Đề xuất nhiều điểm mới trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Đề xuất thẩm quyền cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông được giao cho hiệu trưởng nhà trường, thay vì Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo như hiện nay. Ảnh minh họa |
Theo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố, một trong những thay đổi đáng chú ý là là thẩm quyền cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông được giao cho hiệu trưởng nhà trường, thay vì Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo như hiện nay. Điều này nhằm thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền, tuân thủ nguyên tắc “nơi nào đào tạo, nơi đó cấp bằng”.
Cũng theo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, thay vì cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở như trước đây, học sinh sau khi hoàn thành chương trình sẽ được hiệu trưởng nhà trường xác nhận qua học bạ. Trước đó, việc cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở do Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo cấp quận, huyện thực hiện.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, sự thay đổi này nhằm phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và phù hợp với mục tiêu phổ cập giáo dục, xu thế quốc tế hiện nay. Các quốc gia phát triển như Mỹ, Canada, Anh, Australia, Phần Lan không cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở mà sử dụng xác nhận của hiệu trưởng về kết quả học tập ở cấp dưới để xét tuyển vào bậc học cao hơn.
Bên cạnh đó, không chỉ dừng lại ở bậc phổ thông, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục còn đề xuất nhiều thay đổi liên quan đến tổ chức quản lý hệ thống giáo dục, cụ thể là phân cấp quản lý trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở cho Chủ tịch UBND cấp xã trong điều kiện thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp. Trong khi đó, các trường trung học phổ thông hoặc trường phổ thông có nhiều cấp học sẽ tiếp tục thuộc phạm vi quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo, trừ những trường thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung nội dung về hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng xác định rõ các cấp học của hệ thống giáo dục quốc dân gồm: giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.
Điểm mới trong quy định này là bổ sung trung học nghề là cấp học; không có trường trung cấp (chuyển sang trung học nghề, là chương trình tích hợp kiến thức trung học phổ thông); không cấp bằng trung cấp (thay bằng bằng trung học nghề).
Như vậy, trong chương trình trung học nghề, học sinh có 2 lựa chọn: được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề hoặc trung cấp nghề.
Học sinh khi học hết lớp 9 có 3 lựa chọn: học trung học phổ thông, hoặc học trung học nghề với chứng chỉ sơ cấp, hoặc học trung học nghề với chứng chỉ trung cấp nghề.
Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tổ chức lấy ý kiến góp ý rộng rãi cho dự thảo này, kéo dài đến hết ngày 9/7/2025. Những ý kiến đóng góp từ các tổ chức, chuyên gia, giáo viên và người dân sẽ được tổng hợp để hoàn thiện dự luật, trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp tới.

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại