội vụ, ngày càng đi vào chiều sâu hướng đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công vụ, nâng cao chất lượng của xây dựng thể chế, tháo gỡ, cải cách thủ tục hành chính. Đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, thúc đẩy Chính phủ số, chính quyền số, không ngừng góp phần khơi nguồn cho phát triển.
Thứ bảy, tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Tập trung tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho địa phương, cơ sở nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước một cách đồng bộ, thống nhất trong ngành Nội vụ, tạo sự ổn định và phát triển rõ nét của toàn ngành và địa phương. Đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với hoàn thành, đồng bộ, liên thông Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Thứ tám, theo Bộ trưởng Nội vụ, công tác đối ngoại công vụ với nhiều hoạt động hợp tác chiến lược đã góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Bộ Nội vụ Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: N.N |
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nội vụ cũng nhìn nhận, còn không ít những hạn chế, tồn tại và những khó khăn vướng mắc đặt ra từ thực tiễn. Trong đó, cần phải nghiêm túc nhận diện để khẩn trương khắc phục, tháo gỡ điểm nghẽn, đặc biệt là công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách thuộc lĩnh vực nội vụ.
Bộ trưởng nhấn mạnh, năm 2025 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, thời điểm chuẩn bị cho kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đây cũng là thời điểm hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả trước thềm Đại hội Đảng bộ các cấp và cũng là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, của ngành Nội vụ; đồng thời vận hành bộ máy hành chính Nhà nước sau sắp xếp bảo đảm tính liên tục, thống nhất và ổn định phát huy được hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Những giải pháp toàn diện, thực tế, bám sát nhiệm vụ và thực tế.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, năm 2024, nhìn một cách tổng quát, hoạt động của Chính phủ đạt được thành công trong nhiều lĩnh vực, trong đó có đóng góp của ngành Nội vụ.
Qua báo cáo và thực tiễn cho thấy, Bộ đảm nhiệm một khối lượng công việc lớn, phức tạp, chính sách liên quan đến từng người lao động, cán bộ, công chức, viên chức... Trong nhiều khó khăn, những kết quả của Bộ đạt được càng đáng ghi nhận. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đồng tình với 8 điểm nổi bật Bộ đã làm được trong năm 2024.
Về nhiệm vụ năm 2025, Bộ Nội vụ nêu 11 nhiệm vụ, 6 giải pháp lớn; cùng với đó, các địa phương cũng đóng góp nhiều kiến nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhận định, đây là những giải pháp toàn diện, thực tế, bám sát nhiệm vụ và thực tế.
“Năm 2025 là năm về đích của nhiệm kỳ, với thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, cần xác định đây là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị, chứ không chỉ đặt lên vai Bộ Nội vụ; cần làm khẩn trương, hoàn thành trước ngày 10/2/2025, các cơ quan Đảng phải làm trước. Ngành Nội vụ cần tập trung thực hiện hiệu quả chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030; đổi mới công tác cán bộ; đổi mới công tác thi đua khen thưởng… tạo khí thế mới; thi đua lập thành tích cao nhất chào mừng các ngày lễ lớn, trọng đại của đất nước và Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ XI năm 2025...” - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh vai trò của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Giám đốc công nghệ thông tin trong chuyển đổi số. Xây dựng bộ máy Nhà nước tinh gọn hiệu lực, hiệu quả, ngoài đổi mới mô hình tổ chức, con người còn cần đến công nghệ nhất là AI. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng bày tỏ sẵn sàng trợ giúp đắc lực cho Bộ Nội vụ, ngành Nội vụ về chuyển đổi số trong bộ máy Nhà nước. |
Tinh giản biên chế đối với trường hợp không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ | |
Bộ Nội vụ chính thức thông tin về chế độ đối với công chức, viên chức sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại