Thứ năm 23/01/2025 06:21
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi):

Đề xuất xây dựng bảng lương riêng cho các nhân tài

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tiến sĩ Trần Thị Quyên, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, pháp luật về thu hút nhân tài cần xây dựng bảng lương riêng cho các nhân tài đã thu hút. Bảng lương này có thể được xây dựng cao hơn 8 lần so với bảng lương của những người cùng vị trí việc làm tương tự.
TS Trần Thị Quyên - Trường Đại học Luật Hà Nội chia sẻ tại hội thảo   Ảnh: Khánh Huy
TS Trần Thị Quyên - Trường Đại học Luật Hà Nội chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Khánh Huy

Xây dựng cơ chế, chính sách tuyển chọn, đào tạo nhân tài

Phát biểu tại Hội thảo: "Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)" do Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp cùng trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức ngày 25/4, tiến sĩ Trần Thị Quyên, Khoa Pháp luật Hành chính - Nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, bất kỳ Quốc gia và thời kỳ nào cũng quan tâm đến nguồn nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt, trong bối cảnh Hà Nội đang tiến tới xây dựng TP thông minh thì việc phát triển nhân lực chất lượng cao cần được đặt ở vị trí trung tâm.

Tiến sĩ Trần Thị Quyên cho biết thêm, hiện nay Nhà nước ta đã xây dựng được một số văn bản quy phạm pháp luật về phát triển, thu hút, trọng dụng nhân tài; cơ chế, chính sách về phát triển nguồn nhân lực. Cụ thể, Nghị định số 140/2017/NĐ-CP về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ; Nghị định số 138/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức… hệ thống văn bản này đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi và tạo động lực cho việc thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng. Nội dung trọng tâm của các quy định pháp luật nói trên có liên quan đến chế độ tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và đãi ngộ vật chất cho các nhân tài trong cơ quan hành chính Nhà nước qua từng giai đoạn lịch sử khác nhau.

Trong kết luận số 86-KL/TW ngày 24/1/2014 của Bộ Chính trị nêu rõ: “Nhiều cơ quan ở Trung ương, địa phương và doanh nghiệp đã xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể về tuyển chọn, đào tạo, đãi ngộ nhằm thu hút những người có trình độ cao, trong đó có sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ về cơ quan, đơn vị, địa phương công tác”.

Đối tượng áp dụng pháp luật thu hút nhân tài trong cơ quan hành chính Nhà nước được quy định tại Nghị định số 140/2017/NĐ-CP áp dụng cho việc thu hút, tạo nguồn cán bộ từ nhóm các sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ để làm việc tại nhiều cơ quan Nhà nước. Trong đó, các cơ quan hành chính Nhà nước là bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải đơn vị sự nghiệp công lập. Ngoài ra, ở TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội và một số tỉnh, TP khác có thể tuyển dụng các đối tượng trên vào các cơ quan của mình theo quy định riêng.

Mở rộng đối tượng thuộc diện thu hút

Để hoàn thiện chính sách, pháp luật thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao ở khu vực công Việt Nam hiện nay, tiến sĩ Trần Thị Quyên, Trường Đại học Luật Hà Nội kiến nghị, pháp luật về thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cần mở rộng đối tượng thuộc diện thu hút. Đó là những người có trình độ, năng lực vượt trội và kinh nghiệm thực tiễn đang làm việc ở các lĩnh vực, khu vực, địa bàn khác kể cả trong và ngoài nước. Trong đó đặc biệt chú trọng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành, lĩnh vực mũi nhọn như: khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa; khoa học xã hội; y tế; thông tin và truyền thông, chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, pháp luật về thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cần quy định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc bảo đảm quyền lợi, môi trường làm việc chuyên nghiệp, năng động, cạnh tranh để phát huy được các nhân tố tài năng của nguồn nhân lực chất lượng cao đã thu hút. Việc thu hút được các tài năng làm việc trong khu vực công chỉ là điều kiện cần nhưng để giữ chân người tài năng thì cần phải có môi trường làm việc phù hợp với năng lực của họ.

Trong các quy định hiện nay, trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước về vấn đề này chưa được đề cập hoặc đề cập nhưng chưa rõ ràng. Vì vậy, nếu Nhà nước không đặt ra các quy định cụ thể cho việc bảo đảm quyền lợi về môi trường làm việc thì chính sách thu hút nhân tài khó có tính khả thi. Theo tiến sĩ Trần Thị Quyên, hiện nay thu hút nhân tài hầu như mới chú ý tới bằng cấp, chưa chú ý nhiều đến năng lực vượt trội, kinh nghiệm thực tiễn. Các quy định mới về thu hút nhân tài cần chú trọng hơn đến sáng chế, sản phẩm có tính thực tiễn và có thể xây dựng mức lương riêng cho nhân tài, có thể cao gấp 8-10 lần so với mức lương của công chức thông thường.

Các quy định mới về thu hút nhân tài cần chú trọng hơn đến sáng chế, sản phẩm có tính thực tiễn
Chú trọng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao
Cần có quy định về khai thác hai bên dòng sông
Công Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động